Phần lớn căn hộ tại dự án Capital Garden 102 Trường Chinh (Đống Đa – Hà Nội) đã được giao cho khách hàng. Ảnh: Cao Tuân
Người mua e dè
Ghé thăm dự án Capital Garden ở 102 Trường Chinh (Đống Đa – Hà Nội) của công ty CP Kinh đô làm chủ đầu tư - một trong số 60 dự án nằm trong danh sách của Bộ Tài chính thì phần lớn căn hộ đã được giao cho khách hàng. Dù vậy, nhiều cư dân vẫn lo lắng có thể gặp khó khăn trong việc làm sổ đỏ. “Dù chúng tôi đã nhận nhà nhưng nếu thanh tra phát hiện ra sai phạm thì việc làm sổ đỏ có được đảm bảo không? Có phát sinh thêm phí nào khác không?”, bà Q. - một khách hàng mua nhà tại dự án này lo lắng.
Anh H. - một khách hàng đã đặt cọc mua nhà tại dự án Rivera Park, 69 Vũ Trọng Phụng (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, sau khi có thông tin dự án nằm trong danh sách thanh tra, anh đã rút đặt cọc từ sàn giao dịch bất động sản. “Gia đình tôi đã đặt cọc 30 triệu đồng giữ chỗ, đang chờ ngày đến ký hợp đồng nhưng khi đọc được thông tin, gia đình thống nhất đi rút tiền ngay. Nhân viên thì vẫn khẳng định dự án xây dựng bình thường đúng luật, danh sách trên chỉ là tham khảo nhưng chúng tôi có nhu cầu mua để ở thật nên rất hoang mang. Nếu thanh tra có vấn đề mà phải dừng thi công thì sẽ chậm tiến độ”, anh H. cho biết.
Giao dịch giảm, doanh nghiệp lo
Dự án Rivera Park 69 Vũ Trọng Phụng (Thanh Xuân, Hà Nội) - Một trong số 60 dự án bị thanh tra.
Trong số 60 dự án bất động sản được Bộ Tài chính thanh tra, có 25 dự án ở Hà Nội, 13 dự án ở TP.HCM, còn lại 22 dự án ở 7 địa phương khác. Theo cơ quan chức năng, các dự án xây dựng nhà cao tầng đang triển khai thực hiện chưa thực hiện đúng thẩm quyền giao sử dụng đất, không qua đấu giá. Đáng lưu ý, danh sách này hé lộ một loạt dự án hiện chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Điển hình như dự án Pandora 53 Triều Khúc còn nợ tiền sử dụng đất hơn 145 tỷ đồng; dự án 89 Thịnh Liệt (1141 Giải Phóng) nợ gần 175 tỷ đồng; khu văn phòng làm việc và cho thuê của Công ty CP Thủy sản khu vực 1 tại số 36 ngõ 61 Lạc Trung nợ hơn 67 tỷ đồng… (Công văn số 2000 của Bộ Tài chính).
Thực tế, dù Bộ Tài chính mới kiến nghị Thủ tướng yêu cầu các Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố tạm thời dừng thi công các dự án nhà cao tầng đang triển khai xây dựng có sai phạm nhưng thị trường bất động sản đã bị ảnh hưởng.
Giám đốc một dự án tại Hà Nội trong danh sách này tỏ ra rất tâm tư. Theo ông, bất động sản luôn luôn nhạy cảm với thông tin thanh tra sẽ khiến cho họ gặp nhiều phiền toái. Mặc dù người trong nghề hiểu đây chỉ là đề xuất tham khảo để xem ai vi phạm hay không vi phạm, là việc bình thường... Tuy nhiên, với khách hàng việc thanh tra dự án có thể khiến cho họ chùn bước, gây ảnh hưởng đến dự án và doanh nghiệp.
“Thời gian thanh tra thường là 3-6 tháng và thanh tra không có nghĩa là có sai phạm. Trong khi đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) sẽ bị ảnh hưởng lớn, người chịu thiệt là DN, khách hàng và đối tác”, vị này nói.
Liên quan đến kiến nghị của Bộ Tài chính, ông Phạm Văn Quyết, chủ đầu tư một dự án trên địa bàn Hà Nội cũng cho biết, thông tin thanh tra, tạm dừng các dự án bất động sản vừa qua đã làm cho người mua nhà lo lắng. Ngay bản thân công ty ông, mặc dù không có tên dự án nào trong danh sách nhưng cũng bị khách hàng “hỏi thăm”.
“Kiến nghị của Bộ Tài chính sẽ có tác động đến thị trường bất động sản, trước hết là 60 dự án được chỉ mặt, đặt tên”, ông Quyết bày tỏ.
Thanh tra là chuyện hết sức bình thường
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, TS. La Văn Thái – Chuyên gia lĩnh vực bất động sản cho biết, việc thanh tra hàng năm của cơ quan quản lý là chuyện hết sức bình thường. Người mua nhà không nên lo lắng vì mua nhà dự án chỉ cần quan tâm đến việc dự án đó đã được phép bán hàng, được công khai trên Sở Xây dựng chưa. Mọi thủ tục pháp lý là việc của chủ đầu tư và nhà nước.
Cũng theo vị chuyên gia này, nếu như sau kết luận thanh tra, nếu dự án có vấn đề, cơ quan chức năng nên công bố những dự án nào bị đình, không được phép bán nhà nữa cũng phải công khai trên web của Sở Xây dựng. Lúc này người mua mới bị ảnh hưởng đến quyền lợi còn đã mua trước rồi thì trong mọi hoàn cảnh phải được bảo đảm quyền lợi.
“Trước đây, luật pháp chưa hoàn thiện, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất diễn ra dễ dàng. Các nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất cũng đơn giản với các quy định chưa hoàn thiện dẫn đến một số dự án nợ tiền sử dụng đất. Trong bối cảnh đó, các cơ quan quản lý sẽ tìm hiểu và xem xét lại nghĩa vụ tài chính của DN. Nếu DN chưa thực hiện, hoặc đã thực hiện nhưng với “giá trị thấp”, Nhà nước sẽ xem xét lại và yêu cầu DN bổ sung nghĩa vụ của mình, tránh gây thất thoát cho ngân sách”, TS Thái nhấn mạnh.
Theo Cao Tuân/giadinh.net.vn