Là khu vực thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, nên người dân Nam Trung bộ đã có kinh nghiệm chống bão. Ngay từ khi bão mới vào đến biển Đông, rất nhiều người dân ở đây đã cấp tập phòng chống bão với nhiều cách thức khác nhau. Sự bình tĩnh và chủ động là điều đó thể thấy rõ trong thái độ và hành động của mỗi người dân, và chính điều này đã góp phần quan trọng giảm thiểu những thiệt hại mà cơn cuồng phong gây ra.
Ngay giữa lúc bão đang hoành hành, nhiều người bạn từ Quảng Ngãi, Quy Nhơn đã liên tục cập nhật tình hình, gửi về cho chúng tôi nhiều hình ảnh về sức tàn phá của cơn bão. Cây cối đổ ngổn ngang, nhiều bảng hiệu quảng cáo, mái nhà tôn bị gió thổi bay tứ tung, nằm la liệt trên mặt đường, vỉa hè…
Nhưng hầu hết mọi người vẫn bình yên. Đó là điều đáng mừng. Bởi ngay trước khi bão đổ bộ, một kế hoạch di dời hàng trăm ngàn dân ở các vị trí có thể gặp nguy hiểm đã được chính quyền địa phương triển khai một cách dứt khoát. Tinh thần "ưu tiên số 1 là bảo vệ con người" như lời ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đã được hiện thực hóa một cách triệt để.
Trong khi mọi người dân đều ở trong nhà để tránh bão, thì các lực lượng chức năng, lực lượng công an, quân đội luôn trong tình trạng "trực chiến" với tinh thần khẩn trương cao độ. Mọi phương án ứng phó, cứu hộ trong nhiều tình huống đều đã được vạch sẵn. Vì vậy, đã không có những tình huống bị động hay bất ngờ, mặc dù sức gió là cực mạnh kèm với mưa rất to, sức công phá là rất khủng khiếp.
Sở chỉ huy tiền phương đã được thành lập và vận hành dưới sự điều hành trực tiếp của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, với sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và nhiều bộ, ngành liên quan, chính là đầu mối chỉ đạo và kết nối các địa phương nhằm ứng phó thiên tai một cách kịp thời và hiệu quả.
Đích thân Phó Thủ tướng đã xuống các địa bàn, gõ cửa nhà người dân để kiểm tra an toàn trước khi bão đổ bộ; yêu cầu quân đội đưa người dân ở đảo Lý Sơn xuống hầm tránh bão. Nhiều phương tiện kỹ thuật của quân đội cũng đã được huy động để hỗ trợ người dân chống bão...
Mặc dù vậy, đây đó vẫn có tình trạng người dân liều lĩnh ra đường - có thể là vì những công việc cấp bách. Ở TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, nhiều người đi xe máy trên đường, khi bị gió quật ngã đã phải vứt xe giữa đường, vào nhà dân bên đường để lánh nạn. Tại Đà Nẵng, lực lượng chức năng đã phải giăng dây phong tỏa nhiều tuyến đường để ngăn chặn tình trạng người dân ra đường giữa lúc bão đang càn quét qua thành phố này.
Đặc biệt, mặc dù chính quyền địa phương đã yêu cầu các cơ quan, doanh nghiệp, trường học nghỉ làm việc, nghỉ học trong ngày 28/10 để tránh bão, nhưng tại Quảng Nam vẫn có 1 doanh nghiệp yêu cầu người lao động đến làm việc. Chính quyền sở tại đã nhanh chóng vào cuộc và buộc doanh nghiệp cho người lao động về nhà kịp thời trước khi bão đổ bộ vào địa phương này.
Dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn cho biết, sau khi cơn bão đi qua, tình hình thời tiết cực đoan ở khu vực miền Trung vẫn sẽ tiếp diễn, có thể là mưa to đến rất to, là lũ lụt và sạt lở đất, nên các lực lượng chức năng và người dân ở đây vẫn phải tiếp tục căng mình chống chọi với thiên tai. Mong rằng tinh thần bình tĩnh, chủ động của người dân tiếp tục được duy trì, phát huy dưới sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Chính phủ - trực tiếp là Sở chỉ huy tiền phương.
Đối phó siêu bão Molave ở Nam Trung bộ là một bài học về giảm nhẹ thiên tai mà các cơ quan đến mỗi người dân cần "học thuộc" để tăng khả năng thích ứng với tình hình khí hậu cực đoan đang ngày một trầm trọng hơn.