Sinh ra và lớn lên ở xứ Bạc Liêu vốn được coi là quê hương của nghệ thuật đờn ca tài tử, nơi từng sản sinh ra những nghệ nhân, nghệ sĩ tài danh nức tiếng, đã cho ra đời những bản đờn, những bài ca bất hủ, ngay từ thời thơ ấu soạn giả Yên Lang đã đam mê loại hình nghệ thuật này, rồi nặng nợ với nó như một định mệnh. Đam mê và dấn thân, năm 1955, khi mới tròn 15 tuổi ông đã lặn lội từ xứ Bạc Liêu lên chốn đô hội phồn hoa Sài thành để “tầm sư học đạo” và khởi nghiệp.
Với những cống hiến to lớn cho nghệ thuật đờn ca tài tử nói chung và nghệ thuật cải lương nói riêng, năm 2013 soạn giả Yên Lang đã được Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Bạc Liêu tổ chức đêm giao lưu tôn vinh tên tuổi ông
Những năm theo học tại Trường Trung học Tân Thịnh, Sài Gòn, ông rất mê thơ, đã từng sáng tác thơ và nuôi mộng làm thi sĩ. Nhưng, nghe theo sự khuyến khích hướng nghiệp của ký giả Phong Vân và nhà thơ Hoài Ngọc, ông đã thử dấn thân vào lĩnh vực sáng tác vọng cổ và kịch bản cải lương. Không ngờ sự thử nghiệm ấy, đã trở thành ngã rẽ định mệnh của đời ông trong sự nghiệp sáng tác kịch bản cho sân khấn cải lương. Năm 1963, tên tuổi ông bắt đầu nổi lên với những vỡ cải lương mang màu sắc kiếm hiệp kỳ tình, hấp dẫn chiếm được cảm tình của đông đảo công chúng yêu cải lương thời đó. Ông trở thành một trong những soạn giả đã có công đưa thể loại cải lương này lên đỉnh cao, tạo cơ hội và đất diễn cho nhiều nghệ sĩ thành danh.
Soan giả Yên Lang nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của công chúng yêu đờn ca tài tử và sân khấu cải lương trong đêm tôn vinh tên tuổi ông
Với phong cách, bút pháp vừa tự sự trữ tình, lãng mạn đầy chất thơ trong lời ca, vừa đầy trăn trở, sâu sắc trong lời thoại, những vở cải lương do ông viết kịch bản đã thực sự cuốn hút người hâm mộ một cách đầy ám ảnh, ấn tượng khó phai mờ. Những kịch bản cải lương của ông đã phản ánh thật sâu sắc, sống động về đời sống xã hội Sài Gòn nói riêng và Nam bộ nói chung trong những thập niên 60 -70 của thế kỷ trước.
Soạn giả Yên Lang trong một cuộc gặp gỡ với soan giả Viễn Châu (một trong những cây đại thụ của đờn ca tài tử và cải lương Nam bộ)
Vở cải lương Đêm lạnh sân chùa hoang với những lời thoại đầy chất thơ qua diễn xuất của NSƯT Minh Phụng và NSND Lệ Thủy từng làm thổn thức bao trái tim của người mộ điệu cải lương nhiều thế hệ. “Bảo Xuyên ơi, đêm nay giữa canh trường cô liêu, ta gối đầu lên đá thèm giấc mơ yêu/ Đắm hồn vào mộng liêu trai/ Để yêu em được trọn lòng, không ngăn cách bởi biên thùy”, “ Sầu đêm nay và ngàn đêm nũa/ Em vẫn yêu, vẫn yêu một mình anh”. Nhiều soạn giả nổi tiếng cùng thời nhận xét rằng, với hàng chục kịch bản cải lương, trong đó có nhiều vở còn mãi với thời gian, soạn giả bậc thầy Yên Lang đã dát vàng cho không ít tên tuổi nghệ sĩ qua các vai diễn trong những vở cải lương của ông.
Soạn giả Yên Lang với NSƯT Lệ Thủy (một trong những nghệ sĩ tham gia nhiều vai diễn xuất sắc trong những vở cải lương nỗi tiếng do ông sáng tác)
Ông là một trong những soạn giả đã hiến dâng trọn vẹn đời mình cho nghệ thuật đờn ca tài tử, có những cống hiến rất lớn góp phần bảo tồn và phát triển nghệ thuật đờn ca tài tử và sân khấu cải lương Nam bộ. Sinh năm 1940, năm nay ông đã ở tuổi 74, nhưng ông vẫn miệt mài sáng tác, đặc biệt là thể loại ca cổ ca ngợi quê hương Bạc Liêu. Bộc bạch và chia sẻ với giới báo chí, ông từng ví mình như kiếp con tằm thì phải nhả tơ.
Soạn giả Yên Lang cùng tham gia diễn xuất với nghệ sĩ trong đêm giao lưu tôn vinh tên tuổi ông ở Tp, Bạc Liêu
Ông nói: “ Tôi thấy cuộc đời mình mắc nợ với tấm màn nhung sân khấu. Mỗi lần đặt bút khởi viết một bản vọng cổ hay tuồng tích cải lương là như bị thôi miên không dứt ra được nữa. Và cứ thế mà viết, rồi viết ra được công chúng đón nhận là vui mừng không thể diễn tả hết bằng lời. Trong cuộc đời, ai từng thiếu nợ là khổ tâm lắm. Riêng tôi cứ mong mình mắc nợ với cải lương, với vọng cổ, đờn ca tài tử hoài, để được trả nợ hoài tới hết đời.