“Cuộc chơi giảm phát thải đã thay đổi. Doanh nghiệp Việt Nam buộc phải thay đổi để không bị loại khỏi cuộc chơi toàn cầu”, PGS, TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhấn mạnh tại tọa đàm “Net Zero - Cam kết và hành động vì tương lai bền vững” do báo Dân trí tổ chức.
Phải sớm thay đổi trước khi bị loại khỏi cuộc chơi
Việt Nam đang trong cuộc đua hành động để tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 với những tuyên bố toàn cầu về chuyển điện than sang năng lượng sạch, không xây nhà máy điện than mới sau năm 2030...
Hiện Việt Nam là một trong những nước đi đầu tại Đông Nam Á về thể chế hóa kinh tế tuần hoàn trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Nền kinh tế tuần hoàn yêu cầu cả chuỗi sản xuất, tiêu dùng bền vững, điều tra thăm dò, thiết kế, chế biến, phân phối, thu gom, vận chuyển, tái chế và tái sử dụng chất thải...
Theo ông Thọ, cuộc chơi của thế giới đã thay đổi theo hướng chuyển sang yêu cầu về giảm phát thải, yêu cầu về đối mặt với 3 cuộc khủng hoảng toàn cầu gồm: Ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác động đến môi trường, hạn chế giảm tổn thất liên quan đến đa dạng sinh học. Thời gian qua, các nước phát triển đã dựng hàng loạt hàng rào kỹ thuật.
Đầu tiên là Việt Nam bị nhận thẻ vàng về xuất khẩu thủy hải sản. Sau đó, các nước phát triển dựng các hàng rào về phát thải carbon có hiệu lực từ tháng 1/2026.
Từ ngày 1/1/2025, Việt Nam muốn xuất khẩu nông sản thì phải chứng minh được hàng hóa đó không xuất phát từ phá rừng sau ngày 31/12/2024; ngoài ra, các vấn đề như: Xây dựng biên giới carbon, rừng, nhựa, ảnh hưởng doanh nghiệp sản xuất.
"Nếu doanh nghiệp không có sự chuẩn bị sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Sự dũng cảm, mạnh mẽ của doanh nghiệp Việt vào cuộc chơi toàn cầu là bắt buộc, nếu không thực hiện thì không nhận được đầu tư, tham gia vào thương mại toàn cầu", PGS, TS Nguyễn Đình Thọ nhấn mạnh.
ESG là bài toán bắt buộc, do đó cần khuyến khích doanh nghiệp báo cáo ESG để tăng uy tín. Các quốc gia châu Âu đã yêu cầu các bên báo cáo phát triển bền vững.
Một trong những thứ doanh nghiệp cần nắm bắt là nguyên tắc của thế giới khi thực hiện giảm phát thải, giảm rác thải và suy giảm đa dạng sinh học là tập trung vào việc gia tăng, không chỉ những gì đang có.
Ví dụ, 43% rừng thì không phải 43% rừng tạo ra tín chỉ carbon mà cải tạo hấp thụ carbon sẽ tạo ra tín chỉ carbon. Cái có thể quy đổi được là kết quả giảm phát thải, nghĩa là phải can thiệp để tăng khả năng hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng.
Vì vậy, để được hỗ trợ, các đơn vị phải làm từ tiền dự án cho đến khi triển khai, kết thúc dự án. Nếu cẩn thận kiểm kê, Việt Nam có thể bán được tín chỉ carbon, từ đó cải thiện đời sống người lao động, dân cư.
Doanh nghiệp cần thay đổi, đầu tư vào ngành kinh tế xanh
Với tư cách là đơn vị đồng hành với doanh nghiệp, TS Bùi Thanh Minh, Phó giám đốc chuyên môn, Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cho biết, năm 2022, đơn vị đã tiến hành khảo sát hơn 400 doanh nghiệp.
Theo kết quả khảo sát, hiểu biết của doanh nghiệp về chuyển đổi xanh rất thấp, chỉ 20% doanh nghiệp nắm được. Tháng 12/2023, đơn vị đã khảo sát lại 2.730 doanh nghiệp thì có 64% doanh nghiệp Việt Nam dù nhận thức được nhưng chưa có sự chuẩn bị.
“Chúng ta còn nhiều việc phải làm ngoài thể chế chính sách, trong đó có 3 chữ T quan trọng. Chữ T đầu tiên là tâm thế chủ doanh nghiệp. Chữ T thứ 2 là thông tin, 69 doanh nghiệp nằm trong danh sách phải kiểm kê khí thải nhà kính thì chỉ có 1 doanh nghiệp nắm được thông tin này. Và chữ T thứ 3 là tài chính, khi chuyển đổi xanh đòi hỏi tình hình tài chính và nguồn vốn dồi dào”, TS Bùi Thanh Minh nhấn mạnh.
Theo TS Bùi Thanh Minh, câu chuyện chuyển đổi xanh không còn là khuyến khích nữa. Trong quá trình Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đồng hành cùng các đơn vị, doanh nghiệp FDI khi xảy ra rủi ro, họ đã quản trị rủi ro tốt và phục hồi nhanh.
Trong khi đó, các doanh nghiệp nội địa khi xảy ra biến động lại bị ảnh hưởng rất lớn và phục hồi chậm. Bằng chứng là thời gian qua, số lượng doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt động tăng cao.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy. Đơn cử, mô hình tăng trưởng dựa trên thâm dụng lao động, thâm dụng các yếu tố tài nguyên đã đến lúc phải thay đổi sang mô hình sáng tạo, dựa trên ngành kinh tế xanh hơn và có tác động lan tỏa.
Việt Nam có 2 mục tiêu chính là hướng đến cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050 và năm 2045 trở thành nước có thu nhập cao. Để 2 yếu tố này không cạnh tranh, loại trừ nhau, Việt Nam cần tiên phong chuyển đổi, tận dụng sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, nội lực trong nước. Như vậy, 2 mục tiêu sẽ song hành cùng nhau.
Ở góc độ doanh nghiệp, các doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi xanh sẽ tận dụng được chính sách hỗ trợ, tận dụng cơ hội, thay thế các doanh nghiệp khác trên thị trường.
Khởi đầu sẽ vất vả, mất nhiều chi phí nhưng sau đó doanh nghiệp sẽ thoải mái lựa chọn khách hàng, thị trường để thâm nhập. Cùng với đó, trách nhiệm của người tiêu dùng ngày càng được nâng cao. Việc doanh nghiệp sản xuất xanh, sản xuất bền vững hướng đến giá trị xã hội cao hơn sẽ là chuẩn trong tương lai.
Là doanh nghiệp hoạt động trên 35 năm về lĩnh vực nhựa, ông Lê Anh, Giám đốc Phát triển bền vững Công ty Nhựa tái chế Duy Tân cho biết, mỗi ngày, doanh nghiệp thu gom 90 tấn chai, tương đương 6 triệu chai nhựa đã qua sử dụng.
“Sau khi thu gom, công ty tái chế và cho chai nhựa một vòng đời mới. Mọi người có thể bắt gặp những sản phẩm tái chế của chúng tôi trên các kệ hàng siêu thị. Đơn cử, chai nước của hãng Pepsi, Coca Cola, Unilever, Lavie… thường được làm từ chai tái chế và được thu gom trong nước.
Đây là bước phát triển tương đối mạnh mẽ, là một phần của Net Zero, đó là tái chế nhựa. Ngoài ra, công ty còn tái chế giấy, pin, kim loại. Chúng tôi tự hào là nhà máy "3 không": Không nước thải - Không khí thải - Không chất thải.
Đây là thành quả đầu tiên từ doanh nghiệp sản xuất nhựa, nay thành doanh nghiệp tái chế để đóng góp vào mục tiêu Net Zero vào năm 2050”, ông Lê Anh thông tin.
Vân Khánh
Báo Lao động Xã hội số 63