Trong 24 giờ qua, nước Anh cũng phải đối mặt với sự gia tăng nhanh chóng của số ca nhiễm bệnh và tử vong do Covid-19. Tính đến ngày 29.3, nước Anh ghi nhận 19.522 ca nhiễm Covid-19, với 1.228 ca tử vong và 135 ca hồi phục. Chiều 29/3, Bộ trưởng Nhà ở, Cộng đồng và Chính quyền địa phương của Anh Robert Jenrick tuyên bố toàn bộ nước Anh hiện đặt trong tình trạng khẩn cấp, một điều chưa có tiền lệ trong thời bình.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Jenrick cho biết để chiến đấu chống lại dịch Covid-19, các trung tâm điều phối chiến lược đã được thành lập trên khắp cả nước và chính phủ Anh sẽ không dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội được áp đặt hiện nay trong vài tuần tới.
Phó giám đốc y tế của Anh, Tiến sĩ Jenny Harries, cảnh báo nguy cơ nước Anh sẽ đối mặt với làn sóng đỉnh dịch Covid-19 lần thứ hai nếu như những biện pháp phong tỏa được dỡ bỏ sớm. Việc phong tỏa ở Anh là biện pháp để cố gắng làm chậm sự lây lan của virus Sars-CoV-2 và người dân nước này có thể sẽ phải thực hiện lệnh phong tỏa kéo dài tới 6 tháng.
Bà Harries, cho biết trong cuộc họp báo hàng ngày của Downing Street vào Chủ nhật rằng hiệu quả của các hạn chế hiện tại sẽ được xem xét lại sau mỗi 3 tuần. "Nếu chúng ta thành công, chúng ta sẽ hạ thấp đỉnh dịch, điều đó thật tuyệt vời, nhưng chúng ta không được ngay lập tức trở lại với cách sống bình thường của mình. Điều đó sẽ khá nguy hiểm. Nếu chúng ta dừng lại, thì tất cả những nỗ lực của chúng ta sẽ bị lãng phí và chúng ta có thể thấy một đỉnh thứ hai", bà nói.
Công chúng đã được yêu cầu dừng tất cả các chuyến du lịch không cần thiết, làm việc tại nhà nếu có thể và hạn chế tập thể dục ngoài trời.
Tại Anh, Phó giám đốc Cơ quan Y tế cộng đồng Jenny Harries cho rằng một số hình thức giới hạn đi lại có thể phải kéo dài đến 6 tháng hoặc hơn, đồng thời cảnh báo Anh sẽ hứng đợt dịch quay lại nếu dỡ bỏ sớm.
Theo số liệu cập nhật trên trang Worldometers, tính tới ngày 29 tháng 3, tổng cộng có 721.277 ca mắc Covid-19 được ghi nhận trên toàn cầu, số ca tử vong là 33.942. Hiện tại, Mỹ là quốc gia đứng đầu thế giới về số ca nhiễm với hơn 141.781 trường hợp, trong khi Italy là nước có số ca tử vong cao nhất - 10.779 ca.
Theo Worldometer/TheGuardian/Reuters