Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Sẽ đề xuất thành lập Tổ công tác liên ngành nghiên cứu về tiền ảo

(Dân sinh) - Ông Hoàng Văn Thu, Phó Chủ tịch uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) thông tin, đến thời điểm này, Bộ Tài chính đã nhận được ý kiến của các bộ, ngành, nhưng về cơ bản các ý kiến đều chưa làm rõ được phương pháp nghiên cứu, cơ chế tiếp cận để xây dựng khung pháp luật về tiền ảo.

Toàn cảnh họp báo

Toàn cảnh họp báo

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý III/2023 của Bộ Tài chính chiều ngày 5/10, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, Bộ này tiếp tục nghiên cứu, rà soát, có đánh giá tổng thể việc thực hiện các chính sách tài khóa để tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội các giải pháp về miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí.

Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ được đề xuất sửa đổi tổng thể

Theo ông Trương Bá Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính), thời gian qua, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, Bộ Tài chính đã tham mưu các cấp có có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn nhiều khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính cho thấy, trong tháng 9, cơ quan Thuế, Hải quan tiếp tục triển khai các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Tổng số tiền đã miễn, giảm, gia hạn ước tính đến hết tháng 9 khoảng 152,5 nghìn tỷ đồng (miễn, giảm khoảng 49,6 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 102,9 nghìn tỷ đồng).

“Hiện Bộ Tài chính đang có đánh giá tổng thể việc thực hiện để tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội các giải pháp tới đây”, ông Trương Bá Tuấn nói.

Vừa qua, trên cơ sở cuộc họp của Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 và thực hiện chính sách phục hồi, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu tiếp tục thực hiện giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu và nghiên cứu trình Quốc hội tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT) vào năm 2024. Bộ Tài chính đang tiến hành các quy trình thủ tục để thực hiện.

Việc giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân (TNCN), đại diện Cục Quản lý, giám sát thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết, Quốc hội ban hành Luật Thuế TNCN có hiệu lực từ năm 2009 cho đến nay (đã qua quá trình sửa đổi, bổ sung vào các năm 2012, 2014), đưa sắc thuế này trở nên hiện đại và toàn diện hơn.

Đáng lưu ý, từ kỳ tính thuế năm 2020, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế đã nâng từ 9 triệu lên mức 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm).

Ông Trương Bá Tuấn cũng khẳng định, thẩm quyền điều chỉnh đã quy định trong luật là thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bộ Tài chính đã theo dõi sát sao và đề xuất theo đúng quy định. Khi CPI biến động hơn 20% thì đề xuất điều chỉnh, không phải sửa luật. Luật Thuế TNCN sẽ được đề xuất sửa đổi nhiều vấn đề tổng thể vào thời gian tới.

“Về chương trình tổng thể, triển khai đề án xây dưng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa 15, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ kết quả rà soát tổng thể các luật thuế, Chính phủ đã có báo cáo Quốc hội, trong đó có một số định hướng lớn về sửa Luật thuế TNCN, theo lộ trình thực hiện theo Chiến lược Cải cách hệ thống thuế đến 2030. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ sửa 2 luật là Luật thuế GTGT, thuế TTĐB”, ông Trương Bá Tuấn thông tin thêm.

Đại diện các Cục, Vụ thuộc Bộ Tài chính trả lời các câu hỏi của phóng viên

Đại diện các Cục, Vụ thuộc Bộ Tài chính trả lời các câu hỏi của phóng viên

Cơ quan quản lý nỗ lực để doanh nghiệp được hoàn thuế

Về hoàn thuế GTGT, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn cho biết, qua quá trình hoàn thuế GTGT đã phát hiện những rủi ro. Tổng cục Thuế đã có công văn yêu cầu các đơn vị thống nhất tăng cường quản lý rủi ro, hồ sơ hoàn thuế phải đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật.

Cơ quan thuế trước mắt xây dựng tiêu chí hoàn thuế tích hợp tự động, ứng dụng CNTT tích hợp hồ sơ hoàn thuế, ứng dụng này sẽ triển khai vào cuối năm nay, phân loại hồ sơ để thực hiện. Cùng với đó, tăng cường giám sát việc thực hiện của các cán bộ, công chức trong ngành Thuế.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài Chính Nguyễn Đức Chi khẳng định thêm, công tác hoàn thuế phải đúng quy định của pháp luật, hoàn thuế đúng người, đúng việc, không để xảy tình trạng gian lận, chiếm đoạt tiền của Nhà nước. Cơ quan quản lý luôn nỗ lực để doanh nghiệp sớm được hoàn thuế.

Cơ quan quản lý xác định hoàn thuế cho doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và liên tục. Cơ quan quản lý tiếp tục tìm các giải pháp, từ ứng dụng CNTT vừa để tăng cường công tác quản lý, vừa đẩy nhanh quá trình hoàn thuế cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thêm dòng tiền đầu tư vào sản xuất kinh doanh trong thời điểm còn nhiều khó khăn như hiện nay.

Bên cạnh tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý sẽ tăng cường thanh kiểm tra, giám sát, nếu phát hiện trường hợp gian lận tiền hoàn thuế, sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Đề xuất thành lập Tổ công tác liên ngành nghiên cứu về tiền ảo

Cũng tại buổi họp báo, ông Hoàng Văn Thu, Phó Chủ tịch uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) thông tin, đến thời điểm này, Bộ Tài chính đã nhận được ý kiến của các bộ, ngành, nhưng về cơ bản các ý kiến đều chưa làm rõ được phương pháp nghiên cứu, cơ chế tiếp cận để xây dựng khung pháp luật về tiền ảo.

Do đây là lĩnh vực mới tại Việt Nam, đồng thời cũng là lĩnh vực tương đối nhạy cảm so với các hoạt động quản lý kinh tế - xã hội khác, đặc biệt là các hoạt động phòng chống tội phạm, đòi hỏi phương pháp nghiên cứu phải hết sức thận trọng.

“Trong phạm vi nghiên cứu của Bộ Tài chính, chúng tôi rất khó xây dựng được khung pháp luật đảm bảo tròn trịa các góc cạnh của vấn đề, vì thế chúng tôi đang định hướng báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất thành lập Tổ công tác liên ngành để xây dựng đề án này”, ông Thu cho biết.

Trao đổi thêm, theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, đây không phải vấn đề mới nhưng là vấn đề khó, có nhiều rủi ro đòi hỏi chúng ta phải có đánh giá toàn diện. Nhiều nước trên thế giới đã công nhận tiền ảo, tài sản ảo và đã cho giao dịch, nhưng đây là vấn đề phức tạp, vì hiện nay hệ thống pháp luật của chúng ta chưa công nhận đó là tài sản.

Muốn được giao dịch thì phải là tài sản, từ đó mới lập sàn giao dịch, tổ chức giao dịch, đưa ra các quy định pháp lý…, do vậy còn nhiều bước nghiên cứu kỹ lưỡng, đối với loại hình tài sản này.

“Thực tế cho thấy, thời gian qua, nhiều trường hợp tham gia vào hoạt động này dẫn đến rủi ro. Cùng với việc kiến nghị thành lập Tổ công tác liên ngành, Bộ Tài chính sẽ tích cực, chủ động hơn nữa, có những đánh giá đối với loại hình tài sản này để tham mưu cho các cấp có thẩm quyền để có khung pháp lý đầy đủ, tổ chức quản lý chặt chẽ để quản lý hiệu quả an toàn, bền vững”, ông Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.