Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật An toàn thông tin mạng cho biết, một số ĐBQH đề nghị nghiên cứu mở rộng, bổ sung nội dung về an ninh mạng vào phạm vi đối tượng điều chỉnh. Tuy nhiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, an toàn thông tin là nền tảng để đảm bảo an ninh quốc gia, vì nếu bảo vệ không tốt, để tin tặc xâm nhập vào hệ thống lấy cắp thông tin, chỉnh sửa thông tin thì thậm chí có thể ảnh hưởng lớn tới quốc phòng, an ninh.
Hoặc nếu hệ thống thông tin của các tổ chức trong nước bị thế lực nước ngoài hoặc quốc gia nào đó khống chế để phát động tấn công mạng vào nước khác thì sẽ cực kỳ nguy hiểm (trên mạng không dễ xác định được từ nước nào hay do ai đang khống chế hệ thống thông tin của mình). Mất an toàn thông tin có thể gây ra chiến tranh mạng, ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội. An toàn thông tin là cơ sở để thiết lập an ninh thông tin, theo đó, dự thảo luật được điều chỉnh theo hướng này.
Về vấn đề thông tin riêng và bảo vệ thông tin riêng trên mạng, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hoà Bình) nhắc lại sự việc nữ sinh 15 tuổi do không chịu được áp lực khi các hình ảnh cá nhân riêng tư của em cùng với bạn trai bị lan truyền, phát tán trên mạng nên đã uống thuốc diệt cỏ để quyên sinh. Đau xót hơn là trong suốt khoảng thời gian 3 ngày học sinh đó được cứu chữa tại bệnh viện, trước khi qua đời thì những hình ảnh vẫn tiếp tục bị lan truyền trên mạng, kèm theo những bình luận hết sức ác ý nhưng gia đình em không biết làm gì, cầu cứu ai, cơ quan nào để ngăn chặn hiện tượng này.
Đại biểu Đoàn Nguyễn Thuỳ Trang (TP Hồ Chí Minh) đề cập đến một thực tế, số điện thoại và danh tính của rất nhiều cá nhân đã bị thu thập phán tán trái phép, không ít người đã và đang bị quấy rối bởi những tin nhắn mời mua bất động sản, mua bảo hiểm, trúng thưởng hoặc rao bán sim điện thoại… Rồi tình trạng rao bán thông tin cá nhân một cách công khai trên mạng, thông tin cá nhân bị phát tán trái phép nhưng không biết phán tán từ đâu và làm cách nào để ngăn chặn được tình trạng đó…
Nhiều cô gái đã trở thành nạn nhân của trò trả thù hèn hạ của những đối tượng xấu.
Đại biểu Trang thừa nhận, dự thảo Luật An toàn thông tin mạng lần này đã đặt ra nhiều quy định tương đối đầy đủ nhằm bảo vệ thông tin cá nhân, chẳng hạn như quy định trước khi thu thập thông tin cá nhân phải xin phép ý kiến của người đó, hay luật cấm thu thập, sử dụng phán tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác…
Tuy nhiên để thực thi được lại là một thách thức rất lớn. Về trách nhiệm trong bảo vệ thông tin cá nhân ở Điều 20, theo đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (TP Hà Nội) nếu chỉ quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước không thôi là chưa đủ. “Thực tế hàng ngày mọi người vẫn trao đổi thông tin qua mạng, sử dụng các giao dịch trực tuyến, thương mại điện tử... Khi sử dụng các dịch vụ điện tử người dùng phải kê khai các thông tin cá nhân để cung cấp theo yêu cầu của các nhà mạng, và nếu không được bảo vệ thì các thông tin này có thể bị sử dụng trái phép” – đại biểu dẫn chứng.
Theo Tờ trình dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Dự thảo Luật gồm 11 chương, 11 mục và 68 điều. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, nội dung về tín ngưỡng trong dự thảo luật còn đơn giản, sơ sài, chưa bao quát được đầy đủ hoạt động tín ngưỡng đang diễn ra một cách đa dạng và phức tạp như hiện nay. Lễ hội tín ngưỡng các cấp được tổ chức trên phạm vi cả nước với quy mô, hình thức và nội dung hoạt động đa dạng; quá trình tổ chức lễ hội cũng phát sinh nhiều tiêu cực, gây bức xúc trong dư luận đòi hỏi phải có những quy định pháp lý chuyên biệt để điều chỉnh. Vì vậy, Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung những quy định cụ thể về lĩnh vực này, nhằm bảo đảm hoạt động tín ngưỡng vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh, tinh thần của một bộ phận lớn quần chúng nhân dân, vừa phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời hạn chế các hoạt động tín ngưỡng lạc hậu, thiếu tính nhân văn. |