Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Sẽ có quy định bán ngoại tệ tiền mặt cho cá nhân phục vụ du lịch, chữa bệnh

(Dân sinh) - Ngân hàng Nhà nước đề xuất bổ sung quy định về bán ngoại tệ tiền mặt cho cá nhân cho mục đích du lịch, công tác, chữa bệnh, học tập, thăm viếng được phép thực hiện mua ngoại tệ giao ngay.

Đây là nội dung được đưa vào Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 15/2015/TT-NHNN hướng dẫn giao dịch ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ của tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối.

Theo NHNN, việc ban hành quy định mới nhằm đáp ứng nhu cầu giao dịch ngoại tệ ngày càng đa dạng của khách hàng (nhất là giao dịch phái sinh như kỳ hạn, hoán đổi). Bên cạnh đó, mức độ ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng ngày càng phổ biến nên cần có sự điều chỉnh về mặt chính sách.

Theo đó, Dự thảo Thông tư sửa đổi nội dung về phạm vi giao dịch của TCTD được phép với khách hàng như sau:

Về loại hình, phạm vi và kỳ hạn giao dịch, dự thảo Thông tư sửa đổi nội dung cho phép nhà đầu tư nước ngoài khi đã đầu tư trái phiếu Chính phủ phát hành bằng VND được thực hiện giao dịch mua kỳ hạn từ tổ chức tín dụng (TCTD) được phép với mục đích phòng ngừa rủi ro tỷ giá.

Dự thảo cũng bỏ quy định kỳ hạn tối thiểu của giao dịch hoán đổi, các TCTD được thực hiện giao dịch hoán đổi có kỳ hạn dưới 3 ngày làm việc để đáp ứng nhu cầu thanh khoản, quản lý vốn. Bỏ quy định cho phép TCTD được phép thực hiện giao dịch quyền chọn ngoại tệ với người cư trú là tổ chức khác và cá nhân do lượng giao dịch phát sinh không đáng kể và tránh việc thực hiện giao dịch mà không nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro tỷ giá.

Dự thảo cũng bổ sung quy định thực hiện giao dịch kỳ hạn với người cư trú để phòng ngừa rủi ro tỷ giá đối với khoản vay nước ngoài trung-dài hạn bằng ngoại tệ có kỳ hạn hoặc thời hạn còn lại trên 365 ngày.

Đồng thời, cho phép TCTD được phép thực hiện giao dịch hoán đổi để sửa đổi kỳ hạn của giao dịch kỳ hạn đã ký với khách hàng trên cơ sở đề nghị bằng văn bản của khách hàng kèm giấy tờ, chứng từ chứng minh nguyên nhân khách quan phải sửa đổi kỳ hạn của giao dịch kỳ hạn đã ký kết.

Về phương thức giao dịch, đối với giao dịch ngoại tệ giữa TCTD được phép và khách hàng, dự thảo Thông tư quy định nguyên tắc kiểm soát rủi ro là một cá nhân không chi phối toàn bộ một giao dịch, quy trình thực hiện giao dịch.

Theo đó, đối với việc thực hiện thỏa thuận giao dịch và xác nhận giao dịch, dự thảo Thông tư quy định như sau: Trường hợp giao dịch trực tiếp tại địa điểm giao dịch của TCTD được phép, hai bên chỉ cần lập thỏa thuận giao dịch bằng văn bản và có chữ ký của người có thẩm quyền, không cần lập thêm xác nhận giao dịch.

Trường hợp thỏa thuận giao dịch thực hiện thông qua phương tiện điện tử, dự thảo giữ nguyên quy định sau khi xác lập thỏa thuận giao dịch, các bên phải lập xác nhận giao dịch bằng văn bản. Yêu cầu bằng văn bản được thể hiện dưới hình thức văn bản giấy, hoặc văn bản điện tử (thông điệp dữ liệu) nếu đáp ứng được quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Về giao dịch kỳ hạn, dự thảo quy định, đối với khoản vay nước ngoài trung-dài hạn bằng ngoại tệ có kỳ hạn hoặc thời hạn còn lại trên 365 ngày, Dự thảo Thông tư bổ sung quy định cho phép TCTD và khách hàng được phép gia hạn giao dịch ngoại tệ kỳ hạn đã ký kết để phòng ngừa rủi ro tỷ giá cho toàn bộ thời hạn của khoản vay.

Dự thảo Thông tư cũng quy định kỳ hạn của giao dịch kỳ hạn ban đầu là 365 ngày; kỳ hạn của giao dịch kỳ hạn trong các giao dịch hoán đổi là 365 ngày hoặc bằng thời hạn còn lại của khoản vay khi thời hạn còn lại của khoản vay dưới 365 ngày.

Dự thảo Thông tư cũng bổ sung quy định về bán ngoại tệ tiền mặt cho cá nhân cho mục đích du lịch, công tác, chữa bệnh, học tập, thăm viếng được phép thực hiện mua ngoại tệ giao ngay.