Hội thảo “Tham vấn đánh giá thực trạng và kế hoạch xây dựng hệ thống quản lý và giám sát thông tin nạn nhân bom mìn” do Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với Tổ chức Trung tâm Quốc tế của Hoa Kỳ (IC), diễn ra tại Hải Phòng ngày 5/8.
Xây dựng cơ sở dữ liệu sống động, cập nhật liên tục
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho biết, trong những năm qua, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã nỗ lực giải quyết hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam. Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho công cuộc này, từ việc mỗi năm dành hàng nghìn tỉ đồng đến phê duyệt chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.
Tại hội thảo, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong nước và quốc tế, sự có mặt của lãnh đạo các Sở đại diện cho các vùng miền trên toàn quốc đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong việc hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn và trợ giúp nạn nhân bom mìn của Việt Nam. Đại diện các Sở đã phản ánh rõ nét tình hình này ở địa phương của mình, đem đến các kiến nghị cụ thể về nhu cầu hỗ trợ cho nhóm trợ giúp này…
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm phát biểu khai mạc Hội thảo
Vừa qua, Tổ chức IC và Cục Bảo trợ xã hội đã ký thỏa thuận hợp tác thực hiện dự án xây dựng hệ thống quản lý thông tin người khuyết tật (NKT) và nạn nhân bom mìn. Báo cáo đánh giá nhanh thực trạng quản lý thông tin NKT bằng phần mềm tại tỉnh Khánh Hòa và Thái Bình, nhóm đánh giá cho biết, việc “số hóa” quản lý này rất tiện dụng, dễ chiết xuất được số liệu mọi lúc mọi nơi, tìm kiếm đối tượng theo mong muốn dễ dàng, nhanh gọn, giảm chi phí quản lý, theo dõi các biến động của đối tượng quản lý. Thêm vào đó phần mềm cũng đã cung cấp thông tin về NKT một cách chi tiết hơn.
Để hệ thống thông tin về NKT, nạn nhân bom mìn tại Việt Nam phát triển, hoàn thiện, đáp ứng được nhu cầu quản lý, các chuyên gia đề xuất công cụ thu thập thông tin phải bao quát được toàn diện các nội dung nhưng cần đơn giản hóa, các mẫu biểu không quá phức tạp, hạn chế tối đa các câu hỏi mở mà nên dùng các câu hỏi có phương án lựa chọn sẵn. Công cụ sau đó nên được thử nghiệm cẩn thận; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cao cấp trong lĩnh vực chuyên môn sâu về kiến thức và kỹ năng làm việc với NKT cũng như những kiến thức về điều tra khảo sát.
Lắng nghe các báo cáo đánh giá, Cục trưởng Nguyễn Trọng Hồi cho rằng, trong tương lai, việc nhập dữ liệu này cần phải mở rộng diện khai, đối tượng kê khai thông tin hơn nữa. “Bản thân số liệu phải sống động, cập nhật liên tục. Trên cơ sở đó, giúp các đối tượng thụ hưởng, cũng như điều chỉnh các chính sách an sinh xã hội một cách tốt nhất”, ông Hồi nhấn mạnh.
Các chuyên gia tham vấn tại Hội thảo
Thông tin toàn diện, nhưng cần đơn giản hóa
Chia sẻ kết quả đạt được giai đoạn 2010- 2015, Cục phó Cục Bảo trợ xã hội Tô Đức cho biết, giai đoạn này chúng ta đã phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và phục hồi chức năng cho nạn nhân bom mìn. Cụ thể, phối hợp với Bộ Tài Chính hỗ trợ trên 30 tỉnh, thành phố xây dựng mô hình trung tâm công tác xã hội, nâng tổng số cơ sở có liên quan đến cung cấp dịch vụ công tác xã hội, nâng tổng số cơ sở có liên quan đến cung cấp dịch vụ xã hội là 432 cơ sở.
Đến nay, rất nhiều mô hình trung tâm Công tác xã hội đã vận hành rất hiệu quả như Trung tâm công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bến Tre, Long An, Thanh Hóa, TP Hồ Chí Minh… Các Trung tâm này cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho hàng ngàn lượt đối tượng, trong đó có nạn nhân bom mìn.
Để quản lý tốt hơn nữa, các ý kiến cũng đều thống nhất rằng, việc quản lý thông tin cần quy về một cơ quan đầu mối để đảm bảo tính thống nhất, Bộ LĐ-TB&XH nên là cơ quan chủ trì việc quản lý, điều phối và triển khai công tác thu thập thông tin về NKT. Nghiên cứu, khuyến nghị cần có một hệ thống phần mềm thông tin chuyên nghiệp và chia sẻ với các Bộ,ban, ngành để việc tiếp cận và trích xuất được dễ dàng nhưng vẫ đảm bảo tính chính xác và khoa học. Như vậy việc sử dụng thông tin sẽ đa dạng hơn cũng như mang lại nhiều hiệu quả hơn.
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng đánh giá cao các ý kiến đóng góp. Thứ trưởng cho rằng, nhiệm vụ đặt ra thời gian tới là phải hiện đại hóa hệ thống quản lý, để trở thành công cụ hữu hiệu giúp quản lý, cập nhật các thông tin về nạn nhân bom mìn trên toàn quốc một cách đầy đủ, kịp thời, có cơ sở, để căn cứ vào đó mở rộng chính sách, đánh giá tác động của chính sách.
Cùng với đó, để đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, cần sự chung tay góp sức của các bộ, ngành, cả cộng đồng xã hội, cũng như sự giúp đỡ, tài trợ của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ trong việc tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông về hậu quả của bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm trao đổi với các chuyên gia, tổ chức quốc tế tại Hội thảo
Việt Nam là một trong những quốc gia bị ô nhiễm bom mìn và chịu hậu quả nặng nề nhất trên thế giới. Theo ước tính, bom đạn còn sót lại sau chiến tranh khoảng 800 nghìn tấn; làm ô nhiễm trên 20% diện tích đất đai toàn quốc. Từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót đã làm hơn 40 nghìn người bị chết, 60 nghìn người bị thương, trong đó phần lớn là người lao động chính trong gia đình và trẻ em. Chỉ tính riêng một số tỉnh miền trung, gồm Quảng Bình, BÌnh ĐỊnh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Ngãi, đã có trên 22.800 nạn nhân do bom mìn, trong đó 10.540 người chết và 12.260 người bị thương. |