Theo thống kê của các cơ quan chức năng, hiện nay tình hình thuốc lá lậu diễn biến vẫn rất phức tạp, với các thủ đoạn buôn bán ngày càng tinh vi.
Đáng chú ý, điều tra của Oxford Economics 2014 cho thấy, Việt Nam đã trở thành thị trường tiêu thụ thuốc lá lậu hàng đầu trong số 14 quốc gia Châu Á được khảo sát (bao gồm: Indonesia, Thailand, Cambodia, Taiwan, Laos, Australia, Philippines, Singapore, Viet Nam, Myanmar, Pakistan, Hong Kong, Malaysia, Brunei).
Trước tình trạng trên, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 124/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, xử lý hình sự đối với hành vi buôn lậu 500 bao thuốc lá lậu thay vì 1.500 bao như trước đây.
Ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam
Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đã có cuộc trao đổi với báo chí.
- Thưa ông, Theo Nghị định 124/ 2015 vừa được Chính phủ ban hành, buôn bán hàng cấm là thuốc lá lậu từ 500 bao trở lên sẽ bị chuyển sang xử lý hình sự, ông đánh giá thế nào về Nghị định này?
Như chúng ta đã thấy, nổi bật trong Nghị định 124 là thông tin sửa đổi ở Điều 25, thể hiện việc tăng cường mức xử phạt hành vi vi phạm về buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu.
Theo đó, Nghị định quy định cụ thể, hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng 500 bao trở lên thì người có thẩm quyển đang thụ lý vụ việc phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính (luật trước đây quy định buôn bán 1.500 gói thuốc lá lậu trở lên mới bị xử lý hình sự). Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định không khởi tố vụ án hình sự thì phạt tiền từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
Tôi cho rằng quy định này sẽ tăng cường hiệu quả các chế tài xử phạt, giúp các cơ quan chức năng có căn cứ xử lý nghiêm, đảm bảo tính răn đe đối với các đối tượng buôn bán thuốc lá nhập lậu.
- Vậy ông có đánh giá như thế nào về mức xử phạt được nêu trong Nghị định 124?
Mục đích cao nhất của Nghị định số 124 do Thủ tướng CP ban hành ngày 19/11/2015 nhằm siết chặt các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Năm 2014, số lượng thuốc lá lậu khoảng trên 1 tỷ bao, thì đến nay theo đánh giá ban đầu, con số này giảm còn khoảng trên 700-800 triệu bao
Trong lĩnh vực thuốc lá, Nghị định 124 tăng mức xử phạt hành vi vi phạm về buôn bán vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu lên gấp đôi so với Nghị định cũ. Theo đó, buôn từ 500 bao thuốc lá lậu có thể nhận hình phạt lên đến 15 năm tù giam.
Đối với mức buôn lậu dưới 500 bao, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền thấp nhất từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng trong trường hợp buôn bán, vận chuyển dưới 10 bao; Từ 10 bao đến dưới 20 bao phạt từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng; Từ 20 bao đến dưới 50 bao phạt từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng; Từ 50 bao đến dưới 100 bao phạt 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng; Mức cao nhất phạt từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng nếu vận chuyển và buôn bán nhập lậu số lượng từ 400 đến dưới 500 bao…
Tôi tin với các mức phạt ngày càng nặng, các đầu nậu cũng phải chùn tay. Nghị định chính là đòn giáng mạnh vào thị trường buôn bán thuốc lá lậu vốn ngày càng phức tạp và “nhờn thuốc”.
- Ông có nhận xét gì về tình hình thuốc lá lậu trong năm qua, nhất là kể từ khi Chính phủ ban hành chỉ thị 30 về tăng cường các biện pháp chống buôn lậu thuốc lá?
Từ 30/9/2014, thực hiện Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá, với sự vào cuộc của tất cả các ngành, đặc biệt là của Bộ Công An, Bộ Công thương, Bộ Tài chính thì tình hình thuốc lá lậu bước đầu có thuyên giảm. Việc vận chuyển thuốc lá qua tuyến biên giới của tỉnh có chiều hướng giảm so với trước từ 20-30%.
Tại các điểm nóng buôn lậu thuốc lá như An Giang, Đồng Tháp các tỉnh biên giới phía Tây, vẫn còn diễn ra nhưng không phát sinh đường dây, ổ nhóm mang tính chất công khai quy mô lớn, liên địa bàn.
Năm 2014, số lượng thuốc lá lậu khoảng trên 1 tỷ bao, thì đến nay theo đánh giá ban đầu, con số này giảm còn khoảng trên 700-800 triệu bao.
Tôi đánh giá rất tích cực về Chỉ thị 30/CT-TTg ngày 30/9/2014, có thể nói rất kịp thời và mang lại hiệu quả rất cao cho ngân sách nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
- Tháng cuối năm là được xem là thời điểm thuận lợi buôn lậu thuốc lá. Vậy theo ông, cần có những giải pháp gì đẩy lùi thuốc lá nhập lậu trong thời gian tới?
Nghị định 124/2015/ND-CP có hiệu lực từ 5/1/2016, cũng là thời điểm giáp Tết. Theo quy luật hằng năm thì nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp lễ, Tết tăng rất cao, vào thời điểm này các đối tượng buôn lậu sẽ tăng cường vận chuyển nguồn hàng về để cung cấp cho thị trường.
Vì vậy, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đề nghị Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan sớm ban hành Thông tư thực hiện để Nghị định kịp thời phát huy hiệu quả. Đồng thời đề nghị Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh có Kế hoạch chỉ đạo các lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn buôn lậu từ biên giới cho đến thị trường nội địa trước, trong và sau Tết Nguyên đán Bính Thân.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân không tham gia, tiếp tay buôn lậu, tích cực tố giác tội phạm và tổ chức các hoạt động tuyên truyền pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhằm để các thương nhân tuân thủ, thực hiện đúng các quy định pháp luật và phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, đặc biệt quy định xử lý hình sự đối với hành vi buôn lậu 500 bao.
- Xin chân thành cảm ơn ông!