Theo dự thảo, “Ngân sách nhà nước hỗ trợ chi phí phụng dưỡng cho cặp vợ chồng người cao tuổi chỉ có con gái mà không có chế độ bảo hiểm xã hội. Chính phủ quy định đối tượng, mức hỗ trợ chi phí phụng dưỡng cho cặp vợ chồng người cao tuổi chỉ có con gái mà không có chế độ bảo hiểm xã hội”.
Ông Dương Quốc Trọng, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho rằng, đề xuất hỗ trợ tiền cho gia đình sinh con một bề là khuyến khích, động viên, tuyên truyền.“Tôi nhận thấy, việc hỗ trợ về kinh tế là hết sức quan trọng. Điều này có tác dụng tuyên truyền, lan tỏa rất lớn và đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng, nhà nước đối với các gia đình sinh con một bề là nữ. Điều đó giá trị hơn tiền rất nhiều và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc”.
Đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng, dự thảo quy định trên nhằm hướng đến mục đích tích cực là giảm mất cân bằng giới tính khi sinh. Tuy nhiên, cần có cách tiếp cận phù hợp từng vùng miền, từng thời điểm trên cơ sở có đánh giá cơ bản về hiệu quả của chính sách. Các cặp Vợ chồng cao tuổi có con gái một bề được trợ cấp hay các cặp Vợ chồng khi sinh con gái được cho tiền có thể họ vẫn nhận nhưng thực sự trong ý thức của họ vẫn “khát” con trai. Có thể với các Vợ chồng trẻ, sau khi nhận tiền rồi, vài năm sau họ vẫn cố đẻ thêm con trai. Bởi vậy, giảm mất cân bằng giới tính vẫn phải là thay đổi được tư duy, làm sao để mỗi người đều thấy rằng, việc nuôi dạy con cái trưởng thành, khỏe mạnh, đạo đức tốt mới là cốt lõi, chứ không phải chỉ con trai mới có thể chăm sóc, hay thờ phụng. Với xã hội ngày càng phát triển, con gái và con trai hoàn toàn bình đẳng và có khả năng chăm sóc bố mẹ như nhau
Thưởng tiền cho gia đình sinh con gái: Liệu có khả thi?
Trong khi đó, GS.TS. Nguyễn Đình Cử, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em khẳng định, ông không đồng tình với đề xuất hỗ trợ tiền cho gia đình sinh con một bề, toàn là gái. “Tôi không đồng tình với việc này bởi nó càng khoét sâu thêm sự mất cân bằng giới, thậm chí có thể gia đình sinh toàn con trai sẽ không vui vì bị phân biệt về chế độ chính sách. Còn gia đình sinh con gái cũng chưa chắc đã mong muốn được hỗ trợ như vậy”.
Theo ông Cử, Bộ Y tế nên cẩn trọng trước một chính sách đưa ra mà liên quan đến tâm tư, tình cảm của hàng triệu gia đình và tiêu tốn kinh phí lớn và nên nghiên cứu kỹ bài học kinh nghiệm của Trung Quốc bởi Trung Quốc đã thưởng tiền cho các gia đình sinh con gái, cấp 600 nhân dân tệ/tháng cho cha mẹ lúc về già khi có hai con gái nhưng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn tăng không ngừng. Thưởng tiền, dù nhiều hay ít, cũng sẽ không thể ngăn được “cơn khát” con trai đã ăn sâu trong nếp nghĩ của người dân.
Theo ông Cử, đề xuất thưởng tiền cho gia đình sinh con một bề rất dễ bị “hớ” với những trường hợp người dân đã nhận tiền nhưng vẫn sinh thêm con. Khi ấy có đòi lại tiền không? Có khi lại là chủ đề để dư luận phê phán chính sách thưởng tiền của Nhà nước.