Theo đó, để đối phó với việc trượt giá, tăng học phí, NH CSXH đang kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ tăng mức cho vay hàng tháng để đảm bảo sinh viên nghèo được tới trường.
Nâng mức vay “bù” tăng học phí, trượt giá
Gửi câu hỏi đến tọa đàm, chị Nguyễn Thị Lan (huyện Kim Bảng, Hà Nam) băn khoăn, việc tự chủ tuyển sinh của các trường đại học, trong đó có việc tăng học phí sẽ khiến đường đến trường của sinh viên nghèo càng chật vật. Hiện nay, mức vay cho sinh viên hơn 1 triệu đồng/tháng trong khi chi phí rất tiết kiệm cho một sinh viên trọ học ở Hà Nội cũng ít nhất là 3 triệu đồng. Ngoài ra, giá các mặt hàng tiêu dùng qua các năm tăng nhanh chóng.
Trả lời, ông Dương Văn Bá, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) cho biết, Chính phủ đã có chính sách cho HSSV trong diện ưu đãi với các mức miễn, giảm học phí theo Nghị định 86/2015 và Quyết định số 66/2013 của Thủ tướng Chính phủ (quy định chính sách hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên người dân tộc thiểu số học tại các cơ sở giáo dục đại học).
“Trên thực tế còn nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn không thuộc đối tượng được hưởng các ưu đãi trong giáo dục, Bộ GD&ĐT mong muốn và đề xuất Chính phủ nghiên cứu có thể nâng mức cho vay”, ông Bá cho biết.
Theo ông Bùi Văn Thuấn, Phó Giám đốc Ban Tín dụng HSSV và các đối tượng chính sách khác (NH CSXH), chương trình Tín dụng đối với HSSV từ khi thực hiện đến nay, Thủ tướng đã 5 lần thực hiện điều chỉnh mức cho vay. Mức cho vay đối với HSSV là mức hỗ trợ cùng các nguồn thu nhập khác của gia đình để góp phần đáp ứng chi phí học tập, sinh hoạt của HSSV tại trường. Khi chính sách học phí của Nhà nước có thay đổi và giá cả sinh hoạt có sự biến động, NH CSXH thống nhất với Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh mức cho vay cho phù hợp.
“Việc điều chỉnh mức cho vay phải dựa trên cơ sở Chính phủ cân đối được nguồn vốn cũng như khả năng cấp bù lãi suất từ ngân sách nhà nước để xem xét cụ thể. Hiện nay, từ ngày 1/6/2016, mức vay đã được tăng lên là 1,25 triệu đồng/HSSV/tháng”, ông Thuấn nói.
Theo đại diện Bộ GD&ĐT, với các trường đại học công lập có mức học phí cao, Bộ đã đề nghị trường có chính sách hỗ trợ đối với SV có hoàn cảnh khó khăn. Tiêu biểu như miễn giảm học phí của nhà trường, chính sách học bổng cho SV nghèo hoặc xây dựng quỹ hỗ trợ sinh viên.
“Theo tôi được biết thì các trường tự chủ tài chính thường có quỹ học bổng riêng của nhà trường để hỗ trợ SV có hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi cũng khuyến khích các trường tự chủ tài chính có thể có nguồn vốn để cho SV vay, sau đó trả dần”, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác HSSV cho biết.
Sinh viên thất nghiệp được gia hạn trả nợ
Anh Lê Văn Huy (huyện Ý Yên, Nam Định) lo lắng khi nhập học sắp tới, anh chưa có tiền đóng học phí vì chưa hoàn tất thủ tục vay vốn và mong muốn Bộ GD&ĐT hỗ trợ để sinh viên chậm nộp học phí.
Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, vấn đề anh Huy lo lắng đã từng xảy ra ở các năm học trước. Đối với những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn mà chưa vay được vốn của NH CSXH, Bộ GD&ĐT luôn đề nghị các trường tạo điều kiện cho sinh viên nộp học phí chậm hơn để chờ thủ tục giải ngân của ngân hàng. “Qua theo dõi của tôi, những năm gần đây, việc giải ngân của ngân hàng thường rất kịp thời nên các trường không phải giải quyết trường hợp chậm nộp học phí do chưa nhận được tiền vay từ nguồn vốn tín dụng này”, ông Dương Văn Bá cho biết.
Theo ông Bá, với sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm, Bộ GD&ĐT đề nghị NH CSXH trên cơ sở điều kiện thực tế của từng SV có chính sách hỗ trợ, như kéo dài thời gian trả nợ hay hỗ trợ lãi suất. Tuy nhiên, về lâu dài, Bộ sẽ tăng cường tư vấn hướng nghiệp, triển khai hiệu quả công tác phân luồng học sinh sau Trung học cơ sở, Trung học phổ thông để hạn chế việc thất nghiệp sau khi tốt nghiệp.
Ngoài ra, Bộ đang triển khai xây dựng Đề án khởi nghiệp cho SV tốt nghiệp và chỉ đạo các trường đưa vào chương trình đào tạo các kiến thức về khởi nghiệp để SV tiếp cận khởi nghiệp và tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp.