Theo ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), việc trao nhầm trẻ sơ sinh là sự cố hy hữu. Tuy nhiên, vài năm gần đây, sự việc này lại xảy ra tại nhiều địa phương trong cả nước.
Vụ việc xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì (Hà Nội) là do kíp đỡ sinh hôm đó đã thực hiện không đúng quy định. “Có cá nhân làm ẩu nên đã dẫn tới sự nhầm lẫn đáng tiếc đó. Nếu sự nhầm lẫn được phát hiện sau khi sinh mấy ngày thì sự việc không phát triển thành vấn đề phức tạp. Nhưng ở đây, vụ việc đã xảy ra đến 6 năm”- ông Quang cho biết.
Cũng theo ông Nguyễn Huy Quang, vụ việc nhầm con 6 năm chúng ta đang nhắc tới, quả thật là một vấn đề hết sức đau lòng cho cả 2 gia đình. Khi nhận ra con mình nuôi không phải ruột thịt, có gia đình vì con không giống cha mẹ sinh ra nên xảy ra cãi vã, ly hôn.
Được biết, sau khi sự việc xảy ra, 2 nữ hộ sinh của kíp trực ngày 1/11/2012 đã tới gia đình của các cháu để xin lỗi. Ông Nguyễn Huy Quang cho rằng, trong việc này, lời xin lỗi của họ cũng nên được ghi nhận. Vì vậy, việc Bệnh viện Đa khoa Ba Vì đã tiến hành kỷ luật 2 nữ hộ sinh liên quan trong việc giao nhầm con là đúng, kịp thời.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang
Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế cho biết, từ trước đến nay, ngành y đã luôn thắt chặt quy trình, quy định trong lĩnh vực này.
Ông Quang cho rằng, đây là bài học cảnh báo, yêu cầu các bệnh viện trên cả nước cần rà soát làm chuẩn quy trình trao trả bé sơ sinh. Sau vụ việc này, các cơ sở y tế, nhân viên y tế cần nâng cao tính kỷ luật và trách nhiệm.
“Vì một sự sai lầm, đôi khi không chỉ lấy đi sức khoẻ, tính mạng người bệnh mà gây rất nhiều hệ luỵ, nhất là về tinh thần. Điều đó vô cùng khó xử lý, giải quyết thoả đáng”- ông Quang nói.