Theo TTXVN, số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 28/2 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 435.759.121 ca, trong đó có 5.968.124 người tử vong.
Biến thể mới đang khiến đồ thị dịch COVID-19 đảo chiều. Dù vậy, sau hơn 2 năm ứng phó, nhiều nước đang chủ động thích ứng tốt với làn sóng dịch mới này và từng bước trở lại cuộc sống trước đại dịch.
Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh bắt đầu giảm trên phạm vi toàn cầu, những vùng bệnh “nóng nhất” nằm ở châu Âu-châu Mỹ khi dịch tái bùng phát, số ca mắc mới vẫn cao ở nhiều nước thuộc châu lục này. Song ngày càng nhiều nước thông báo sẽ nới lỏng các biến pháp phòng dịch nghiêm ngặt.
Trong 1 ngày qua, Hàn Quốc là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 168.000 ca), trong khi Nga là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với xấp xỉ 800 ca.
Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 365 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 63 triệu ca và trên 75.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 27/2, thế giới có 91 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 71 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.
Tại châu Mỹ, Cuba đánh dấu ngày thứ 3 liên tiếp không có ca tử vong, giữ tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại nước này ở mức 8.494 ca. Cuba cũng ghi nhận thêm 609 ca mắc mới trong 24 giờ qua, giảm nhẹ so với ngày trước đó, nâng tổng số ca mắc lên là 1.068.757 ca. Hiện Cuba còn 2.586 ca chưa khỏi và con số này vẫn đang tiếp tục giảm.
Đến nay, 9,8 triệu người trong tổng số 11,2 triệu dân nước này đã được tiêm phòng đủ các mũi cơ bản, trong đó có 5,9 triệu người đã được tiêm mũi tăng cường, sử dụng các vaccine nội địa Abdala, Soberana-02 và Soberana Plus.
VTV cũng đưa tin, Singapore đã báo cáo 14.228 trường hợp COVID-19 mới được xác nhận vào ngày 27/2, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên gần 700.000. Trong số các trường hợp mắc mới, 2.364 người được phát hiện thông qua xét nghiệm PCR (phản ứng chuỗi polymerase) và 11.864 qua xét nghiệm ART (xét nghiệm nhanh kháng nguyên), theo thống kê của Bộ Y tế Singapore. Tổng số 1.553 ca bệnh hiện đang được điều trị tại bệnh viện, với 46 bệnh nhân ở khoa hồi sức tích cực.
Ngày 27/2, 8 người tử vong do COVID-19 đã được báo cáo tại quốc gia Đông Nam Á này, nâng số bệnh nhân qua đời lên 999 người.
Cùng ngày, Indonesia đã xác nhận 34.976 trường hợp COVID-19 mớ, nâng tổng số lên trên 5,53 ca. Số người tử vong vì COVID-19 đã tăng 229 ca trong ngày 27/2, tổng cộng 148.073 người đã thiệt mạng vì virus SARS-COV-2 tại nước này. Trong khi đó, thêm 39.384 người được báo cáo đã hồi phục sau đại dịch trong 24 giờ qua, nâng tổng số bệnh nhân được cứu chữa lên 4.817.423 người ở quốc gia Đông Nam Á này.
Chính phủ Indonesia đang đẩy nhanh các chương trình tiêm chủng quốc gia để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Hơn 190,67 triệu người trên cả nước đã được tiêm liều vaccine đầu tiên, trong khi hơn 143,77 triệu người đã tiêm mũi thứ hai. Indonesia bắt đầu tiêm chủng hàng loạt vaccine ngừa COVID-19 vào tháng 1/2021 sau khi các nhà chức trách nước này phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine Sinovac của Trung Quốc.
Cơ quan y tế của Nhật Bản cho biết đã có đầy đủ dữ liệu về hiệu quả và tính an toàn của vaccine ngừa COVID-19 đối với trẻ em từ 5 - 11 tuổi. Nước này đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine cho trẻ em ở lứa tuổi này. Những trẻ em có bệnh lý nền như béo phì hay tim mạch được khuyến khích cần sớm tiêm phòng để ngăn chặn tình trạng chuyển biến nặng trong trường hợp mắc COVID-19.
Từ ngày 26/2, Nhật Bản đã bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi, vaccine được sử dụng là vaccine Pfizer, mỗi người sẽ tiêm 2 mũi cách nhau 3 tuần. Để tránh nhầm lần, các lọ vaccine tiêm cho trẻ trong lứa tuổi này sẽ có nắp màu cam, phân biệt với lọ có nắp màu tím tiêm cho người từ 12 tuổi trở lên. Đối với trẻ em lứa tuổi này, các chuyên gia y tế cho rằng, nếu bị các bệnh lý nền như béo phì, hen suyễn hay tim mạch thì càng nên tiêm sớm, tránh tình trạng bệnh chuyển biến nặng trong trường hợp mắc COVID-19.
Làn sóng dịch COVID-19 thứ 5 tại đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) đang rất nghiêm trọng. Ngày 27/2, hòn đảo này ghi nhận 26.026 ca nhiễm COVID-19 mới, mức cao chưa từng thấy từ khi dịch bùng phát, và 83 người tử vong. Trước đó, ngày 26/2, Hong Kong báo cáo 17.063 ca mắc mới. Cục trưởng Cục Thực phẩm và Y tế Trần Triệu Thủy cho biết, dịch bệnh vẫn chưa lên đỉnh điểm, quy mô của làn sóng lần này là "chưa từng có" và cảnh báo, số ca nhiễm sẽ tăng theo cấp số nhân trong thời gian tới.
Số ca mắc tăng nhanh do biến thể Omicron đã gây sức ép lên các cơ sở y tế và cần đến sự trợ giúp từ Trung Quốc đại lục. Nhà chức trách Hong Kong đã kêu gọi người dân hạn chế ra đường, không tụ tập đông người để giảm lây lan. Trước đó, đặc khu hành chính này đã siết chặt các biện pháp kiểm soát như phát hành giấy thông hành vaccine, yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi tập thể dục ngoài trời, không được bỏ khẩu trang để ăn uống trên các phương tiện giao thông công cộng.
Do nguy cơ lây nhiễm cao ở Hong Kong, chính quyền đặc khu đã cho phép những người xét nghiệm nhanh dương tính với virus SARS-CoV-2 đưa kết quả lên hệ thống trực tuyến mà không cần xác nhận bằng xét nghiệm PCR. Ngoài ra, nhà chức trách cũng cho phép sử dụng kết quả xét nghiệm nhanh để rút ngắn thời gian cách ly đối với những người tiếp xúc gần với người mắc COVID-19. Cụ thể, người đã tiêm ít nhất 2 mũi vaccine, có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính vào ngày thứ 6 và thứ 7 liên tục có thể được rời khỏi cơ sở cách ly.
Theo ông Khổng Phồn Nghị, thành viên của Ủy ban chuyên gia về vaccine ngừa COVID-19 của Hong Kong, làn sóng dịch bệnh thứ 5 có thể đạt đỉnh vào đầu hoặc giữa tháng 3, với số ca nhiễm khoảng 20.000 - 30.000 ca/ngày. Ông cho biết, 90% số ca tử vong hiện nay là người chưa tiêm vaccine, đặc biệt là người cao tuổi, đồng thời nhấn mạnh, chìa khóa để chống virus là tiêm vaccine mũi thứ 3 để tạo ra nhiều kháng thể hơn và giảm nguy cơ bệnh chuyển nặng.
Trong khi dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron, còn gọi là "Omicron tàng hình", tiếp tục lây lan nhanh tại nhiều nước, các nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu nhiều hơn về dòng phụ này và mối liên hệ với dòng chính (đầu tiên) BA.1. Mới đây, chuyên trang khoa học Nature.com dẫn một nghiên cứu cho rằng, việc nhiễm biến thể Omicron dòng chính BA.1 sẽ cung cấp miễn dịch trước dòng phụ BA.2.
Theo nghiên cứu này, khi đã nhiễm dòng BA.1 của biến thể Omicron, khả năng miễn nhiễm trước dòng phụ BA.2 của biến thể này cũng rất cao. Dòng phụ BA.2 đang ngày càng lây lan rộng. Các kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, BA.2 khó có thể gây ra một làn sóng dịch bệnh lớn trong những cộng đồng cư dân đã trải qua làn sóng dịch do dòng BA.1 gây ra. Nghiên cứu được đăng trên medRxiv và chưa qua đánh giá chéo.
Kể từ khi biến thể Omicron được phát hiện từ tháng 11/2021, dòng BA.1 đã nhanh chóng trở thành biến thể gây bệnh chủ đạo ở hầu hết các khu vực trên thế giới. Tuy nhiên, trong vài tuần trở lại đây, số lượng các ca mắc mới do nhiễm dòng phụ BA.2 bắt đầu tăng. Cả hai dòng này đều được cho là đã hình thành từ khoảng 1 năm trước, tức là vài tháng trước khi được các nhà khoa học phát hiện ra.
Do hai dòng này có những khác biệt gene đáng kể nên các nhà khoa học bắt đầu nghiên cứu liệu việc nhiễm BA.1 có giúp tăng khả năng miễn dịch trước BA.2 hay không. Hồi đầu tháng 2 này, các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện ra BA.2 lây lan nhanh hơn BA.1 và nghiên cứu ở chuột cho thấy, dòng này có thể gây bệnh nặng hơn BA.1, làm dấy lên lo ngại về làn sóng dịch bệnh tiếp theo.