Ngành chăn nuôi có “tối như đêm 30” vì hội nhập?
Đã có những lo ngại với việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP), 90% dòng thuế có thể giảm về 0% và khi đó, ngành chăn nuôi sẽ “tối như đêm 30”, trước mắt là đối diện với việc nhập thịt gia cầm từ Hàn Quốc, sau nữa là các nước TPP rất mạnh về chăn nuôi.
Tại phiên tọa trực tuyến ngày 20/3, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh thừa nhận rằng, rõ ràng là ngành chăn nuôi sẽ gặp phải thách thức và khó khăn trong hội nhập vì nhìn chung, cơ cấu nông nghiệp không dễ dịch chuyển trong một sớm một chiều, đặc biệt khi năng suất ngành còn thấp, giá thành cao hơn so với những quốc gia khác.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh (trái), và Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Lê Tiến Trường (phải)
Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng lưu ý rằng, khi quyết định hội nhập kinh tế quốc tế, Chính phủ và Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có tính toán cụ thể. Khó khăn có thể sẽ tạo nên một số lao động dôi dư. Nếu Việt Nam phát triển được xuất khẩu và sản xuất thì sẽ có 2 hệ quả: Phát triển xuất khẩu sẽ tạo ra thị trường mới cho nông sản, người dân có thể chuyển sang nuôi trồng những loại cây hoặc thủy sản sẽ có thị trường ổn định. Còn nếu phát triển sản xuất sẽ thu hút được lao động dôi dư trong nông nghiệp, giúp quá trình tái cơ cấu nông nghiệp thành công.
Chính phủ cũng đã thống nhất rằng, dù có thách thức thì cũng phải đảm bảo được tiến độ, tức là nếu giảm thuế thì cũng phải theo lộ trình dài và hy vọng lộ trình đủ dài như vậy sẽ hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp.
Hơn nữa, theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh : "Sẽ không dễ thay đổi thói quen tiêu dùng trong một sớm một chiều. Bây giờ ngành chăn nuôi ta đang lo ngại thịt gà, thịt lợn của các nước TPP vào Việt Nam, đặc biệt của Hoa Kỳ. Nhưng tôi cho rằng rất nhiều gia đình Việt Nam sẽ ưa gà nuôi, gà thả đồi hơn gà công nghiệp, thịt lợn cũng vậy, người Việt không quen sử dụng thịt đông lạnh... Tất nhiên, thói quen tiêu dùng có thể thay đổi trong tương lai, khi công nghiệp hóa ở mức độ cao nhưng ít nhất trong hiện tại thì thói quen đó sẽ rất khó thay đổi”.
Muốn tồn tại, bắt buộc doanh nghiệp Việt phải tự tái cơ cấu và chấp nhận cạnh tranh
Lo ngành thép trong nước bị “bóp chết”!
Một câu chuyện khác là việc Việt Nam ký FTA với Liên minh hải quan Nga, Belarus, Kazakztan mới đây đã dấy lên quan ngại cho rằng, đây sẽ là Hiệp định cực kỳ bất lợi đối với ngành sản xuất thép trong nước, bởi cả nền công nghiệp sản xuất thép khổng lồ sang Việt Nam với thuế suất bằng 0% sẽ là nguy cơ cho các doanh nghiệp thép nội khủng hoảng thừa.
Đáp lại, Thứ trưởng Khánh khẳng định, không phải tất cả mặt hàng sắt thép mà Việt Nam giảm thuế cho đối tác LB Nga đều là những mặt hàng nhạy cảm. Nga yêu cầu 167 dòng thuế thì Hiệp hội Thép đã tính toán chỉ có 25 dòng nhạy cảm, chia làm 4 cấp bậc, những dòng nhạy cảm nhất chỉ trên dưới 10 dòng thuế.
Với những dòng thuế nhạy cảm này, bên đàm phán của Việt Nam đã cố gắng đáp ứng tối đa yêu cầu của Hiệp hội Thép về lộ trình giảm thuế, và cũng không loại trừ sẽ không giảm thuế cho mặt hàng đó.
Thứ trưởng Khánh cho biết, "Việt Nam đã có lộ trình để sức ép đến chậm hơn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ngành thép tái cơ cấu. Hơn nữa, việc cạnh tranh trong ngành thép đã diễn ra từ lâu, không chờ đến lúc đàm phán với Nga. Tôi không nghĩ rằng khi về đây họ (các doanh nghiệp Nga - PV) ở trong thế “bóp chết” ngành sản xuất thép của Việt Nam. Chúng ta không so sánh giá thành xuất xưởng vì giá của Việt Nam đúng là không thể đọ được của thép Nga, nhưng họ cũng phải chịu chi phí vận tải về đây. Hơn nữa, vài năm qua, kinh tế của chúng ta trì trệ, hoạt động bất động sản khó khăn, đầu ra của thép bị hạn chế, trong bối cảnh đó các doanh nghiệp có xu hướng bi quan về tương lai, nhưng khi kinh tế khởi sắc trở lại thì mọi thành phần kinh tế sẽ đều có phần. Tôi tin rằng ngành thép sẽ nhận ra những cơ hội khi mở cửa và việc chấp nhận cạnh tranh cũng không quá khó khăn”.
Mở rộng quan điểm về thách thức với cộng đồng doanh nghiệp nói chung, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, để tăng sự chủ động của doanh nghiệp, Nhà nước chỉ làm được một việc là tạo ra chi phí cạnh tranh thông qua giá dịch vụ công, còn để doanh nghiệp cạnh tranh theo cơ chế thị trường thì “không cần dạy họ thắng hay thua” bởi có doanh nghiệp thành công thì cũng có doanh nghiệp thất bại. Điều này sẽ làm doanh nghiệp bớt thụ động, tăng chủ động.
“Trước đây suy nghĩ theo cách cũ, “các anh thành công còn em cứ vừa vừa theo cách cũ em làm”, sự thật là sẽ không còn loại doanh nghiệp vừa vừa được nữa. Người đứng lại sẽ là người rơi vào vào suy thoái, những khó khăn này thì doanh nghiệp sẽ phải nhận thức” – ông Trường cảnh báo.