Vết thương do kiến ba khoang gây ra cho sinh viên tại KTX ĐHQG - Ảnh: Vũ Phượng.
Do đặc tính của kiến ba khoang là ưa ánh sáng đèn nên nhiều sinh viên không dám mở cửa phòng sau 18 giờ hay thậm chí không dám mở đèn sau 22 giờ.
Nỗi ám ảnh của sinh viên KTX
Theo nhiều sinh viên, năm nay kiến lại xuất hiện nhiều bất thường. Do môi trường xung quanh có nhiều bãi cỏ, nhiều khoảng trống trong khuôn viên nên kiến ba khoang sinh sôi và phát triển rất nhanh. Cũng vì vậy mà những phòng nằm ngay khu vực đón gió chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Là một trong những nạn nhân, sinh viên Nguyễn Hoàng Thanh Phúc (năm 3, trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn ) sống tại nhà BA5 rùng mình kể: “Mỗi lần bôi thuốc là một cực hình, rất đau và rát. Mặc dù ngủ có mắc mùng nhưng vẫn bị nguyên cả cánh tay. Giờ tay không gập cũng không duỗi thẳng được”.
Nguyễn Hoàng Thanh Phúc cũng cho biết thêm hiện tại phòng của Phúc ở có thêm 2 sinh viên khác cũng bị, nên cả phòng đều bị ám ảnh và không dám mở cửa vào buổi tối.
Sinh viên liên tục than thở trên nhóm dành cho những sinh viên ở KTX ĐHQG - Ảnh chụp màn hình
Sinh viên Lê Tâm (trường Đại học Kinh tế - Luật) cho biết: “Sinh viên đang chết dần vì đau đớn, xấu hổ và mình là một đứa con gái không dám soi gương ngày nay vì “đặc sản” ĐHQG ban tặng, ơn trời mình vẫn chưa bị mù”.
Nhiều sinh viên nữ còn đau đớn hơn vì lo lắng những hệ quả do kiến ba khoang để lại - Ảnh chụp màn hình.
Những dòng chia sẻ của Lê Tâm nhanh chóng nhận được sự đồng cảm của đông đảo sinh viên khác trong KTX và cũng nhận được nhiều lời khuyên của những bạn đã từng “có kinh nghiệm” bị kiến ba khoang cắn.
Kiến ba khoang nhiều đột biến
Trước tình hình kiến ba khoang ồ ạt tấn công sinh viên, trao đổi với Thanh Niên Online vào sáng 29.9, bà Nguyễn Thị Trọng, Trưởng Trạm y tế, KTX ĐHQG cho biết: “Kiến ba khoang là dịch thường niên, tuy nhiên trong 2 tuần gần đây thì xuất hiện nhiều đột biến. Vì ban ngày các em đi học nên Trạm Y tế làm việc cả buổi tối để các em có thể ghé lấy thuốc bất kỳ lúc nào. Từ đầu tháng 9 đến 28.9, Trạm Y tế đã thăm khám và phát thuốc điều trị cho 130 ca tại khu A, 265 ca tại khu B. Đồng thời cũng ghi nhận tổng số phòng xuất hiện kiến ba khoang tại 2 khu A và B lần lượt là 150 và 480”.
Sinh viên Nguyễn Văn Thu (trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn ) bị kiến ba khoang cắn gần hết lưng - Ảnh nhân vật cung cấp.
Sáng cùng ngày, bà Phùng Thị Hương Lan, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý ĐHQG cũng cung cấp thêm thông tin, trong sáng 29/9, Trung tâm Y tế KTX đã phối hợp với Khoa chống dịch của Trung tâm Y tế dự phòng Q.Thủ Đức đi khảo sát tình hình để tìm ra biện pháp xử lý và ngăn ngừa.
Bà Lan cũng cho biết thêm trong ngày hôm qua (28/9), Ban quản lý KTX đã đăng tải video về các biện pháp phòng tránh kiến ba khoang cho sinh viên ở KTX lên các trang thông tin của KTX. Đồng thời, mỗi ngày trưởng nhà đều đi kiểm tra và thăm hỏi tình hình tại từng phòng và lên danh sách những sinh viên bị kiến ba khoang tấn công để có biện pháp điều trị kịp thời cho sinh viên yên tâm học hành.
Trước đó, ngày 24/9, Thanh Niên Online có đưa tin về nhiều cư dân sống tại chung cư Era Town (quận 7, TP. Hồ Chí Minh) phải tìm đến bác sĩ da liễu để điều trị vết thương do kiến ba khoang cắn. Ngày 29/9, các cư dân tại chung cư Era Town, tiếp tục phản ánh kiến ba khoang đã xuất hiện tại khu vực này nhiều hơn. Nhiều người dân, nhất là những hộ có con nhỏ, cũng rất khổ sở đối phó với những vết thương do kiến ba khoang gây ra. Tuy nhiên, cùng ngày, ông Lê Hồng Thanh, Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ Era Town nói, Ban quản lý chung cư đã đưa ra thông báo là sẽ hỗ trợ phun thuốc trị kiến ba khoang cho 10 hộ/tuần, nhưng từ khi báo đưa tin đến nay vẫn chưa nhận được thêm phản ánh nào của cư dân (?!). |
Một bác sĩ làm việc tại Bệnh viện da liễu TP.Hồ Chí Minh cho biết hiện nay đang là thời điểm cao trào của dịch kiến ba khoang. Thời gian này, bệnh viện liên tục tiếp nhận các trường hợp viêm da do tiếp xúc với kiến ba khoang. Vết thương do kiến ba khoang gây ra không quá nguy hiểm nếu xử lý và điều trị đúng cách. Khi phát hiện vết thương do loại kiến này gây ra, cần phải rửa sạch ngay với nước và tránh để những bộ phận khác trên cơ thể tiếp xúc với bề mặt vết thương. Ngay sau đó đến thăm khám ở các cơ sở y tế để được hỗ trợ kịp thời. Thực chất vết thương không phải do kiến ba khoang cắn mà do dịch của nó gây ra nên rất dễ lây lan sang những vùng khác. Nhiều người hay nhầm lẫn giữa vết thương do kiến ba khoang gây ra với zona. Cách phân biệt 2 loại này như sau: nếu bị zona thì tại vị trí vết thương mụn nước sẽ mọc thành chùm ở 1 bên cơ thể. Còn vết thương do kiến ba khoang cắn thường nổi hồng, rát, mưng mủ và không mọc thành chùm. |