Do diện tích đất ở các thành phố eo hẹp và mật độ dân số cao nên đa phần các nhà ở thành phố thường xây dựng san sát nhau vì thế khi xây dựng không tránh khỏi những ảnh hướng đối với nhà bên cạnh. Có rất nhiều trường hợp xây nhà, đào móng làm đổ nhà bên cạnh hay gây nứt nẻ tường nhà bên cạnh.
Mới đây nhất, một ngôi nhà 2 tầng ở số 62 đường Quang Trung (phường Quang Trung, Sơn Tây, Hà Nội) bất ngờ đổ sập. Nguyên nhân ban đầu được xác định do nhà số 60 (liền kề) đang tiến hành đào móng. Quá trình đào móng đã gây sạt lở, ảnh hưởng đến công trình liền kề. May mắn vụ việc không gây thiệt hại về người.
Trước đó cũng có nhiều vụ việc tương tự, ngày 14/12/2021, căn nhà số 18, phố Phan Chu Trinh (phường Cốc Lếu, TP. Lào Cai) bất ngờ đổ sập do nhà bên cạnh thi công xây dựng (đào móng nhà). Rất may trong sự việc này không gây thương vong về người. Hay tháng 4/2021, một căn nhà ở TP. Lào Cai cũng đổ sập trong đêm do nhà liền kề thi công móng nhà.
Vậy việc thi công công trình, đào móng, xây nhà gây nứt tường, làm hỏng nhà hàng xóm có phải bồi thường không? Trách nhiệm bồi thường khi xây nhà gây thiệt hại, vi phạm trong xây dựng quy định như thế nào?
Cần xác định nguyên nhân khiến cho căn nhà sập đổ
Theo Luật sư Phạm Thanh Tùng, Văn phòng luật sư Phạm Thanh (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội), việc bồi thường thiệt hại trong quá trình thi công công trình, xây nhà ở làm nứt tường, lún nền, hư hỏng công trình lân cận, nhà hàng xóm... đã được pháp luật quy định rất chi tiết trong Bộ luật Dân sự 2015.
Cụ thể, việc tôn trọng quy tắc xây dựng là một trong những nghĩa vụ đối với chủ sở hữu tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.
Xây dựng nhà, thi công công trình, làm ảnh hưởng đến nhà liền kề là gây ra những hiện tượng như: Nứt vách, nứt tường, thấm dột; Làm hở dầm móng; Máy móc thiết bị làm ồn nghiêm trọng;
Hoặc xây dựng nhà làm ảnh hưởng đến nhà liền kề khi ép cọc cho móng: Nếu công trình nhà bên cạnh xây dựng đã lâu năm, nền đất đã yếu sẵn, khi ta tiến hành ép cọc sâu xuống nền đất sẽ làm dâng khối đất lên lấn chiếm gây ra lực chèn ép lên các móng nhà liền kề. Có thể làm nhà bên cạnh bị sụt lún, nghiêng, nứt tường, đội nền, sập hoàn toàn…
Đặc biệt nguy hiểm càng lớn với những ngôi nhà sử dụng móng nông, kết cấu chịu lực yếu. Ngoài ra nó còn có thể ảnh hưởng tới sinh hoạt và gây nguy hiểm do hệ thống đường ống cấp thoát nước bị vỡ, làm rò đường dây điện đi âm tường.
Luật sư Phạm Thanh Tùng chia sẻ thêm, nếu có căn cứ cho rằng, việc thi công móng nhà là nguyên nhân dẫn đến việc sập đổ nhà hàng xóm thì chủ nhà đang thi công có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại theo quy định. Việc bồi thường sẽ căn cứ vào mức độ lỗi và mức độ thiệt hại gây ra.
Trước hết, cần xác định nguyên nhân khiến cho căn nhà sập đổ là do bên thi công nhà mới hay do chính ngôi nhà đã cũ và tự sụp đổ. Bên cạnh đó, cũng cần xác định thêm việc có lỗi của bên thi công hay không. Chẳng hạn, đơn vị thi công đã không khảo sát các công trình lân cận; khi thi công không có người giám sát nên để sự cố xảy ra...
Theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Dân sự năm 2015 về nghĩa vụ tôn trọng quy tắc xây dựng, khi xây dựng công trình, chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản phải tuân theo pháp luật về xây dựng, bảo đảm an toàn, không được xây vượt quá độ cao, khoảng cách mà pháp luật về xây dựng quy định và không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, người có quyền khác đối với tài sản là bất động sản liền kề và xung quanh.
Quy định về bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra
Điều 605 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra như sau:
Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác. Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường.
Như vậy, trong trường hợp có lỗi thì việc bồi thường sẽ do chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa thực hiện. Nếu trong quá trình thi công mà có lỗi của đơn vị thi công thì phải liên đới chịu trách nhiệm.
Mặt khác, theo quy định tại Điều 3 Thông tư 03/2018/TT-BXD hướng dẫn Nghị định 139/2017/NĐ-CP thì việc bồi thường thiệt hại do các bên tự thỏa thuận, trường hợp các bên không thỏa thuận được thì việc bồi thường thiệt hại được giải quyết theo quy định của pháp luật dân sự. Nếu một bên không thống nhất với mức bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu Chủ tịch UBND cấp xã giải quyết hoặc khởi kiện tại Tòa án.
Các thiệt hại có thể bao gồm các khoản như thiệt hại về tài sản hoặc người (nếu có).
Thiệt hại về tài sản sẽ bao gồm một số khoản như tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại…
Trong trường hợp có gây ra thiệt hại về người thì phải chịu các chi phí bồi thường cho thiệt hại về sức khỏe hoặc tính mạng bị xâm phạm.
Bên cạnh đó, việc xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng gây lún, nứt hoặc hư hỏng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình lân cận (mà các bên không thỏa thuận được việc bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự); gây sụp đổ hay có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận nhưng không gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của người khác như sau:
Hành vi xây dựng gây lún, nứt, công trình lân cận có thể bị phạt hành chính đến 30 triệu đồng căn cứ theo các Khoản 1, 2, 3 điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP về vi phạm quy định về trật tự xây dựng. Đồng thời bên vi phạm phải có biện pháp khắc phục hậu quả về môi trường, tình trạng ban đầu, và tháo dỡ các hạng mục vi phạm…