Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Sẽ có nhiều giải pháp mạnh!

Bộ LĐ-TB&XH vừa tổ chức hội thảo do Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp chủ trì, với sự tham dự của Cục QLLĐNN, Thanh tra Bộ LĐ- TB&XH, Hiệp hội XKLĐ và đại diện 112 doanh nghiệp đưa lao động sang làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc) nhằm trao đổi về những vấn đề bất cập trong thời gian vừa qua và các giải pháp hướng tới việc giảm phí cho người lao động và giảm tỷ lệ bỏ trốn.

 

Tăng cường thanh tra, giám sát tình trạng lao động bị thu phí cao

Theo báo cáo, trong 3 năm trở lại đây, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành các văn bản chấn chỉnh thị trường, quy định giảm chi phí xuất cảnh của người lao động và tăng cường trách nhiệm quản lý, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động, nhằm mục tiêu giải quyết hai vấn đề nổi cộm tồn tại trong hoạt động đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Đài Loan gồm: Lao động bị thu phí cao hơn quy định và Lao động bỏ hợp đồng... Bộ LĐ-TB&XH đã áp dụng nhiều biện pháp mạnh, tuy nhiên, đến nay vẫn còn tình trạng doanh nghiệp mở các đầu mối hoạt động mà không đăng ký, nhiều người lao động còn bị thu phí cao, doanh nghiệp không trực tiếp tuyển chọn lao động. Ngoài ra, công tác đào tạo bồi dưỡng kiến thức cho người lao động chưa được thực hiện nghiêm túc, vẫn còn tình trạng để cá nhân, tổ chức mượn danh đưa lao động đi hoặc để tổ chức nước ngoài “núp bóng” hoạt động. Bên cạnh đó, tình trạng lao động bỏ hợp đồng trong năm 2015 đã gia tăng mạnh so với năm 2013 và 2014, cho thấy doanh nghiệp có dấu hiệu buông lỏng quản lý đối với người lao động. Trước tình trạng trên, Bộ LĐ-TB&XH thực hiện việc rà soát và chấn chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp đưa lao động sang làm việc tại Đài Loan, trong đó sẽ tập trung vào công tác kiểm soát việc thực thi các quy định đã ban hành, điều chỉnh một số biện pháp quản lý mà trong quá trình thực hiện bộc lộ bất cập, chưa hợp lý, áp dụng một số biện pháp mới tăng cường quản lý đối với doanh nghiệp hai bên.

Tại hội thảo, Cục QLLĐNN đã đưa ra các giải pháp như: Chấn chỉnh và tăng cường quản lý đầu mối của doanh nghiệp thực hiện tổ chức đưa lao động sang Đài Loan. Theo đó, mỗi doanh nghiệp chỉ được giao nhiệm vụ và ủy quyền cho 3 chi nhánh có trụ sở đặt tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác nhau và khác với trụ sở chính của doanh nghiệp. Doanh nghiệp và mỗi chi nhánh của doanh nghiệp chỉ được tổ chức tuyển chọn đào tạo ở một địa điểm tại tỉnh, thành phố mà doanh nghiệp hoặc chi nhánh đăng ký đặt trụ sở và phải báo cáo Cục để đưa công khai lên Website của Cục QLLĐNN. Bên cạnh đó sẽ chấn chỉnh, tăng cường kiểm tra, giám sát công tác đào tạo lao động, bỗi dưỡng kiến thức cần thiết cho lao động, kiểm soát tổng chi phí của người lao động trước khi xuất cảnh. Tổ chức kiểm tra đối với người lao động dự kiến xuất cảnh, trường hợp phát hiện lao động không được đào tạo đủ thời lượng, nội dung, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 32 của Nghị định 95/2013/NĐ-CP, đồng thời phải tiến hành đào tạo bồi dưỡng kiến thức cần thiết bổ sung cho người lao động trước khi xuất cảnh. Tổ chức kiểm tra đột xuất năng lực cơ sở đào tạo của doanh nghiệp để đánh giá năng lực đào tạo thực tế của doanh nghiệp nếu phát hiện doanh nghiệp có số lao động đưa đi cao hơn quy mô đào tạo của cơ sở hoặc cao hơn quy mô đào tạo trên thực tế, doanh nghiệp sẽ bị tạm dừng đưa đi để giải trình về số lượng lao động đã xuất cảnh hoặc tiến hành kiểm tra toàn diện. Trường hợp có đủ căn cứ việc doanh nghiệp chưa đào tạo đã đưa lao động đi sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 32 của Nghị định 95/2013/NĐ-CP.

 

Lao động đi làm việc tại Đài Loan trong giờ học định hướng (ảnh minh họa)

 

Một trong những giải pháp được đưa ra là kiểm soát tình trạng lao động bị thu phí cao. Theo đó sẽ tăng cường công tác xử lý khiếu nại của lao động bị thu phí cao. Quá trình giải quyết, nếu phát hiện các vi phạm của doanh nghiệp như: không tuyển chọn trực tiếp, không thu tiền trực tiếp, thu phí quá quy định... sẽ xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật và dừng hoạt động của doanh nghiệp nếu bị khiếu nại nhiều.  Ngoài ra, các giải pháp đưa ra như Tăng cường quản lý lao động tại Đài Loan nhằm góp phần giảm tỉ lệ lao động bỏ trốn và tăng hiệu quả giải quyết vụ việc; Tăng cường quản lý việc hợp tác với các công ty môi giới Đài Loan nhằm hạn chế số lượng công ty môi giới Đài loan xếp hạng thấp được hợp tác với doanh nghiệp Việt nam để hạn chế tình trạnh canh tranh không lành mạnh dẫn đến tăng phí môi giới.

Cục QLLĐNN cho biết, sẽ phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội XKLĐ để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử phạt hành chính khi có vi phạm. Đồng thời ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp đối với tình hình lao động bỏ trốn nhằm nâng cao chất lượng tuyển chọn và công tác quản lý của doanh nghiệp trên cơ sở khống chế tỷ lệ lao động bỏ trốn bình quân theo thời kỳ.

Cần sự vào cuộc của Đài Loan trong lộ trình giảm phí

Tại Hội thảo, đại diện các doanh nghiệp đưa lao động sang Đài Loan đã đưa ra các ý kiến góp ý để hoàn thiện các giải pháp nêu trên. Đại diện các doanh nghiệp đề xuất Bộ LĐ-TB&XH quy định về thời hạn người lao động được phép khiếu nại về chi phí đi làm việc tại Đài Loan sau khi xuất cảnh sang Đài Loan làm việc để tránh trường hợp những lao động đi làm việc tại Đài Loan được một thời gian dài, thậm chí sắp hết hạn hợp đồng về nước mới khiếu nại về phí. Ngoài ra, các doanh nghiệp đề xuất Bộ LĐ-TB&XH hợp tác với các cơ quan chức năng của Đài Loan nhằm quản lý các công ty dịch vụ việc làm của Đài Loan, yêu cầu các công ty này thu phí môi giới từ các công ty Việt Nam theo đúng quy định. Sự vào cuộc của tất cả các bên liên quan là yếu tố quan trọng để đảm bảo mức phí đi làm việc tại Đài Loan hợp lý, theo đúng quy định cho người lao động Việt Nam. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng nêu những khó khăn của mình trong việc thực hiện quy định về mức chi phí đi làm việc tại Đài Loan tối đa mà các doanh nghiệp được phép thu từ người lao động. Các doanh nghiệp cho biết, so với lao động các nước khác đang làm việc tại Đài Loan (Thái Lan, Philippin, Indonesia), lao động Việt Nam có ý thức kỷ luật kém hơn, vẫn còn nhiều lao động Việt Nam vi phạm quy định nơi làm việc và pháp luật nước Đài Loan như bỏ trốn ra ngoài làm việc trái phép và thường xuyên chuyển nơi làm việc gây khó khăn hơn cho công tác quản lý của các công ty  dịch vụ việc làm Đài Loan, do vậy họ đòi hỏi mức phí môi giới cao hơn từ các công ty Việt Nam. Các doanh nghiệp cũng có ý kiến đề nghị Bộ LĐ-TB&XH tăng cường cơ chế xử phạt đối với lao động bỏ trốn ở nước ngoài theo Nghị định 95 để răn đe lao động  góp phần chấn trỉnh tình trạng bỏ trốn.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp về việc cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng Đài Loan trong lộ trình giảm phí cho lao động Việt Nam đi làm việc tại Đài Loan. Thứ trưởng cho biết, Bộ LĐ-TB&XH sẽ nghiên cứu, xây dựng chương trình làm việc và nội dung trao đổi với Bộ Lao động Đài Loan. Ngoài ra, Thứ trưởng cũng yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm chỉnh công tác tuyển chọn, đào tạo và quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan, tuân thủ quy định về cơ chế báo cáo số lượng lao động xuất cảnh, lao động về nước và lao động bỏ trốn và khẳng định Bộ LĐ-TB sẽ xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm. Thứ trưởng cũng đề cập đến thời gian tối đa để người lao động được giải quyết khiếu nại về chi phí đi làm việc tại Đài Loan là 180 ngày kể từ ngày người lao động ký vào Bản cam kết có nêu mức phí đóng cho doanh nghiệp theo quy định về khiếu nại, tố cáo trong Nghị định 119/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014. Đồng thời, Thứ trưởng nhất trí với đề xuất xây dựng lộ trình giảm phí của Cục Quản lý lao động ngoài nước với mức chi phí quy định trần hợp lý để các doanh nghiệp có thể điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.

Ngay sau hội thảo, Cục QLLĐNN sẽ phối hợp với Hiệp hội XKLĐ Việt Nam hoàn thiện các giải pháp chấn chỉnh hoạt động đưa lao động sang làm việc tại Đài Loan để trình Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH phê duyệt ban hành.