Cử tri tỉnh Bình Định đề nghị cơ quan có thẩm quyền khẩn trương hoàn thiện dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua theo hướng xây dựng lộ trình giải quyết dứt điểm tồn đọng thủ tục công nhận người có công với cách mạng. Đồng thời hướng dẫn các địa phương có phương án xử lý không còn người có công với cách mạng thuộc hộ nghèo, thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công.
Về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời cử tri tỉnh Bình Định như sau:
Vấn đề tồn đọng thủ tục công nhận người có công với cách mạng: Công tác giải quyết tồn đọng trong xác nhận người có công với cách mạng luôn được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các địa phương đặc biệt quan tâm. Qua hơn 3 năm thực hiện Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công, đã giải quyết chế độ hoặc giải đáp, trả lời đối với 100% số hồ sơ rà soát tại thời điểm ban hành Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH (trên 6000 hồ sơ), trong đó đã xác nhận trên 2.000 liệt sĩ, trên 2.600 thương binh.
Hiện nay, Bộ đang chỉ đạo các đơn vị chức năng và địa phương tiếp tục xem xét theo hướng mở rộng phạm vi đến các ngành, cấp huyện, xã và trong nhân dân. Theo báo cáo của 49 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có 8 địa phương đã giải quyết xong hồ sơ tồn đọng, 14 địa phương không có hồ sơ tồn đọng. Trong thời gian tới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác hướng dẫn và thẩm định, phấn đấu đến hết năm 2020 giải quyết căn bản hồ sơ đề nghị xác nhận người có công với cách mạng còn tồn đọng.
Về phương án xử lý không còn người có công với cách mạng thuộc đối tượng nghèo: Thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2019 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tháng 7/2019, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chỉ đạo xóa nghèo cho hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công với cách mạng. Việc thực hiện hỗ trợ bằng nhiều hình thức khác nhau tùy thuộc vào đặc điểm của đối tượng như hỗ trợ theo hình thức cấp bù tiền mặt và một số hình thức hỗ trợ kinh phí, hiện vật khác đối với hộ nghèo gồm toàn các thành viên không còn sức lao động, nguồn thu nhập chỉ trông chờ vào kinh phí trợ cấp chế độ người có công. Hỗ trợ thoát nghèo theo hướng hỗ trợ có điều kiện như các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất theo dự án, mô hình, chính sách vay vốn ưu đãi, chính sách hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm… đối với các hộ có khả năng lao động.
Theo báo cáo sơ bộ tính đến cuối năm 2019, có 21 tỉnh, thành phố không còn hộ nghèo thuộc chính sách người có công, tăng 13 tỉnh, thành phố so với cuối năm 2018. Các địa phương khác đang tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, phấn đấu giải quyết dứt điểm số hộ nghèo thuộc gia đình người có công trong năm 2020.
Về thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng: Ngày 27/6/2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 46/NQ-CP về việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, việc hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng hoàn thành đến hết ngày 31/12/2019, đồng thời Chính phủ cũng đồng ý chủ trương xử lý một số đề xuất của các địa phương nhằm mục đích thực hiện có hiệu quả chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng.
Theo Chinhphu.vn