Sáng 18/11, tại buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp HĐND TP Hà Nội, nhiều cử tri quận Cầu Giấy đã bày tỏ bức xúc và lo lắng trước tình trạng buông lỏng lỏng quản lý của hoạt động kinh doanh karaoke dẫn đến việc xảy ra các vụ cháy gây thiệt hại lớn.
Cử tri Vũ Thị Liên (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) cho rằng, trong thời gian vừa qua trên địa bàn thành phố xảy ra một số vụ cháy quán karaoke, có vụ lớn, vụ nhỏ. Song ít nhiều đã gây hoang mang, lo sợ, bất an cho nhân dân. Điển hình là vụ cháy quán karaoke số 68 Trần Thái Tông (phường Dịch Vọng Hậu) vừa qua làm 13 người thiệt mạng.
“Đây là vụ cháy kinh hoàng và đau xót, gây hậu quả rất lớn về người và của. Sự việc còn cho thấy các cấp lãnh đạo và các ngành chủ quan đã buông lỏng quản lý trong hoạt động kinh doanh này”, cử tri Vũ Thị Liên bức xúc.
Theo cử tri Vũ Thị Liên vụ cháy quán karaoke số 68 đường Trần Thái Tông còn phản ánh việc tuyên truyền, tập huấn cho các cơ sở karaoke và các ngành hàng khác trên địa bàn còn chủ quan, chưa bài bản, chế tài xử lý chưa nghiêm khắc, chỉ đến khi sự việc xảy ra gây hậu quả rồi mới vào cuộc quyết liệt. Từ vụ việc, cử tri đề nghị thành phố phải có kế hoạch rõ ràng trong việc quản lý karaoke trên địa bàn cũng như các hoạt động kinh doanh khác.
Trả lời các kiến nghị của cử tri, ông Dương Cao Thanh, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho rằng, đối với quận xảy ra vụ cháy ngày 1/11/2016, tại 68 Trần Thái Tông trong lịch sử 19 năm thành lập quận đến nay là một sự cố nặng nề nhất cũng như đối với thành phố, bởi chết rất nhiều người, thiệt hại rất nhiều tài sản.
“Ngay sau sự việc xảy ra, chúng tôi đã cùng lãnh đạo thành phố tập trung khắc phục sự cố cũng như hỗ trợ an táng các nạn nhân”, ông Thanh nói.
Theo ông Thanh, qua kiểm tra, cơ sở kinh doanh karaoke phải có 5 loại giấy tờ gồm đăng ký kinh doanh (do UBND quận cấp); thẩm định về phòng cháy chữa cháy (do Sở PCCC cấp); Giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy. Sau đó Công an quận cấp giấy chứng nhận đảm bảo an ninh trật tự, khi có giấy này thì UBND quận mới cấp giấy phép kinh doanh.
Tuy nhiên khi kiểm tra cơ sở này thì mới có 2 loại giấy tờ là đăng ký kinh doanh và thẩm định thiết kế; còn 3 loại giấy tờ quan trọng khác thì chưa có. Quá trình kiểm tra trong vòng chưa đầy 20 ngày quận đã 3 lần kiểm tra, 1 lần bắt cam kết chỉ khi nào có đầy đủ giấy phép thì mới đưa vào hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên đến 1/11, vừa cho khách vào lại vừa sửa chữa ở tầng 2 cho nên phát cháy.
Lãnh đạo quận Cầu Giấy cũng cho hay, qua kiểm tra 88 cơ sở kinh doanh karaoke có giấy phép trên địa bàn quận thì 3 cơ sở đã dừng, còn lại 85 cơ sở đều có vấn đề phòng cháy chữa cháy.
“Quan điểm của chúng tôi là cho tạm dừng tất cả các cơ sở vi phạm không đủ điều kiện về thoát nạn, cứu nạn rồi các vấn đề liên quan đến phòng cháy, chữa cháy, cũng như là vật liệu. Đây không phải mất bò mới lo làm chuồng như trước sự việc xảy ra thì thứ nhất phải ngăn chặn, thứ hai phải triển khai các biện pháp để đảm bảo an toàn tính mạng, cũng như tài sản của nhân dân. Đồng thời cũng là hồi chuông cảnh tỉnh với chúng ta về công tác phòng cháy chữa cháy”, ông Thanh nói.
Lãnh đạo quận Cầu Giấy cũng cho hay, hiện đang triển khai quyết liệt việc chấn chỉnh, yêu cầu các quán karaoke tháo dỡ biển quảng cáo sai phép, che chắn lối thoát hiểm, ảnh hưởng khả năng tiếp cận của lực lượng PCCC. Đồng thời, triển khai sang các nhà nghỉ, dỡ tất cả các biển hiệu quảng cáo trên 20m2 che khuất tầm nhìn của tất cả các cơ sở kinh doanh, kể cả ngân hàng hay các cơ sở massage. Đồng thời kiểm tra cả những cơ sở kinh doanh gas, những cơ sở nào nằm trong lòng khu dân cư thì phải di dời.
“Chúng tôi cũng đang triển khai các nội dung theo chỉ đạo của thành phố, của quận Uỷ trong việc kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến vụ cháy”, ông Thanh nhấn mạnh.