Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, lộ trình "siết" tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản bắt đầu từ năm 2019 với việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn dùng cho vay trung, dài hạn từ 45% xuống 40%; tăng hệ số rủi ro từ 150% lên 200%. Những năm tiếp theo, theo lộ trình dự kiến, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn sẽ tiếp tục giảm còn 35% vào năm 2020 và 30% ở năm kế tiếp, đồng thời nâng hệ số rủi ro của ngành này lên 250 - 300%.
Ảnh minh họa.
Quy định này được đưa ra nhằm hạn chế tín dụng vốn đã và đang chảy mạnh vào lĩnh vực bất động sản trong các năm vừa qua.
Tuy nhiên, dù các ngân hàng thương mại đã áp dụng giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn dùng cho vay trung, dài hạn từ 45% xuống 40% ngay từ đầu năm 2019, nhưng tín dụng chảy vào bất động sản vẫn ở mức cao.
Với thực tế đó, nhiều chuyên gia cho rằng, các ngân hàng cần phân định loại hình cho vay bất động sản để quy định hệ số rủi ro phù hợp. Trong trường hợp tín dụng bất động sản có quy mô tiếp tục tăng thì những biện pháp mà Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện vẫn là chưa đủ mạnh và rủi ro của việc tín dụng đổ quá nhiều vào bất động sản vẫn còn.
Trước quan ngại vốn tín dụng đang chảy mạnh vào bất động sản sẽ tạo rủi ro cho nền kinh tế, mới đây Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng điều chỉnh cơ cấu cho vay bất động sản. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đã được kiểm soát theo hướng giảm dần tỷ trọng cấp tín dụng kinh doanh bất động sản, tăng dần tỷ trọng tiêu dùng bất động sản, hướng nguồn vốn đến phân khúc nhà ở đáp ứng nhu cầu thực của người dân.
KHÁNH VÂN