Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Sóc Trăng giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc

Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống, chiếm hơn 30% dân số. Những năm qua, Sóc Trăng luôn được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị trong công tác bảo tồn, khôi phục và phát huy những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, trong đó có bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer.

Giữ gìn bản sắc văn hóa người Khmer

Sóc Trăng là mái nhà chung của cộng đồng 03 dân tộc anh em Kinh - Khmer - Hoa sinh sống cộng cư với nhau, với số dân trên 1,3 triệu người, trong đó người Kinh chiếm khoảng 65%, người Khmer chiếm khoảng 29,5% và người Hoa khoảng 5,5%. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển vùng đất Sóc Trăng, 03 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa đã kề vai sát cánh, chia sẻ ngọt bùi trong lao động sản xuất, trong đấu tranh chống áp bức, bất công, chống giặc ngoại xâm, trong xây dựng và bảo vệ quê hương.

Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền đã quán triệt, cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc thành các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể tiếp tục đẩy mạnh việc bảo tồn, khôi phục và phát triển văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, nhằm ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, giải quyết các vấn đề xã hội và thực hiện tốt chính sách dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững.

Việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ở Sóc Trăng được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên

Việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ở Sóc Trăng được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên

Châu Thành là huyện có đông đồng bào Khmer sinh sống, chiếm 48,7%. Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện cho đồng bào sinh hoạt các hoạt động văn hóa, thể thao theo truyền thống, đúng pháp luật.

Ông Thạch Rít - Trưởng Phòng Dân tộc huyện Châu Thành cho biết: “Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền luôn quan tâm đến công tác quản lý nhà nước và di sản văn hóa; hệ thống thiết chế văn hóa gắn với công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân trong việc lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; quan tâm phát triển các phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn, khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và nâng cao đời sống tinh thần của đồng bào Khmer trên địa bàn huyện. Theo đó, trên địa bàn huyện có 1 chùa được tỉnh công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh đó là chùa Bốn Mặt (xã Phú Tân) và Lễ that Kon (xã phú Tân) được huyện tổ chức hàng năm theo phong tục đồng bào Khmer (năm nay do tình hình dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp cho nên đã ngưng tổ chức)”.

 

Hiện toàn tỉnh có 14 di tích lịch sử của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 10 di tích lịch sử của đồng bào Khmer (chùa Phật giáo Nam tông Khmer) và 4 di tích lịch sử của đồng bào Hoa; 4 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận gồm: Nghệ thuật sân khấu dù kê, nghệ thuật trình diễn dân gian nhạc ngũ âm, nghệ thuật trình diễn dân gian múa rom vong, nghệ thuật sân khấu rô băm; các lễ hội phong tục tập quán và lễ hội tôn giáo được tổ chức đúng theo quy định và truyền thống.

Bảo tồn và phát huy các lễ hội truyền thống

Việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ở Sóc Trăng được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Do đó, thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã quan tâm đầu tư  xây dựng các thiết chế văn hóa, các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ việc tổ chức các lễ hội như: khán đài, bờ kè đường đua ghe ngo; khu du lịch văn hóa lễ hội truyền thống cồn Mỹ Phước (Kế Sách); khu tổ chức Lễ hội Cúng Phước Biển (Vĩnh Châu)… và rất nhiều công trình văn hóa khác.

Bên cạnh đó, việc bảo tồn và phát huy các lễ hội truyền thống, dân gian cũng được tỉnh quan tâm chỉ đạo và tổ chức với nhiều nội dung, hoạt động phong phú, hấp dẫn, độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc, ngày càng thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham dự. Trong đó, phải kể đến một số lễ hội đặc trưng của Sóc Trăng như: Lễ hội Cúng Phước Biển vào dịp 14-15 tháng 2 âm lịch; Lễ hội Thak-Côn (Châu Thành) vào 14-15 tháng 3 âm lịch; Lễ hội Nghinh Ông  (Trần Đề) vào dịp 20-21 tháng 3 âm lịch; Lễ hội Sông nước miệt vườn (cồn Mỹ Phước, Kế Sách) vào dịp Tết Đoan ngọ (từ ngày mùng 03-05 tháng 5 âm lịch)…đã thu hút hàng chục ngàn lượt du khách đến tham quan ở mỗi lễ hội.

Nổi bật nhất là Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer và tục đắp núi cát. Ông Thạch Nhanh và Thạch Bé (ngoài 60 tuổi) cho biết: “Năm nào cũng vậy, mỗi khi đến Tết Chôl Chnăm Thmây, chúng tôi cùng với chư tăng trong chùa chuẩn bị trang trí, với ước nguyện năm mới mọi sự tốt lành đến với gia đình và tích đức để mai sau. Đặc biệt việc đắp núi cát cần phải có người khéo tay, để khắc hoa văn như một ngôi tháp thu nhỏ, cho bà con đến cầu nguyện trong năm mới”.

Trong thời gian tới, để tiếp tục giữ gìn và phát huy nét văn hóa lễ hội độc đáo của cộng đồng 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa ở Sóc Trăng (ảnh: minh họa)

Trong thời gian tới, để tiếp tục giữ gìn và phát huy nét văn hóa lễ hội độc đáo của cộng đồng 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa ở Sóc Trăng (ảnh: minh họa)

Theo đại đức Thạch Tha - Phó trụ trì chùa Phnorro Ka chia sẻ: “Tục đắp núi cát vào dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây là một tập tục và nghi lễ rất quan trọng. Để đắp núi cát, người ta phải chọn cát sạch đắp thành 9 ngọn núi nhỏ, gồm: 8 ngọn ở 8 hướng và 1 ngọn ở chính giữa. Những ngọn núi này tượng trưng cho vũ trụ, trong đó ngọn núi ở chính giữa là trung tâm của vũ trụ. Đắp núi xong, người ta dùng vật liệu làm rào quanh những ngọn núi này để tránh trẻ em đi lại va chạm, hư hỏng. Tục đắp núi cát được bắt đầu bằng nghi thức làm lễ quy y cho núi và đến ngày hôm sau thì làm lễ xuất thế. Những lễ nghi này đến ngày nay được gìn giữ gọi là Anisong Pun Phnom kh’sach nghĩa là phúc duyên đắp núi cát. Sau khi kết thúc mùa tết, núi cát này nhà chùa sẽ tận dụng xây dựng ngôi tháp, nên tết năm nay bà con phật tử trong và ngoài bổn đạo đã đến cúng dường và ủng hộ nhiều khối cát để xây dựng”.

Ở Sóc Trăng hiện nay, có một số chùa Khmer việc đắp núi cát đã chuẩn bị trước tết, còn có một số chùa đến ngày thứ hai của năm mới gọi là ngày Virer-vona-both, sư sãi và bà con phật tử mới bắt đầu vận chuyển cát để đắp thành núi. Theo thượng tọa Lý Đen - Trụ trì chùa Chrôi Tưm Chắs, Phường 10 (TP. Sóc Trăng), đắp núi cát là lễ tục tạo công đức, cầu phước cho gia đình… Qua đó, còn thể hiện sự đoàn kết của phật tử và sư sãi trong việc chăm lo cho chùa, nơi được ví như trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào Khmer.

Có thể nói, tục đắp núi cát là một tập tục truyền thống, tốt đẹp của đồng bào Khmer, dù có nhiều sự tích khác nhau, nhưng mục đích vẫn tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên, tích nhiều công đức cho cuộc sống hiện tại và mai sau. Việc duy trì tập tục này đã góp phần vào việc bảo tồn, gìn giữ những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của đồng bào Khmer.

Trong thời gian tới, để tiếp tục giữ gìn và phát huy nét văn hóa lễ hội độc đáo của cộng đồng 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa ở Sóc Trăng, chúng ta cần phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Từng bước nâng cao đời sống cho nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc Khmer; nghiên cứu, xây dựng các chương trình, đề án  nhằm bảo tồn và phát triển các loại hình văn hóa, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh; tổ chức tốt các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, các lễ hội…  từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.