Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh, trong suốt thời gian qua, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến rõ rệt. Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã thống nhất quan điểm về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội trong việc làm.
Xuất khẩu lao động là giải pháp hiệu quả để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì vậy, nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội chính là sự tiếp sức, giúp bà con giảm bớt gánh nặng tài chính để có thể đi làm việc ngoài nước. Xuất phát từ nhu cầu thực tế nêu trên, thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ vốn vay đối với người lao động tỉnh đi làm việc ở nước ngoài.
Xác định việc thực hiện chính sách hỗ trợ vốn vay theo Nghị quyết 11 là chủ trương lớn của Chính phủ nên chính quyền các địa phương đã tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm thực hiệu hiệu quả chủ trương này. Bà Nguyễn Thị Thuỷ Tiên - Phó Chủ tịch UBND Phường 8, thành phố Sóc Trăng cho biết, chính sách cho vay theo Nghị quyết 11 là chính sách hết sức thiết thực đối với người dân có nhu cầu đi xuất khẩu lao động nên trong thời gian qua, từ nguồn vốn này mà người dân được lao động ở nước ngoài, tạo được thu nhập, gửi tiền tiết kiệm về cho gia đình nên từ đó đời sống của bà con được cải thiện. Trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục rà soát các đối tượng đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn đi xuất khẩu lao động để tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với nguồn vốn này để tham gia xuất khẩu lao động, tăng thêm thu nhập cho gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, 8 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có 215 người tham gia xuất khẩu lao động, đạt 71,66% kế hoạch. Đặc biệt, thực hiện chương trình hợp tác “Liên kết đào tạo tiếng Nhật và kỹ năng, tác phong làm việc; phái cử sinh viên đi thực tập và làm việc tại Nhật Bản; giới thiệu việc làm trong nước”.
Ông Võ Thanh Quang cho biết: “Việc đưa du học sinh sang các nước học tập và làm việc là hết sức phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đây không chỉ là cơ hội cho bản thân các em, sau khi hoàn thành khóa học tập và làm việc trở về, các em còn là nguồn lực lao động có trình độ, tay nghề cao của tỉnh, có kỹ năng, tác phong tốt để tiếp tục đóng góp trong phát triển kinh tế gia đình, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho quê hương. Đây còn là tiền đề để tuyên truyền rộng rãi đến các cấp, các ngành và người dân nắm thêm các chính sách về công tác xuất khẩu lao động và du học sinh. Từ đây đến cuối năm, dự kiến tỉnh sẽ còn nhiều đợt đưa du học sinh sang các nước như: Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và một số nước Tây Âu”.
Ông Trần Văn Hải, chị Nguyễn Thị Giàu là 2 trong số rất nhiều bà con trên địa bàn toàn tỉnh Sóc Trăng đã được tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng chính sách việc làm đầy ý nghĩa này, đã tạo điều kiện cho con cái có công ăn việc làm ổn định, giúp bà con bám đất, bám vườn để yên tâm lao động sản xuất ngay tại quê hương mình. Theo số liệu tổng hợp, nhu cầu nguồn vốn trong 2 năm đối với các chương trình tín dụng thực hiện theo Nghị quyết 11 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng là 1.637 tỷ đồng ở 5 chương trình tín dụng.
Để việc triển khai Nghị quyết 11 đạt kết quả cao nhất, song song với công tác tuyên truyền, trong quá trình thực hiện, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Sóc Trăng phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi cho vay để đảm bảo nguồn vốn cho vay đúng mục đích, phát huy được hiệu quả và điều quan trọng nhất là không để các đối tượng lợi dụng để trục lợi chính sách từ Nghị quyết này.