Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Sau cổ phần hóa hãng phim truyện: Các nghệ sĩ mất niềm tin

Gần 3 tháng sau khi được cổ phần hóa, các nghệ sĩ thuộc Hãng phim Truyện Việt Nam cho biết mình thực sự mất niềm tin, khi mà lãnh đạo công ty cổ phần không vì mục tiêu phát triển điện ảnh. Không có tiền trả lương, nhiều nghệ sĩ ròng rã hưởng mức lương 540 ngàn đồng/tháng, thậm chí không lương.

 

Đạo diễn Quốc Tuấn: “Chúng tôi thực sự mất niềm tin”

Họ nói chúng tôi phải kéo việc về mới có việc để làm. Tôi cho rằng đấy là việc của lãnh đạo, còn nghệ sĩ có tư cách pháp nhân gì để đi tìm việc về? Giờ họ nói không có việc, lấy cớ đó để đẩy anh em nghệ sĩ ra ngoài đường là sao. Tôi nghĩ nếu họ không lo được công ăn việc làm cho cán bộ công nhiên viên, nghệ sĩ của Hãng thì  họ đấu thầu vào đây làm gì? Trong đó 20% cổ phần vẫn thuộc về Bộ VH-TT&DL thì mục đích vẫn là làm nghệ thuật. Tôi nghĩ đây là cái nôi điện ảnh, ít nhất phải duy trì rồi phát triển.

Ban lãnh đạo nói không có việc cho chúng tôi, nhưng khi chúng tôi đưa ra các phương án trong cuộc đối thoại với nghệ sĩ lãnh đạo thì không phương án nào được chấp nhận. Chúng tôi rất muốn thành lập Hội đồng cố vấn nghệ thuật, nhận được kịch bản về sẽ góp ý, đẩy lên tốt nhất để làm nhưng không được. Lần hai chúng tôi chấp nhận thành lập một công ty con vì muốn giữ nhau lại, lãnh đạo phải cấp một khoản tiền lương tối thiểu để chúng tôi hoạt động cũng không được chấp nhận. Lần thứ ba, chúng tôi gợi ý có nhiều kênh sóng truyền hình, công ty cố gắng mua một kênh sóng để tạo việc cho anh em, ít nhất chúng tôi có con người, phương tiện, có máy móc để làm phim. Khi phát sóng được sẽ thu được tiền, “khỏe” rồi sẽ làm phim nhựa nhưng không được chấp nhận. Nói chung mọi phương án đưa ra đều không được chấp nhận. Vậy mục đích của họ là làm gì?

Tôi nghĩ cần phải xem xét lại tư cách pháp nhân của chủ đầu tư chiến lược này. Cần phải xem lại đường hướng phát triển, những cam kết phải làm lại, có sự chứng kiến của Bộ VH-TT&DL, Bộ Tài chính. Bao nhiêu đạo diễn, quay phim như thế này chỉ có 1 phim một năm, như vậy chỉ có một đạo diễn, một quay phim làm việc. Vậy những đạo diễn, quay phim khác ngồi chơi à? Chúng tôi thực sự mất niềm tin.

 

Trưởng phòng sản xuất và hợp tác phim Lê Hồng Sơn: Trách nhiệm thuộc về Bộ VH-TT&DL

Khi bắt đầu chuẩn bị tiến hành cổ phần hóa, để hỗ trợ công ty sau cổ phần hóa Bộ VH-TT&DL đã cho tinh giảm hơn 40 người, những người đó được hỗ trợ các kinh phí của Nhà nước như nghỉ hưu trước tuổi, được hưởng thêm 70 -100 triệu đồng. Có thể nói đây là việc hỗ trợ rất lớn của Nhà nước với công ty chiến lược. Phải nói rõ, trước khi đến, họ biết Hãng có bao nhiêu người, nợ như thế nào, giờ họ vin vào đó để nói không có tiền, không có việc cho cán bộ công nhân viên, nghệ sĩ là không được. Điều này thực sự rất khó hiểu?

Tôi cho rằng trách nhiệm một phần thuộc về Bộ VH-TT&DL, Bộ cần phải rà soát, nghiêm túc nhìn nhận, lắng nghe ý kiến của anh chị em nghệ sĩ cũng như kế hoạch phát triển của công ty sau khi cổ phần hóa. Bộ không thể đứng ngoài cuộc để anh em nghệ sĩ chúng tôi tự lên tiếng bảo vệ “cái nôi” của điện ảnh nước nhà.

Ngay cả việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về rà soát lại quá trình cổ phần hóa cũng vậy, làm một cách chóng vánh, chưa nói là cẩu thả, không báo chính thức, báo cáo lên Chính phủ là báo cáo chung chung. Nói thật là chưa thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ. Việc này rất nguy hiểm, gây hiệu ứng lớn. Dường như phía lãnh đạo công ty quên đi đây là địa chỉ của các nghệ sĩ bao nhiêu năm nay, trong khi thực tế hiện nay tất cả đạo cụ, kịch bản dọn đi chỗ khác hết rồi, xót xa lắm! Nói thật tôi là một trong những người yêu Hãng phim lắm, gắn bó nên quyết định ở lại, nếu không tôi đã nghỉ hưu sớm từ năm trước cùng rất nhiều đồng nghiệp của mình thì có lợi rất nhiều, đã được hưởng đầy đủ lương hưu từ thời gian đó đến nay. Nhưng tôi không làm thế, vì tôi muốn gắn bó,  cống hiến cho điện ảnh nước nhà”.

 

Đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn: “Không đuổi, nghệ sĩ cũng bỏ đi”

Khi cổ phần hóa Hãng phim, chúng tôi rất phấn khởi nhưng khi nghe tin Công ty vận tải thủy là nhà đầu tư chiến lược chúng tôi rất hoang mang. Khi đó ông Nguyễn Thủy Nguyên có viết một thư ngỏ, hứa hẹn rất nhiều và chúng tôi cảm giác đây là người rất tâm huyết với điện ảnh và chúng tôi đi theo. Nhưng hy vọng nhiều rồi thất vọng, thực tế gần 3 tháng qua chúng tôi chưa thấy ánh sáng nào. Nói thật, cứ kéo dài tình trạng này, không đuổi chúng tôi cũng đi. Và thực tế đã có một số người ra đi rồi...

 

 Phó Chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam Nguyễn Thị Hồng Ngát: Nếu không vì điện ảnh, nguy cơ “xóa sổ” là có thật

Tôi rất buồn khi thấy các thiết bị lăn lóc. Trên thực tế, công ty chủ quản không hiểu về phim ảnh. Máy quay, phục trang, phòng dựng có thể cho các đoàn làm phim khác thuê để tạo ra nguồn thu nhập cho đơn vị, nhưng họ không tận dụng điều đó mà lại cho thuê không gian để bán thức ăn. Các nghệ sĩ phản ảnh việc sửa chữa lại cơ sở vật chất hãng phim hiện nay không phục vụ cho việc sản xuất phim. Họ cho biết một số địa điểm đã được cho thuê bán phở và chân gà nướng. Nói thật, “Đi cày mà giết trâu” thì sản xuất phim như thế nào? Việc này khiến hãng phim đối mặt với nguy cơ “xóa sổ” là rất có thật.