Lam Kinh - Lam Sơn, mảnh đất địa linh nhân kiệt
Lam Kinh-Lam Sơn là vùng đất thiêng địa linh nhân kiệt nhìn về phía trước có sông Chu, lại có núi Chủ Sơn xa xa làm tiền án, sau lưng phía bắc dựa vào núi Dầu ở thế hậu chẩm, phía đông (bên Tả) có rừng Phú Lâm và núi Ngọc Liên liên hoàn lượn hình tay ngai che chắn, dải núi Hướng và núi Hàm Rồng cũng lượn vòng phía tây tạo thành thế long ngai bên hữu. Đây là vùng đất phong thủy hữu tình. Năm 1416, tại Lũng Nhai, Lê Lợi cùng 18 người thân thiết đã mở hội thề. Từ một vị trí phụ đạo Lam Sơn, quân trưởng một phương, thủ lĩnh một vùng, với tài năng, đức độ Lê Lợi nhanh chóng trở thành một thủ lĩnh tối cao của cuộc khởi nghĩa.
Năm 1418, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa với lực lượng nòng cốt là nhân dân Thanh Hóa và nhanh chóng quy tụ được mọi thành phần, mọi tầng lớp nhân dân cả nước. Lúc bấy giờ, có thể nói lực lượng tham gia khởi nghĩa Lam Sơn là hình ảnh thu nhỏ của khối đại đoàn kết dân tộc. Để rồi từ vùng đất căn bản này, nghĩa quân Lam Sơn đã từng bước trưởng thành, từ một cuộc khởi nghĩa trở thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.
Du khách dự Lễ hội Lam Kinh.
Ngày 3/1/1428, đội quân xâm lược cuối cùng rút khỏi nước ta, chấm dứt 20 năm đô hộ của nhà Minh và cuộc kháng chiến trường kỳ trong 10 năm. Trên dặm trường gian nan đó là cả một quá trình đấu tranh gian khổ, đầy đau thương, mất mát mới đến thắng lợi huy hoàng.
Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế ở Đông Đô (Thăng Long – Hà Nội) đặt tên nước là Đại Việt, mở ra một vương triều thịnh trị, hưng vượng bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam – vương triều Hậu Lê kéo dài 360 năm. Năm 1430, Lê Lợi cho đổi Lam Sơn thành Tây Kinh (hay còn gọi là Lam Kinh). Năm 1433, Lê Thái Tổ băng hà, đưa về quê hương Lam Sơn an táng tại Vĩnh Lăng. Từ đây, Lam Kinh trở thành khu “Sơn Lăng”- nơi an nghỉ ngàn thu của anh hùng dân tộc Lê Lợi, các vị hoàng đế, hoàng thái hậu vương triều Lê sơ.
Độc đáo trò diễn Xuân Phả
Lễ hội Lam Kinh xưa tổ chức theo nghi thức triều đình nhà Lê. Từ 1995 đến nay, Lễ hội Lam Kinh được tổ chức thường xuyên, với quy mô cấp tỉnh mang đậm nét văn hóa dân gian, truyền thống, đồng thời phát triển thêm những sắc thái mới của Lễ Hội hiện đại, tích hợp được nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và nhân văn, góp phần bảo tồn nền văn hóa của dân tộc gắn với phát triển du lịch. Lễ hội xưa diễn ra vào mùa xuân tháng 2 (âm), sau đó được chuyển vào tháng 8 (âm) nhân dịp giỗ vua Lê “Hai mốt Lê Lai, hai hai Lê Lợi”.
Có dịp tham dự Lễ hội Lam Kinh, du khách sẽ được chứng kiến phần lễ tổ chức trang trọng, uy nghiêm, phần hội thì náo nhiệt, tưng bừng. Cách thức tổ chức Lễ hội Lam Kinh rất phong phú, vừa mang tính dân gian, vừa mang tính cung đình, kết hợp với nghệ thuật hiện đại, tái hiện lại các sự kiện: “Hội thề Lũng Nhai”, “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần”, “vua Lê Thái Tổ đăng quang”... và điều đặc biệt không thể thiếu trong Lễ hội Lam Kinh là trò diễn Xuân Phả.
Các nghệ nhân biểu diễn múa trò Xuân Phả tại Lễ hội Lam Kinh.
Theo các bậc cao niên trong làng kể lại thì trò diễn Xuân Phả (thuộc làng Xuân Phả, xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân) có từ thời nhà Đinh. Khi đất nước có giặc ngoại xâm, nhà vua cho sứ giả đi khắp nơi cầu bách linh, bách tính và hiền tài cùng đứng lên đánh giặc cứu nước. Khi quan quân đi đến bờ sông Chu, gần làng Xuân Phả thì trời tối và gặp mưa to, gió lớn. Sứ thần cùng đoàn tùy tùng phải trú ngụ trong ngôi miếu nhỏ ở ven sông. Đêm đến, thần Thành hoàng làng Xuân Phả hiển linh báo mộng bày cách đánh giặc. Sứ giả trong lòng vô cùng phấn khởi, vội quay về kinh đô đem chuyện báo mộng tâu với nhà vua. Nghe có lý, nhà vua lập tức thân hành cùng quan quân lên đường. Khi gặp giặc, nhà vua đã làm đúng như lời dặn của vị Thành hoàng làng. Quả nhiên giặc bị tiêu diệt. Đất nước yên bình, nhà vua mở hội mừng công, để tỏ lòng biết ơn vị Thành hoàng làng có công lớn với đất nước, nhà vua đã ban đạo sắc phong hiệu cho Thành hoàng làng Xuân Phả là “Đại Hải Long Vương Hoàng Lang tướng quân” và truyền cho dân làng Xuân Phả lập đền thờ; đồng thời ban thưởng những điệu múa hát hay nhất, đẹp nhất mang tên làng Xuân Phả.
Trò diễn Xuân Phả gồm 5 điệu múa dân gian đặc sắc với tên “Ngũ quốc lân bang đồ tiến cống” gồm các trò Chiêm Thành, Ai Lao, Ngô Quốc, Hoa Lang và Lục Hồn Nhung (còn gọi là Tú Huần) mô phỏng các bộ tộc và các nước lân bang đem đồ tiến cống vua Đinh, vừa tỏ lòng khâm phục vua nước Đại Việt, vừa tỏ mối giao bang hòa hảo.
Đạo cụ diễn trò hầu như được chế tạo công phu bằng những nguyên liệu sẵn có như tre, trúc, gỗ vông, rễ cây si... hấp dẫn với những lốt voi, lốt hổ, lốt ngựa, lốt kỳ lân, mặt nạ, mũ da bò, mũ nan, múa siêu đao, chèo thuyền, múa quạt hay những bộ trang phục đặc sắc của ông Phỗng, ông Chúa, của Mế nàng... Các nhân vật tham gia trò diễn hầu như đều do nam giới đảm nhiệm và phải đeo mặt nạ, ăn mặc sặc sỡ với màu chủ đạo là màu đỏ, màu xanh và màu vàng. Nhạc cụ dùng trong các trò múa Xuân Phả là những chiếc trống, thanh la, mõ hoặc xênh tre tạo thành những âm thanh hết sức vui nhộn. Những động tác khi múa lúc uyển chuyển, nhịp nhàng khi lại mạnh mẽ tạo nên cao trào, đem đến cho khán giả một cảm giác hết sức rộn ràng, đứng ngồi không yên... Chính vì vậy, trò diễn luôn được người làng Xuân Phả gìn giữ và phát huy cho đến ngày nay.
Dù đã trải qua hàng trăm năm, đến nay trò Xuân Phả được xem là di sản văn hóa phi vật thể đặc biệt nhất còn lưu giữ tương đối nguyên vẹn ở Thanh Hóa. Múa trò Xuân Phả không chỉ là niềm tự hào của người làng Xuân Phả, mà đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu với du khách thập phương mỗi khi về dự lễ hội Lam Kinh.