Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Số vụ ngược đãi trẻ em có xu hướng gia tăng tại Nhật Bản

Kết quả cuộc khảo sát do Kyodo thực hiện cho biết trong 10 năm qua có tới 120 vụ bạo hành và ngược đãi trẻ em tại các nhà trẻ và trường mẫu giáo được báo cáo lên 37 chính quyền địa phương Nhật Bản.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Nippon)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Nippon)

Có tổng cộng 120 vụ bạo hành và ngược đãi trẻ em tại các nhà trẻ và trường mẫu giáo được báo cáo lên 37 chính quyền địa phương của Nhật Bản trong vòng 10 năm qua.

Kết quả cuộc khảo sát do hãng tin Kyodo thực hiện và công bố ngày 5/2 cho thấy số vụ bạo hành trẻ em đang có xu hướng tăng và cần có quy định hành chính để ngăn chặn tình trạng này.

Cuộc khảo sát được thực hiện với 95 chính quyền tỉnh và thành phố trên khắp Nhập Bản sau khi xảy ra một loạt vụ ngược đãi trẻ em.

Tháng 12 năm ngoái, 3 giáo viên nữ tại một nhà trẻ ở tỉnh Shizuoka đã bị bắt với cáo buộc liên tục có hành vi ngược đãi trẻ em.

Trong vụ việc nghiêm trọng này, các giáo viên trên bị cáo buộc đánh đập trẻ nhỏ, thậm chí treo ngược các em lên.

Một giáo viên đã viện dẫn rằng khối lượng công việc gia tăng trong giai đoạn đại dịch dẫn đến hành vi không đúng đắn.

Trong khi đó, chính quyền tỉnh bị chỉ trích vì đã không công khai về vụ việc này trong khoảng 3 tháng.

Theo kết quả khảo sát, trong 10 năm qua, 64 chính quyền địa phương đã tiến hành tổng cộng 301 đợt kiểm tra đặc biệt, bao gồm việc tới kiểm tra và nghe điều trần của nhân viên các cơ sở giáo dục trong các trường hợp có nguy cơ đặc biệt đối với tính mạng, sức khỏe và tinh thần của trẻ.

Số các cuộc kiểm tra tăng từ 8 cuộc trong tài khóa 2013 lên 52 cuộc trong tài khóa 2021, số quy định hành chính cũng tăng từ 2 lên 27 vụ trong cùng thời gian này.

Trong số 120 vụ thực hiện xử phạt hành chính các cơ sở chăm sóc trẻ, 63 vụ không được công bố với những lý do như mức độ ngược đãi là không đáng kể hoặc hành vi đã có cải thiện sau khi bị nhắc nhở hành chính. Có 1 cơ sở chăm sóc trẻ bị đình chỉ hoạt động, 1 cơ sở bị rút giấy phép hành nghề.

Cuộc khảo sát được tiến hành từ tháng 12/2022 đến tháng 1/2023, có 95 chính quyền địa phương tham gia trả lời, trong đó có 47 chính quyền tỉnh hoặc thành phố lớn có thẩm quyền điều tra các nhà trẻ, cơ sở chăm sóc trẻ có chứng nhận và trường mẫu giáo.

Gần 70% các vụ ngược đãi được phát hiện nhờ được cung cấp thông tin, bao gồm cả những lời đồn đại.

Bình luận về kết quả khảo sát, Phó Giáo sư xã hội học Haruka Shibata thuộc Đại học Kyoto cho biết: “Lý do chính dẫn đến tình trạng ngược đãi trẻ là việc giáo viên hành xử không đúng mực và tỷ lệ không phù hợp giữa số trẻ và số người trông trẻ. Cần phải cải thiện hai yếu tố này.”

Các chuyên gia khác thì cho rằng nên công bố nội dung các cuộc kiểm tra và biện pháp hành chính mà chính quyền địa phương đã thực hiện với các cơ sở chăm sóc trẻ, qua đó giúp phụ huynh có căn cứ tham khảo khi lựa chọn cơ sở để gửi con em mình.