Thờ Mẫu là tín ngưỡng có từ lâu đời của cư dân bách Việt. Đối tượng thờ phụng gồm những nhân vật nữ có công đức được dân gian sùng bái là Thánh Mẫu - người mẹ của trăm họ như: Mẫu Thoải, Mẫu Âu Cơ, Bà Chúa Thượng Ngàn, Bà Liễu Hạnh, Bà chúa Kho…Tín ngưỡng thờ Mẫu được thực hành ở nhiều địa phương trên cả nước bởi các giá trị nhân văn cao đẹp như giáo dục lòng yêu nước, truyền thống uống nước nhớ nguồn, tinh thần đoàn kết dân tộc, sáng tạo văn hóa dân gian, đề cao vai trò của người phụ nữ Việt Nam... Do đó, đây không chỉ là một di sản cần phải được bảo tồn mà còn là nét văn hóa cần được các thế hệ con cháu Lạc Hồng gìn giữ, phát huy. “Là một trong những ngân hàng thương mại có tốc độ phát triển mạnh mẽ qua từng năm, gặt hái nhiều thành công rực rỡ nhờ chiến lược phát triển toàn diện song hành với mục tiêu phát triển vì lợi ích của cộng đồng, SHB luôn quan tâm và đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội, sự thịnh vượng chung của đất nước; đặc biệt, SHB luôn ủng hộ việc gìn giữ các di sản văn hóa của dân tộc. Đó là lý do SHB đồng hành cùng lễ hội lần này như một cam kết sẽ chung tay bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa mà cha ông để lại”, ông Nguyễn Văn Lê – Tổng Giám đốc SHB chia sẻ.
Một tiết mục nghệ thuật tại Lễ đón bằng UNESCO ghi danh “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt”
Thông qua việc kết hợp một cách nghệ thuật các yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng dân gian trong lên đồng và lễ hội, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được ví như một “bảo tàng sống” lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa của người Việt. Sức mạnh và ý nghĩa của Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ chính là đáp ứng nhu cầu và khát vọng của đời sống thường nhật của con người, cầu tài, cầu lộc, cầu sức khỏe.
Việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là một trong những cơ sở quan trọng để công chúng hiểu đúng và đầy đủ giá trị của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, từ đó khơi dậy lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc và nhân loại, góp phần phát triển văn hóa - xã hội của đất nước.