Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Sắp tăng giá 1.800 dịch vụ y tế

Những người chưa có thẻ BHYT chắc chắn gánh nặng viện phí sẽ tăng cao hơn.

 

Ngày 9/10, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), cho biết Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam để xây dựng thông tư liên tịch quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc, dự kiến ban hành vào cuối tháng 11/2015.

Cùng một mức giá

Giá viện phí dự kiến ban hành thống nhất bao gồm: Giá khám bệnh theo hạng bệnh viện (BV); giá ngày giường bệnh phân theo hạng BV và chuyên khoa (các khoa chi phí nhiều như cấp cứu, hồi sức sẽ được quy định cao hơn) và giá các dịch vụ kỹ thuật áp dụng chung cho tất cả hạng BV. Theo đó, sẽ có khoảng 1.800 dịch vụ y tế trong danh mục được BHYT thanh toán được điều chỉnh mức giá theo hướng thống nhất trong cả nước.

“Trước đây Bộ Y tế chỉ ban hành khung giá viện phí, sau đó các địa phương tự xây dựng giá và HĐND tỉnh, thành phê duyệt. Còn theo thông tư này, Bộ Y tế sẽ ban hành mức giá cố định và các BV trên toàn quốc sẽ cùng áp dụng” - ông Liên cho biết.

Theo ông Liên, hiện nay mỗi tỉnh, thành quy định một mức giá dẫn đến sự vô lý là cùng hạng BV nhưng mức giá giữa các tỉnh, thành khác nhau.

“Chi phí cho một dịch vụ kỹ thuật giữa các BV là như nhau. Tuy nhiên, trước đây các BV tuyến huyện thường bị quy định thấp hơn, dẫn đến việc thu không bù đủ chi khiến các BV huyện né không thực hiện dịch vụ kỹ thuật đó. Đơn cử một ca mổ ruột thừa thì BV huyện cũng mổ như BV trung ương, không thể nói BV huyện mua vật tư, chi cho con người ít hơn nên giá rẻ hơn được” - ông Liên dẫn chứng.

Viện phí tăng nhưng chất lượng khám, chữa bệnh có tăng? Ảnh: HTD

Cũng theo ông Liên, lộ trình điều chỉnh viện phí dự kiến theo hai bước: Cuối tháng 11/2015, sẽ tính theo mức giá bao gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù (chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù cho cán bộ y tế gồm: phụ cấp thường trực 24/24 giờ, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật…). Từ 1/3/2016, mức giá sẽ bao gồm cả tiền lương của cán bộ y tế.

Ông Liên cho rằng việc điều chỉnh giá viện phí lần này có khoảng 23,7 triệu người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội có thẻ BHYT sẽ có lợi, vì các đối tượng này được BHYT chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh nên khi thanh toán thì người bệnh sẽ không phải chi trả thêm. Còn các đối tượng đang tham gia BHYT đồng chi trả cơ bản không bị ảnh hưởng nhiều vì mức tăng không lớn. Riêng những người chưa có thẻ BHYT chắc chắn gánh nặng viện phí sẽ tăng cao hơn. Vì vậy, trước tiên sẽ điều chỉnh cho nhóm có thẻ BHYT, còn nhóm chưa có thẻ BHYT vẫn thực hiện theo quy định cũ. Dự kiến năm 2016, cả nhóm chưa có thẻ BHYT cũng sẽ thực hiện theo mức giá mới này.

Có tăng chất lượng?

Trả lời câu hỏi tăng giá có nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, ông Liên cho rằng khi giá tính đủ sẽ khuyến khích các BV triển khai, phát triển các kỹ thuật y tế cao, người dân sẽ được thụ hưởng các dịch vụ này ngay trên địa bàn. Đối với người có thẻ BHYT, do được cơ quan BHXH thanh toán nhiều hơn sẽ làm tăng quyền lợi của bệnh nhân. “Tuy nhiên, việc tăng chất lượng còn cần một lộ trình dài hơi hơn nữa” - ông Liên nói.

Ông Liên kỳ vọng từ việc giá dịch vụ y tế tính đủ chi phí, trong đó bao gồm chi phí tiền lương sẽ làm thay đổi nhận thức của cán bộ y tế. BV phải phục vụ người bệnh tốt thì người bệnh mới đến nhiều, BV có nguồn thu dồi dào để trả lương và tăng thu nhập cho cán bộ, nhân viên.

PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), đồng tình quan điểm cần thay đổi khái niệm từ “ban ơn” cho người bệnh của nhân viên y tế chuyển sang lấy người bệnh làm trung tâm và nhân viên y tế là người phục vụ. Ông Khuê khẳng định việc điều chỉnh giá viện phí chắc chắn sẽ có tác dụng thúc đẩy nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Bệnh nhân chọn BV tư để được phục vụ tốt hơn

Việc ban hành thông tư này sẽ giúp giá dịch vụ tại các BV tư “tiệm cận” với giá dịch vụ y tế sắp tới. Hiện nay, BHYT chi trả thấp nên khi đi khám tại BV tư thì có sự chênh lệch nên người dân ngại đến BV tư. Nếu viện phí tính sát giá thị trường thì sẽ giảm bớt sự chênh lệch này, bệnh nhân chọn BV tư sẽ nhiều hơn, được phục vụ tốt hơn.

                                                                     Bà PHẠM THU XANHGiám đốc Sở Y tế TP Hải Phòng

Không còn thắc mắc giá mỗi nơi một kiểu

Việc tính đúng, tính đủ viện phí và thống nhất trên toàn quốc là rất hay, bởi lâu nay mỗi địa phương tính một kiểu khiến người bệnh thắc mắc. Việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ sẽ giúp BV có thêm kinh phí hoạt động, trang bị thêm thiết bị, cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng khám, điều trị. Tuy nhiên, khi tính đúng, tính đủ viện phí thì người dân sẽ phải chi trả thêm dù có BHYT. Nhưng đối tượng bị tác động lớn nhất là người chưa có thẻ BHYT, đặc biệt là người nghèo. Bởi vậy việc đẩy mạnh BHYT toàn dân là hoàn toàn đúng đắn.

                                                               BS LÊ HOÀNG MINHGiám đốc BV Ung bướu TP.Hồ Chí Minh

                                                                                                                                      D.TÍNH ghi

Dự kiến lộ trình tăng giá dịch vụ y tế:

- Cuối năm 2015: Tính chi phí trực tiếp và phụ cấp.

- Năm 2016: Tính chi phí trực tiếp và phụ cấp; tính đủ tiền lương.

- Năm 2018: Tính chi phí trực tiếp và phụ cấp; tính đủ tiền lương; tính chi phí quản lý.

- Năm 2020: Tính chi phí trực tiếp và phụ cấp; tính đủ tiền lương; tính chi phí quản lý; khấu hao tài sản.