Mường Lát là huyện miền núi xa nhất của tỉnh Thanh Hóa, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc H’Mông. Do đời sống còn lạc hậu, trình độ dân trí thấp nên nơi đây nhiều phụ nữ H’Mông dễ rơi vào cạm bẫy của những kẻ buôn người sang Trung Quốc.
Thoát thân sau 10 năm bị bán làm vợ
Năm nào cũng thế, cứ vào dịp cuối năm là nạn buôn phụ nữ sang biên giới lại diễn biến phức tạp trên vùng đất Mường Lát. Chúng tôi gặp chị H.T.C (SN 1982, ngụ bản Khằm 1, xã Trung Lý, huyện Mường Lát) - một nạn nhân của vụ lừa bán sang Trung Quốc mới trở về Việt Nam khoảng 1 tháng.
Chị kể, 10 năm trước, dù đã có 2 con nhưng chán nản cảnh chồng bị tù tội vì tàng trữ ma túy, con nhỏ nheo nhóc, làm nương rẫy không đủ ăn, chị C. nghe lời một người phụ nữ lạ mặt lên Lào Cai tìm việc. Người này nói công việc không vất vả nhưng lại có lương cao để gửi về nuôi con. Nghe lời đường mật, chị C. không một chút hoài nghi, khăn gói lên đường. Ngay sau đó chị đã bị người lạ mặt trên đưa sang Trung Quốc rồi bán để làm vợ một người đàn ông có gia cảnh nghèo khó.
Nghĩ lại quãng thời gian làm vợ xứ người, chị C. không khỏi xót xa, bởi cuộc sống quê nhà đã khổ, sang bên kia còn khổ hơn nhiều. Những năm đầu mới sang, chị bị nhốt trong nhà rồi sinh con cho họ. Trong suốt 10 năm làm vợ, ngoài hai đứa con chị sinh cho người chồng bất đắc dĩ ấy, ngày thoát thân trở về Việt Nam chị đang mang thai.
Ngồi bên đứa con mới sinh chưa đầy tháng, chị gạt nước mắt kể: "Suốt 10 năm trời bị bán, mình chưa có một ngày nào không nghĩ đến việc trốn về. Nhiều lần trốn nhưng đều bị bắt trở lại. Mình không bị họ đánh đập nhưng bị nhốt không cho ra ngoài mấy năm trời. Vài năm nay thấy sinh con cái, họ bớt quản lý hơn nên mình trốn ra được một lần, chạy đến công an cầu cứu. Thế nhưng, khi nhà chồng đến xin thì họ lại thả mình về nhà chồng. Mới đây, mình tiếp tục trốn ra ngoài, chạy đến công an Trung Quốc cầu xin họ cho mình về Việt Nam. Cuối cùng họ mới cho mình trở về" - chị C. nhớ lại.
Cũng theo chị C., khi trở về nước, chị đau lòng nhất là hai đứa con do mình rứt ruột đẻ ra vẫn ở xứ người. "Mình có đưa 1 đứa theo về nhưng qua cửa khẩu công an Trung Quốc không cho, vì họ nói con của mình giờ đã có hộ khẩu bên đó rồi. Mình buộc lòng phải để lại con vì không chịu nổi cuộc sống cơ cực như lao tù bên đó" - chị C. nói.
Dụ dỗ các cô gái trẻ
Cũng không khác chị C., hai chị em H.T.T (SN 2000) và H.T.L (SN 2003, bản Xa Lao, xã Trung Lý) cũng vì muốn thoát cảnh nghèo khổ mà suýt sập bẫy kẻ buôn người.
T. và L. chỉ học hết lớp 7, hằng ngày lên nương, rẫy làm việc giúp bố mẹ. Trong một lần T. lên Facebook thì có một người phụ nữ kết bạn rồi dụ dỗ em sang Trung Quốc giúp việc cho một quán karaoke. Dù chưa một lần gặp mặt hay quen biết nhưng muốn thoát khỏi cuộc sống sau những dãy núi đồi. T. đã rủ luôn em gái là H.T.L đi cùng.
Sợ bố mẹ sẽ không cho đi, hai cô lẳng lặng gói đồ đạc bắt xe ra Quảng Ninh gặp người phụ nữ mới quen qua Facebook. Ngay ngày hôm đó, bố mẹ T. không thấy hai con nên báo cho chính quyền địa phương. Khi chiếc xe đưa hai cô đến địa phận huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa thì bị cơ quan chức năng dừng lại, T. và L. được cứu thoát trở về. "Chị ấy tên Duyên, vào kết bạn với em và hỏi em có muốn được mặc đẹp, không phải làm nương rẫy mà lương vẫn cao không, rồi chị ấy bảo sẽ làm việc tại quán karaoke. Em tin lời chị ấy nói là thật chứ không nghĩ sẽ bị lừa bán" - T. kể.
Đủ chiêu lừa đảo
Ông Giàng A Lâu, Trưởng Công an xã Trung Lý, rất xót xa khi nói về nạn bán người sang Trung Quốc trên địa bàn. Theo ông Lâu, từ năm 2012 đến nay, địa phương đã có hơn 20 trường hợp phụ nữ H’Mông bị bán sang Trung Quốc, riêng năm 2018 có 3 trường hợp. "Nạn nhân bị lừa bán thường ở độ tuổi 13-14, bỏ học sớm, chưa có nhận thức hoặc những người phụ nữ có gia đình trên dưới 30 tuổi, cuộc sống khó khăn. Dù chúng tôi tuyên truyền rất nhiều nhưng năm nào vấn nạn này cũng diễn ra" - ông Lâu nói.
Thượng tá Gia Nọ Pó, Phó trưởng Công an huyện Mường Lát, cho biết đến thời điểm hiện tại, huyện Mường Lát có 78 phụ nữ H’Mông bị bán sang Trung Quốc chưa trở về địa phương. Những nạn nhân này, hầu hết bị lừa qua mạng xã hội Facebook. "Trước đây, thủ đoạn của những kẻ buôn người lợi dụng tục bắt vợ rồi bán qua biên giới. Những năm gần đây, mạng xã hội phát triển, những đối tượng buôn người thường lên mạng Facebook tìm những cô gái nhẹ dạ, nghèo khổ để dụ dỗ. Có những kẻ còn đóng vai tán tỉnh để các cô gái H’Mông mang lòng yêu rồi khi gặp là lừa đưa sang Trung Quốc" - thượng tá Pó phân tích.
Rất ít người được giải cứu Theo thượng tá Gia Nọ Pó, những nạn nhân này bị bán sang Trung Quốc hầu hết bị bắt làm vợ cho đàn ông Trung Quốc hoặc làm trong các động mại dâm. Rất ít những nạn nhân được giải cứu trở về. "Do các đối tượng tiếp cận các nạn nhân qua mạng xã hội nên rất khó để lực lượng chức năng phát hiện. Bên cạnh đó, các nạn nhân đều là người đồng bào H’Mông ở vùng sâu vùng xa, thiếu hiểu biết nên các đối tượng dễ dàng dụ dỗ, lừa đảo" - ông Gia Nọ Pó cho biết. |