Tàn đời vì shisha
Công an Hà Nội vừa bắt khẩn cấp và khởi tố đối với Nguyễn Thanh Thủy, 18 tuổi, ở phường Bưởi (quận Tây Hồ, Hà Nội), về hành vi Giết người. Cô gái này là thủ phạm sát hại ông Phạm Ngọc Cường, 54 tuổi, ở phường Ngọc Hà (quận Ba Đình, Hà Nội) - người sống như vợ chồng với bà Kim (mẹ Thủy) nhiều năm nay.Theo lời cô gái, đêm 12/5, Thủy đi làm về nhà mang theo bình hút shisha.
Thời điểm này bà Kim và ông Cường đang ngủ trên tầng 2. Rạng sáng, bà Kim tỉnh giấc thấy Thủy ngồi hút shisha trong phòng ngủ, tưởng cô này sử dụng ma túy nên trách móc. Sau khi can ngăn, bà Kim đập vỡ bình hút. Bị mẹ quát mắng, Thủy định bỏ đi nhưng bị bà Kim và ông Cường can ngăn. Bực tức, Thủy dùng dao nhọn đâm ông Cường 3 nhát, khiến ông Cường trọng thương và tử vong sau đó.
Ảnh minh họa.
Với khuôn mặt điển trai, vóc người cân đối, bệnh nhân Huy tại Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) ngồi thu lu một góc trong phòng cách ly. Thấy có người đến bắt chuyện, Huy kể với giọng lơ lớ rằng mình rất khỏe mạnh nhưng “tự nhiên” bị bố mẹ ép bắt vào đây.
Theo các bác sĩ, cách đây hơn 5 tháng, Huy được đưa vào trong tình trạng hoảng loạn, điên cuồng. Có những lúc, Huy đứng hàng giờ trong nhà vệ sinh và nói những tiếng “xì xà xì xồ” không ai hiểu được. Kết quả kiểm tra cho thấy, Huy dương tính với Amphetamine – một loại ma túy tổng hợp.
Huy, 33 tuổi, là Việt kiều Pháp về Việt Nam sinh sống được hơn 2 năm nay. Khi còn sống ở bên Pháp, Huy đã từng nhiều lần tụ tập cùng bạn bè và sa chân vào sử dụng các loại chất kích thích như bồ đà, shisha. Để giúp con trai thoát hẳn tình trạng này, gia đình đã đưa Huy về Việt Nam để cách ly với đám bạn.
Thế nhưng, “ngựa quen đường cũ”, về Việt Nam, Huy vẫn tiếp tục lén lút mua shisha và bồ đà về để hút. Cũng giống như Huy, Thắm, 26 tuổi cũng luôn miệng nói mình không bị làm sao nhưng bố mẹ cứ bắt vào Trung tâm cai nghiện bằng được, dù kết quả kiểm tra cho thấy Thắm dương tính với Amphetamine.
Thắm tâm sự, cô chỉ hút shisha có vài ba lần dưới sự dẫn dắt của những người bạn “nhí” mới 12 – 13 tuổi đầu. Thắm cho biết: “Mấy đứa dắt em đến phố Phạm Ngũ Lão cho hút thử. Lần đầu hút thì ho sặc sụa nhưng đến lần thứ 2 thì thấy thơm mùi hoa quả nên thích. Mấy đứa nhỏ nhả khói ra quá trời. Ở trong nhóm có lẽ em là người già nhất, còn lại toàn 12 – 13 tuổi”.
Ảnh minh họa.
Và hàng loạt bệnh khác từ shisha
Theo DS Nguyễn Văn Tiến, Viện Dược liệu Việt Nam, thành phần chính của thuốc shisha khi đã thành phẩm bao gồm mật ong và những thảo dược có chất gây nghiện. Khi đưa ra thị trường, thuốc shisha không còn nguyên chất mà được trộn thêm rất nhiều thứ khác để tăng sự hấp dẫn và giảm giá thành.
Những hương liệu rẻ tiền, không rõ nguồn gốc này chứa nhiều nguy cơ gây ngộ độc cấp cho người sử dụng, gây dị ứng và tổn hại đến các tế bào trong cơ thể. Ngoài ra, khi đốt thuốc shisha, thảo dược trong thuốc sẽ cháy sinh khí CO. Hít CO với liều lượng nhiều sẽ gây cảm giác lừ đừ, làm mất sự trao đổi khí ở các phế nang ở phổi dẫn tới suy hô hấp, thậm chí ngất xỉu.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng chỉ ra, hút shisha không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe mà còn có khả năng gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm trong đó có căn bệnh ung thư.
Theo các chuyên gia, việc lạm dụng các chất kích thích, thậm chí là ma túy trong khi hút shisha rất dễ gây nên những hậu quả nguy hiểm tới tính mạng. Nếu sử dụng chất kích thích như rượu rất dễ khiến người hút bị sốc, dẫn tới bị trụy tim, suy hô hấp... nhất là những người đang có thể trạng ốm yếu.
Khi hút shisha mà còn sử dụng cả ma túy thì sẽ dẫn tới việc gây nghiện, từ nghiện nhẹ có thể dẫn tới nghiện nặng, đòi hỏi cơ thể phải sử dụng các loại ma túy tổng hợp gây ảo giác, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ thần kinh, não bộ. Đó là chưa kể shisha kết hợp với chất nhựa trong dụng cụ hút giá rẻ cũng sẽ làm người hút bị ngộ độc nhựa.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và Hội Ung thư Mỹ, trong một lượt hút shisha kéo dài 1 giờ, một người có thể sẽ hít lượng khói vào cơ thể gấp từ 100 - 200 lần so với hút 1 điếu thuốc lá. Lượng khói này tương đương 0,15 - 0,5 lít khói. Đặc biệt, lượng nicotine vào trong cơ thể do hút shisha còn cao hơn thuốc lá đến 75%. Ngoài ra, người hút shisha có nguy cơ mắc bệnh răng miệng và ung thư phổi cao gấp 5 lần người không hút.
Thực tế, để hút khách hàng, một số nơi đã sử dụng “chiêu thức” chế shisha. Họ thường chế thêm vào đó các chất như rượu, ma túy… để tăng thêm độ phê cho người sử dụng.