Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Sóc Trăng: Để học đường không vướng ma túy

Ma túy hiện nay là hiểm họa khôn lường đối với mọi gia đình và xã hội. Nếu ngày xưa dân chơi ma túy thường là thành phần bất hảo của xã hội thì ngày nay người dính tới ma túy có thể là những người bình thường nhất, thậm chí là những em học sinh còn mang màu áo trắng. Ở lứa tuổi “dở dở ương ương” các em học sinh rất dễ bị dụ dỗ “thử một lần cho biết” rồi thành con nghiện lúc nào không hay, bởi, ma túy ngày nay biến tướng với hàng chục thể loại khác nhau đầy ma mị, hấp dẫn. Bởi vậy, việc ngăn chặn từ nhà trường và sự quan tâm của gia đình đối với các em là thành trì bảo vệ các em hiệu quả nhất.

Tại Sóc Trăng, để bảo vệ thế hệ trẻ tránh xa hiểm họa ma túy, thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Sóc Trăng đã chỉ đạo các trường học, cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh phối hợp với cơ quan công an tại địa phương xây dựng quy chế phối hợp đảm bảo an ninh trật tự trong trường học theo Quy chế phối hợp số 03/QCPH/CAT-SGDĐT, ngày 24/3/2016 giữa Công an tỉnh và Sở GD&ĐT về phối hợp thực hiện nhiệm vụ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác trong ngành giáo dục; Công văn số 578/SGDĐT-GDTrH, ngày 31/3/2016 về việc triển khai Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT/BGDĐT-BCA, ngày 28/8/2015 của Bộ GD&ĐT và Bộ Công an trong việc quy định rõ trách nhiệm của cơ quan công an, trách nhiệm của trường học, cơ sở giáo dục. Trên cơ sở đó, nhằm thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Sở GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị triển khai các văn bản quy phạm pháp luật của Đảng, Nhà nước và của ngành về công tác giáo dục phòng, chống ma túy trong cán bộ, giáo viên, học sinh, học viên toàn ngành.

Các em học sinh trường THPT Dân tộc nội trú Huỳnh Cương trong một buổi nghe tuyên truyền phòng chống ma túy trong học đường. Ảnh: CK

Các em học sinh trường THPT Dân tộc nội trú Huỳnh Cương trong một buổi nghe tuyên truyền phòng chống ma túy trong học đường. Ảnh: CK

Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT chỉ đạo cho các cơ sở giáo dục trực thuộc thành lập ban chỉ đạo phòng, chống ma túy; thủ trưởng đơn vị làm trưởng ban và các thành viên là đại diện tổ chức, đoàn thể trong nhà trường. Ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động về phòng, chống ma túy theo hướng dẫn của cơ quan quản lý cấp trên, chịu sự lãnh đạo của cấp ủy nhà trường và địa phương. Các trường trung học phổ thông trực thuộc tổ chức hưởng ứng và tuyên truyền tháng hành động phòng, chống ma túy với hơn 90 chương trình của 40 trường trung học phổ thông có hơn 29.036 học sinh, cán bộ, giáo viên và nhân viên tham gia các buổi tuyên truyền. Các trường tiểu học và trung học cơ sở trực thuộc phòng GD&ĐT cũng đã tổ chức tuyên truyền cho học sinh, giáo viên, nhân viên của trường và cha mẹ học sinh trong các cuộc họp định kỳ đầu năm học, học kỳ I và cuối năm học; đối với các trường mầm non, mẫu giáo, các trường tuyên truyền đến cha, mẹ học sinh qua góc tuyên truyền.

Do dịch Covid-19 nên việc tập trung học sinh vào tuyên truyền với số lượng lớn rất khó khăn, nên các đơn vị chủ động chia nhỏ ra thành nhiều đợt để đảm bảo an toàn trong công tác tuyên tuyền. Các cơ sở giáo dục tuyên truyền đến học sinh, giáo viên, nhân viên trong các buổi sinh hoạt dưới cờ vào ngày thứ hai đầu tuần. Qua các buổi tuyên truyền giúp học sinh, giáo viên, nhân viên hiểu biết về các chất gây nghiện mà các tội phạm ma túy sử dụng như: sisa, bóng cười, pha trong nước ép trái cây, các loại “kẹo ngọt”…

Các cơ sở giáo dục chủ động tuyên truyền, nhất là thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, để các em có ý thức phòng ngừa, kiên quyết không để các loại tội phạm, tệ nạn xã hội xảy ra trong học đường, nhất là tệ nạn ma túy, tệ nạn cờ bạc với mọi hình thức. Xây dựng kế hoạch lồng ghép đưa giáo dục pháp luật, tuyên truyền pháp luật về an ninh trật tự, phòng, chống ma túy vào các chương trình giáo dục phù hợp đối với từng cấp học. Tất cả các trường học, cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh đã phối hợp với cơ quan công an tại địa phương xây dựng quy chế phối hợp đảm bảo an ninh trật tự trong trường học theo quy định tại Quy chế phối hợp số 3 giữa Công an tỉnh và Sở GD&ĐT. Sở GD&ĐT phối hợp với Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh phát 8.000 tờ bướm tuyên truyền về công tác phòng, chống ma túy; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng, chống mại dâm đến các cơ sở giáo dục.

Nhờ tuyên truyền sâu rộng vào các cơ sở giáo dục, các trường học mà thời gian qua, dù dịch Covid xảy ra khó tập trung đông học sinh nhưng ngành giáo dục không có các vụ việc vi phạm pháp luật về ma túy. Đến tháng 4/2021, toàn tỉnh có 498 trường ở các bậc học ( 478 trường công lập, 20 trường ngoài công lập) với 17.617 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và 267.449 học sinh ở các bậc học đều có thể tự hào và an tâm về loại “vũ khí giết người hấp dẫn” này!

Ông Nguyễn Việt Mười - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Trong thời gian tới, các văn bản quy phạm pháp luật của Đảng, Nhà nước và của ngành giáo dục về công tác giáo dục phòng, chống ma túy trong cán bộ, giáo viên, học sinh toàn ngành tiếp tục được quán triệt trong toàn ngành giáo dục của tỉnh. Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của học sinh, học viên về công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội. Tuyên truyền vẫn là phương thức hàng đầu, trong đó tập trung tuyên truyền về hậu quả, tác hại của việc sử dụng, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển chất ma túy; tác hại của các loại ma túy, chất hướng thần; các loại ma túy có nguồn gốc tự nhiên, ma túy tổng hợp, một số loại phổ biến. Lồng ghép tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, thi tìm hiểu pháp luật, tập huấn, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề... Tổ chức tuyên truyền đến học sinh, học viên chủ đề “Chung tay nói không với ma túy, vì chính bạn và cộng đồng”.