Theo đó, thông tin về các ca mắc COVID-19 mới cụ thể như sau: Thành phố Hải Phòng ghi nhận 1 ca bệnh (BN1561) và tỉnh Bắc Ninh ghi nhận 1 ca bệnh (BN1565), đều có địa chỉ thường trú tại tỉnh Hải Dương và có liên quan dịch tễ đến ổ dịch tại Thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
Tỉnh Quảng Ninh ghi nhận 10 ca bệnh ngày 28/1 (BN1562-1564 và BN1566-1572) và 2 ca bệnh mới ngày 29/1 (BN1573-1574) có liên quan dịch tễ với trường hợp mắc bệnh trước đó là bệnh nhân BN1553.
Tỉnh Hải Dương ghi nhận 72 trường hợp mắc ngày 28/1 (BN1575-1580 và BN1582-1651) và 6 trường hợp mắc mới ngày 29/1 (BN1646-1651), có địa chỉ thường trú tại tỉnh Hải Dương (67) và tỉnh Quảng Ninh (9). Các bệnh nhân này đều có liên quan dịch tễ với ổ dịch tại Thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
Thành phố Hà Nội ghi nhận 1 ca bệnh (BN1581) có địa chỉ thường trú tại quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội, có liên quan dịch tễ với trường hợp mắc bệnh trước đó là bệnh nhân BN1553.
Như vậy, tính đến 6h ngày 29/1, Việt Nam có tổng cộng 1.651 ca mắc COVID-19, trong đó, có 786 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước; số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 647 ca; số ca mắc được cách ly ngay sau khi nhập cảnh là 865.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 21.345 người.
Về tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, tổng số ca bệnh được điều trị khỏi là 1.430; 35 ca tử vong.
Hiện số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là 14 ca. Số ca âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2 là 10 ca. Số ca âm tính lần 3 trở lên với SARS-CoV-2 là 12 ca.
Trước đó, theo Vov, tại cuộc họp chiều 28/1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định: “Tình hình ổ dịch ở Hải Dương đang hết sức phức tạp, tốc độ lây lan rất nhanh, nguy cơ lây lan từ nhà máy Công ty TNHH POYUN ra cộng đồng là rất cao vì các công nhân chủ yếu làm theo ca kíp, sau giờ làm lại về với khu trọ, gia đình, nhiều người ở một số tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Bắc Giang… là rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, ngày 28/1, tại Hải Phòng cũng phát hiện 1 trường hợp từ Chí Linh về được xác định dương tính, sân bay Vân Đồn thêm 2 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện vẫn còn mấy nghìn mẫu chưa làm được, dự kiến số ca mắc sẽ còn tăng lên rất nhanh”.
Theo đó, ngay từ khi nhận thông tin về tình hình dịch tại Hải Dương, Bộ Y tế đã chỉ đạo 2 đoàn kiểm tra, cắm chốt luôn tại chỗ để cùng địa phương chống dịch; cử các đoàn của Bệnh viện Nhiệt đới trung ương; huy động các đơn vị như: Đại học Y Hà Nội, Trường đại học Y tế công cộng, Bệnh viện Bạch Mai, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương… trên quan điểm khoanh vùng càng nhanh càng tốt, xét nghiệm càng nhiều càng tốt.
“Theo chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu phong toả thành phố Chí Linh đủ 21 ngày, với các trường hợp tiếp xúc gần cũng đảm bảo 21 ngày, việc thực hiện cách ly phải thực hiện rất quyết liệt. Theo kinh nghiệm từ đợt dịch tại Đà Nẵng, tất cả các trường hợp F1 bắt buộc phải cách ly tập trung, phải tách hoàn toàn khỏi cộng đồng mới có thể thành công. Nếu như hiện nay với quy định cách ly đủ 21 ngày, người dân có thể sẽ đón Tết trong phong toả”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.
Theo đó, biến thể virus SARS-CoV-2 lần này có tốc độ lây nhiễm rất nhanh, cần có phương án ứng xử cụ thể với tất cả các trường hợp đã đi và đến các ổ dịch, các chuyên gia nhập cảnh từ tháng 1 đến nay chứ không chỉ tại các ổ dịch.
Về công tác điều trị, Bộ Y tế đã đã chỉ đạo có biện pháp mạnh hơn nữa, nếu không đảm bảo thì nguy cơ thiếu giường điều trị là có thể vì ước tính với Hải Dương, Quảng Ninh con số mắc sẽ cao chứ không dừng ở con số 100-200.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu tỉnh Hải Dương phải chuẩn bị tốt cho công tác điều trị, việc chuẩn bị bệnh viện dã chiến tại Trung tâm Y tế Chí Linh, nếu thiếu trang thiết bị sẽ được bổ sung triệt để, được cấp đủ, thậm chí cấp dư để có thể tiếp nhận bệnh nhân từ các khu cách ly sang.
Bộ Y tế cũng Giao Cục Quản lý Khám chữa bệnh thành lập ngay 1 trung tâm cấp cứu tại chỗ tại Hải Dương với các chuyên gia “tinh nhuệ” để điều trị bệnh nhân nặng, xác định điều trị tại chỗ là chính.
Nhận định đợt bùng phát dịch Covid-19 ở Hải Dương và Quảng Ninh có nguy cơ diễn biến phức tạp, số ca bệnh có thể tăng lên trong những ngày tới, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chỉ đạo các bộ phận liên quan thiết lập 3 bệnh viện dã chiến tại Hải Dương, để thực hiện điều trị tại chỗ các ca bệnh. Bộ trưởng chỉ đạo cấp dư trang thiết bị phòng dịch cho các bệnh viện này để thực hiện tốt công tác điều trị.
Liên quan đến công tác dập dịch tại Hải Dương, tờ Vietnamnet đưa tin, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, sẽ xây dựng lần lượt các bệnh viện dã chiến, ban đầu từ Trung tâm y tế TP Chí Linh, tới Trường Đại học Hải Dương và nhà thi đấu Hải Dương.
“Chúng tôi yêu cầu tỉnh Hải Dương liên hệ với các cơ quan, triển khai ngay các hoạt động thiết lập bệnh viện dã chiến đầu tiên trong đêm nay”, Bộ Trưởng nói.
Về nhân lực điều trị tại các bệnh viện dã chiến, Bộ Y tế cho biết đã đề nghị Cục quản lý khám chữa bệnh phối hợp với Sở Y tế Hải Dương điều phối. Đặc biệt, Bộ Y tế sẽ điều động thêm các bác sĩ từ miền Trung với nhiều kinh nghiệm tại ổ dịch Đà Nẵng trước đây để hỗ trợ điều trị.
Theo báo cáo của lãnh đạo Sở Y tế Hải Dương, tỉnh hiện có 3 phòng xét nghiệm, trong đó có 1 phòng xét nghiệm khẳng định. Trung tâm Y tế TP. Chí Linh hiện đã được phong toả, lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ nhân viên y tế, người nhà, bệnh nhân, người phục vụ, song hiện chưa có kết quả.
Ngành y tế tỉnh đang chuyển 104 bệnh nhân điều trị nội trú tại Trung tâm Y tế TP. Chí Linh đến TTYT huyện Nam Sách (101 bệnh nhân) và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương (3 bệnh nhân nặng) để biến nơi đây thành bệnh viện dã chiến.
Riêng 3 bệnh nhân nặng chuyển về Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương cần tiếp tục cách ly nghiêm ngặt.
“Phải đặc biệt lưu ý 2 khoa xung yếu là Hồi sức tích cực và Thận nhân tạo. Nếu để lọt bệnh nhân Covid-19 vào đây thì số ca tử vong sẽ rất nhiều”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.