Những thông tin tìm hiểu về vị HLV trưởng của bóng đá Việt Nam tiếp theo cho biết HLV Miura không có chân trong danh sách các HLV làm ở J-League 1 (được xem như giải chuyên nghiệp hàng đầu Nhật Bản). Ông từng huấn luyện các CLB Omiya Ardija, Consadole Sapporo, Vissel Kobe và Ventforet Kofu… Những CLB hạng 2 ở Nhật Bản. Sau đó ông Miura nhảy một phát lên làm HLV trưởng đội tuyển Việt Nam thông qua sự giới thiệu của LĐBĐ Nhật Bản.
Việt Nam, bến đỗ thứ 5 của HLV Miura sau khi trải qua 4 CLB hạng 2
Cũng cần biết là tại các CLB hạng 2 của Nhật Bản, thành tích của HLV Miura đạt tỷ lệ những trận thắng chưa bao giờ vượt quá 33,33%. Điều này cũng được chính những người Nhật theo dõi các giải đấu hạng 2 có những CLB mà ông Miura dẫn dắt cho biết: “Ông ấy ít được giới chuyên môn ở Nhật biết đến bởi quan điểm làm bóng đá của ông ấy không đi với xu hướng hiện đại của bóng đá Nhật. Người Nhật yêu thích lối đá tấn công và kỹ thuật trong khi ông Miura lại chọn lối chơi chặt chẽ từ hàng thủ và lấy phòng ngự làm chính…”.
HLV Miura chỉ dẫn cho các học trò
Chính vì ông Miura không được người Nhật quan tâm mà cuộc tìm hiểu của HLV Lê Thụy Hải khi dẫn dắt đội B. Bình Dương sang Nhật thi đấu và tìm hiểu về vị HLV này đã không tìm được đáp án do không nằm trong số những HLV xuất sắc và cũng chẳng nằm trong danh sách các HLV hàng đầu J-League 1. Đã thế cách chọn lối chơi không được người Nhật yêu thích khiến HLV Miura càng chìm trong vô vàn HLV.
Nhưng vì sao đạt những điểm kém như thế mà HLV Miura lại nằm trong thành phần tiến cử của LĐBĐ Nhật Bản khi ngỏ lời giúp bóng đá Việt Nam?
Đội tuyển Việt Nam chính là “bến đỗ” thứ 5 của HLV Miura. Và sự tiến cử của LĐBĐ Nhật Bản cũng cho thấy LĐBĐ nước này đánh giá không đúng về bóng đá Việt Nam nên chọn cho một HLV có tư tưởng nặng nề trong phòng ngự vốn không được bóng đá Nhật coi trọng.
Ngoài ra còn có một nguyên nhân tế nhị đó là mối quan hệ của HLV Miura với những đối tác đang làm ăn với bóng đá Việt Nam trong đó có đơn vị đang giữ thương quyền của đội tuyển Việt Nam. Chính mối quan hệ zích zắc này mà hồ sơ ông Miura ít bị kiểm chứng mà ngược lại được xem như “người nhà” qua sự bảo chứng của đối tác Nhật “làm ăn mật thiết” với bóng đá Việt Nam và khống chế không ít đến những phần liên quan đến thương quyền của đội tuyển Việt Nam.
Nếu hồ sơ các HLV như Letard, Dido, Falko Goetz… được sàng lọc qua hàng trăm ứng viên thì ông Miura đã được “đạt chỗ” trước bởi mối quan hệ. Một thành viên trong thường trực VFF cũng không ngần ngại bật mí rằng ông Miura là HLV được xét duyệt “dễ dãi” nhất và không qua những yêu cầu gắt gao như phải xây dựng cho bóng đá Việt Nam những điều kiện cần và đủ gì. Thay vào đó chỉ là những ba-rem thành tích ở các đội U.23 lẫn đội tuyển.
Lối chơi Việt Nam bị thay bằng lối chơi “lực điền”
Sự dễ dãi đấy đến với bóng đá Việt Nam khi tuyển ông Miura một phần vì những thất bại trước mắt sau giai đoạn thầy nội. Đó là 2 cái thua liền tại AFF Suzuki Cup 2010 và 2012 bị loại ở bán kết và có những SEA Games bị knock-out ngay vòng bảng như SEA Games 26, SEA Games 27. Riêng ở vòng loại Asian Cup 2015, đội tuyển Việt Nam thời thầy nội thậm chí không tìm nổi một chiến thắng.
Vì thế mà sự dễ dãi trong khâu tuyển chọn thầy ngoại nằm ở yếu tố thân quen khi làm ăn với Nhật Bản và đã lâu bóng đá Việt Nam không có thành tích.
Ông Miura đến với bóng đá Việt Nam không qua nhiều khâu kiểm nghiệm, cũng không qua một Hội đồng HLV mổ xẻ như trước đây do Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn kiêm luôn chức Chủ tịch Hội đồng HLV Việt Nam và ông Tuấn đã bỏ qua hàng loạt khâu rà, xét, phản biện…
Việc chọn học bóng đá Nhật Bản tiên tiến nhất trong khu vực có thể không sai nhưng rõ ràng điều đấy không có nghĩa là người Nhật Bản nào dẫn dắt cũng biến đội tuyển Việt Nam có những cải tiến đáng kể như bóng đá Nhật Bản.
HLV Miura, vốn không có một bản lý lịch hoàn hảo do không xuất thân từ cầu thủ chuyên nghiệp và đến với nghiệp huấn luyện bóng đá khi đang là giáo viên thể chất được học khóa ngắn hạn bên Đức. Trước khi qua Việt Nam ông còn công tác cho một đài truyền hình ở vai trò bình luận viên bóng đá. Ông được biết đến ở nghiệp HLV bởi lòng đam mê và sự cầu tiến nhưng với bóng đá Nhật Bản thì ông không để lại dấu ấn gì hay nói đúng hơn là chính nhiều người Nhật cũng không biết ông là HLV.
Điều nguy hiểm nhất là 15 tháng qua ông vẫn dìu dắt bóng đá Việt Nam theo cái cách của ông chứ không qua một định hướng nào từ những nhà điều hành bóng đá Việt Nam xác định chiến lược và đường đi cho bóng đá Việt Nam dựa vào đâu và đi hướng nào.
Đó là lý do cầu thủ Việt Nam dưới thời ông cứ được nhồi thể lực (phần ông cho là yếu nhất của cầu thủ Việt Nam) và khi thi đấu với những đối thủ ông luôn xây dựng một lối đá “lực điền” cùng tư tưởng không thua. Điều đấy thể hiện rõ qua trận thua Thái Lan bằng lối đá bạo lực rồi đến chiến thắng may trước Đài Loan chúng ta cũng chơi với một lối chơi mà chẳng còn ai thấy chút gì là đặc sản và ưu thế lẫn sở trường của cầu thủ Việt Nam ở đấy.
Và nói đó là tin hoa của bóng đá Nhật cũng càng không bởi chúng ta có một HLV Nhật Bản nhưng lối chơi, ý chí và tinh thần của người Nhật thì hoàn toàn không xuất hiện dưới triều đại Miura.