Chăm sóc vườn dưa pepino tại trang trại Kiến Huy, huyện Lạc Dương.
Từ năm 2004 đến nay, Tỉnh ủy Lâm Đồng ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, đưa ra các giải pháp để phát huy tiềm năng, thế mạnh về nền nông nghiệp địa phương. Kết quả trong thời gian qua, khẳng định phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) là chủ trương đúng đắn về lý luận và thực tiễn.
Chìa khóa mở tiềm năng
Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng cho biết, tại hội nghị giữa nhiệm kỳ của Đảng bộ tỉnh khóa 7 (năm 2003), Tỉnh ủy Lâm Đồng xác định, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong sáu chương trình đột phá để phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Giai đoạn khởi đầu 2004-2010, tỉnh Lâm Đồng bắt đầu xây dựng quy hoạch vùng, các dự án NNCNC để kêu gọi đầu tư, xây dựng mô hình điểm về chăn nuôi, trồng trọt. Việc triển khai chương trình NNCNC có tác động mạnh mẽ đến các cấp, các ngành và được nhân dân hưởng ứng. Tổng diện tích ứng dụng NNCNC năm 2010 là 6.407 ha, giá trị thu nhập bình quân trên 1 ha đạt 76 triệu đồng, tăng 3,8 lần so với năm 2004, cao gấp nhiều lần bình quân cả nước. Có 61 đơn vị, cá nhân sản xuất rau, hoa được chứng nhận GlobalGAP, VietGAP; tổng diện tích chè ứng dụng công nghệ cao là hơn 536 ha, 20 đơn vị, cá nhân được cấp chứng nhận VietGAP; xuất hiện nhiều trang trại sản xuất nông, lâm nghiệp kết hợp chăn nuôi bò sữa, bò thịt chất lượng cao… Tổng vốn đầu tư NNCNC đạt hơn 2.600 tỷ đồng. “Cách tiếp cận giai đoạn này là xây dựng các mô hình điểm, thông qua hỗ trợ ngân sách nhà nước để định hướng, nâng cao nhận thức nông dân và doanh nghiệp. Qua đó, cho thấy hiệu quả rõ rệt và tạo sự lan tỏa trong nhân dân”, đồng chí Nguyễn Xuân Tiến cho biết.
Trên cơ sở kết quả, kinh nghiệm của giai đoạn đầu, Tỉnh ủy Lâm Đồng ban hành Nghị quyết 05 về “Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giai đoạn 2011-2015”, theo đó, mở rộng một số cây trồng, vật nuôi như chè, cà-phê, cá nước lạnh, cây lúa và cây đặc sản. Tỉnh tập trung nhân rộng các mô hình hiệu quả, xây dựng các mô hình mới phù hợp với từng loại cây trồng, vật nuôi. Kết quả sản xuất NNCNC tại Lâm Đồng giai đoạn này, một lần nữa khẳng định chủ trương đúng đắn của nghị quyết về phát triển NNCNC, được xem là chìa khóa mở “tiềm năng xanh” địa phương. Nhiều mô hình sản xuất rau cao cấp đạt đến 500 triệu đồng/ha/năm, cá biệt rau thủy canh đạt từ 8 đến 9 tỷ đồng; hoa đạt đến 1,2 tỷ đồng, chè chất lượng cao đạt 250 triệu đồng và cà-phê đạt 240 triệu đồng/ha/năm. “Có thể nói, Lâm Đồng tiếp tục tạo sự đột phá mới trong phát triển NNCNC và đã trở thành vùng sản xuất nông nghiệp có giá trị cao hàng đầu Đông - Nam Á”- Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhận định.
Phát triển NNCNC là chủ trương đúng đắn, có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và nông nghiệp, nông thôn Lâm Đồng. Doanh nghiệp và nông dân nhận thức được rằng NNCNC là tất yếu, là sự sống còn trong phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, trong thực tiễn sản xuất, các thành phần kinh tế tại Lâm Đồng luôn có cách làm sáng tạo để khai thác tiềm năng, thế mạnh địa phương. Qua hai giai đoạn triển khai chương trình NNCNC, thấy rõ bộ mặt nông thôn Lâm Đồng có nhiều chuyển biến tích cực, diện mạo nông thôn thay đổi theo hướng đô thị hóa, xanh-sạch-đẹp, đáp ứng quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.
Hành trình vững chắc
Trước yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và ứng phó với biến đổi khí hậu, Tỉnh ủy Lâm Đồng tiếp tục đánh giá, tổng kết rút ra những điểm mới trong phát triển nông nghiệp, ban hành Nghị quyết 05 “Về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại, giai đoạn 2016-2020; định hướng đến năm 2025”. Qua đó phân tích, dự báo cơ hội trong quá trình hội nhập quốc tế, khả năng và lợi thế cạnh tranh của nông nghiệp Lâm Đồng; đồng thời, khẳng định vai trò của các doanh nghiệp là nòng cốt, ứng dụng khoa học kỹ thuật là điều kiện tiên quyết, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm là điều kiện để ổn định cho sản xuất phát triển và thị trường giá cả nông sản, xây dựng phát triển thương hiệu để khẳng định giá trị nông sản, cam kết chất lượng đối với người tiêu dùng, và nông dân là chủ thể, là lực lượng quyết định đến chương trình phát triển NNCNC.
Trên cơ sở nhìn nhận, đánh giá đúng tiềm năng, thế mạnh cũng như những vướng mắc, Lâm Đồng từng bước triển khai phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thận trọng, bền vững. “Trước tiên, chúng tôi xác định chương trình phát triển NNCNC là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân. Trong đó, doanh nghiệp là nòng cốt, nông dân là chủ thể. Đây là định hướng đúng đắn để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập người dân. Do đó, phải tăng cường sự lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp và phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể để vận động nhân dân thực hiện”, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng cho biết.
Bước tiếp theo, tỉnh tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng mô hình, công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, định hướng giúp doanh nghiệp và nông dân sản xuất theo yêu cầu thị trường, nhằm ổn định giá cả nông sản, tăng thu nhập và hiệu quả sử dụng đất; khuyến khích tối đa xã hội hóa về nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ; chú trọng tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong quá trình thực hiện theo định hướng NNCNC; tổ chức sản xuất đồng bộ, phát triển mạnh doanh nghiệp về quy mô, số lượng để đủ sức chi phối các mặt hàng chủ lực thế mạnh của địa phương, đủ sức cạnh tranh thị trường trong nước và quốc tế; tập trung chỉ đạo sản xuất theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm và coi trọng xây dựng, phát triển thương hiệu nông sản…
Có thể khẳng định, nghị quyết chuyên đề về phát triển NNCNC Lâm Đồng đã thật sự đi vào cuộc sống. Tư duy làm nông nghiệp kiểu mới đã lan tỏa đến vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số địa phương. Dưới chân núi Langbiang, huyện Lạc Dương, địa phương được liệt vào diện nghèo khó một thời của tỉnh Lâm Đồng, đã xuất hiện nhiều nhà kính trồng rau, hoa công nghệ cao của bà con dân tộc thiểu số. Đang thu hoạch hoa hồng trong khu nhà kính hiện đại, ông Păng Ting Sin (dân tộc Cơ Ho), thổ lộ: “Nhờ Nhà nước hỗ trợ, hướng dẫn, gia đình mình mạnh dạn đầu tư sản xuất NNCNC. Giờ làm nông sướng lắm, chất lượng sản phẩm và đầu ra không còn là bài toán khó”. Tư duy làm giàu từ NNCNC đã lan tỏa mạnh mẽ trong toàn huyện, từ đó xuất hiện nhiều nhà nông người dân tộc thiểu số có thu nhập cao, tạo việc làm cho nhiều người, điển hình như Krajan Théo, Cil Nôm, Cil Mup Noa, Lơ Mu Ha Hang… “Cách đây khoảng 5 đến 6 năm, ít người dám bắt tay làm NNCNC. Nay, Lạc Dương đã trở thành địa danh gắn liền với thương hiệu của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn sản xuất NNCNC trong và ngoài nước, như VinEco, Floram, Kbil Vina, SamGong, Anhdao Co-op, Ngọc Mai Trang…”, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Nguyễn Quốc Kỳ cho biết.
Trên cơ sở nghị quyết của Tỉnh ủy Lâm Đồng, huyện Lạc Dương ban hành nghị quyết về phát triển nông nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020, và đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020”. Nghị quyết đại hội đảng bộ cấp xã cũng xác định NNCNC là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Hiện, toàn huyện có 1.895 ha sản xuất rau, hoa công nghệ cao, chiếm 34% diện tích đất canh tác; 16 ha nuôi cá nước lạnh; thu nhập bình quân trên 1 ha đạt 210 triệu đồng. Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương nói thêm: “Điều đáng mừng, huyện đã có 192 hộ đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất NNCNC trên diện tích 52 ha. Sự thay đổi đã hiển hiện tại địa phương có 72% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số”.
Hình thành thương hiệu
Lâm Đồng hiện có gần 50 nghìn ha nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm gần 16,4% diện tích canh tác, góp phần đưa giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân của tỉnh đạt 150 triệu đồng/ha/năm. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Sơn cho biết: “So cả nước, Lâm Đồng là địa phương tiên phong ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Hiện toàn tỉnh có 11.000 ha đạt giá trị hơn 500 triệu đồng/ha/năm. Trong đó, hơn 700 ha đạt doanh thu từ một đến ba tỷ đồng, cá biệt có một số diện tích đạt hơn ba tỷ đồng/ha/năm”. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư sản xuất con giống, cá nước lạnh thương phẩm trên diện tích 50 ha tại Lâm Đồng, với sản lượng đạt 500 tấn/năm; 50 cơ sở nuôi cấy mô thực vật, sản xuất hơn 32 triệu cây giống gốc invitro hằng năm; 971 tổ chức, hộ nông dân được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, Organic với quy mô hơn 2.500 ha và 977 hộ được cấp VietGHAP.
Đến nay, Lâm Đồng có 16 sản phẩm được đăng ký xác lập quyền nhãn hiệu và đang phát huy uy tín thương hiệu NNCNC Lâm Đồng, như: Rau Đà Lạt, Hoa Đà Lạt, Trà B’Lao, cà-phê Arabica Langbiang, cá nước lạnh Đà Lạt, tơ tằm Bảo Lộc... Đặc biệt, địa phương liên kết với tổ chức JICA (Nhật Bản) và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, xây dựng đề án phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành. Trong đó, xác định rõ bốn mục tiêu phát triển nông nghiệp của Lâm Đồng: “Thương hiệu số một Việt Nam”, “Trung tâm sản xuất rau số một Đông - Nam Á”, “Điểm du lịch nông nghiệp số một Việt Nam” và “Trung tâm đào tạo nhân lực và nghiên cứu phát triển số một Tây Nguyên”. Qua đó, tạo điều kiện để doanh nghiệp và nông dân nhận thức tính tất yếu phải ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, để mạnh dạn đầu tư và mở rộng liên kết để phát triển sản xuất.
Qua thực tiễn tại Lâm Đồng, có thể nói, đầu tư NNCNC đã đem lại lợi nhuận lớn. Đây là sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy làm kinh tế nông nghiệp của doanh nghiệp và nông dân Lâm Đồng, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và những hình mẫu sản xuất NNCNC tại địa phương. Lâm Đồng đặt mục tiêu đến năm 2020 trở thành trung tâm nông nghiệp hàng đầu khu vực Đông - Nam Á.