Nhân Ngày Thế giới phòng chống bom mìn, Phóng viên Báo Dân sinh đã có cuộc trao đổi với Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc – Phó Tổng giám đốc Trung tâm hành động bom mìn Quốc gia Việt Nam (VNMAC), Phó Chánh văn phòng cơ quan Thường trực ban Chỉ đạo 504.
*Là một trong những quốc gia bị ô nhiễm bom, mìn nặng nề sau chiến tranh, vậy những kết quả trong tác khắc phục hậu quả bom, mìn tại Việt Nam như thế nào, thưa ông!
-Trải qua nhiều cuộc chiến tranh liên tục, đất đai và con người Việt Nam đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi số lượng lớn bom, mìn. Ngay sau khi kết thúc chiến tranh, cho dù điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm đầu tư kinh phí, chung tay khắc phục hậu quả bom, mìn do chiến tranh để lại. Từ yêu cầu cấp thiết của công tác khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh, ngày 21/4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 504/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025 (gọi tắt là Chương trình 504) và tiếp đến là Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 4-3-2014 thành lập Trung tâm Hành động bom, mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC).
Trong những năm qua nhiều dự án đã được triển khai góp phần làm sạch và thu gom xử lý nhiều bom mìn, vật nổ còn sót lại. Đơn cử như Dự án Rà phá bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh tại một số địa phương của tỉnh Quảng Trị, có giá trị gần 1,5 triệu USD, đã rà phá, làm sạch bom mìn, vật nổ là trên tổng diện tích 690ha với độ sâu 5m tính từ mặt đất hiện tại trở xuống đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và trang thiết bị. Tổng số bom mìn, vật nổ đã thu gom và xử lý từ Dự án là: 1645 quả, trong đó có nhiều loại bom mìn rất nguy hiểm như các loại bom bi, bom cam, đạn M79, bom MK-82, đạn xuyên, đạn cối, đạn phốt pho, đạn chất độc. Dự án rà phá bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh tại các huyện Kỳ Anh, Hương Sơn và Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh), có tổng kinh phí 4 triệu USD do VBMAC thực hiện từ năm 2015 đến năm 2017, rà phá, làm sạch bom mìn, vật nổ trên tổng diện tích 2.550 ha đất bị ô nhiễm. Đến nay, đã rà phá làm sạch được 905 ha đất bị ô nhiễm bom mìn, thu gom được hàng trăm quả bom mìn, vật nổ các loại trong đó có một số quả bom cỡ lớn như bom MK 84, khối lượng 900 kg, bom M117 khối lượng 337 kg, bom MK82 khối lượng 226 kg, bom bi, đạn pháo, đạn cối...
*Thời gian qua các tổ chức quốc tế đã có những hỗ trợ cho Việt Nam trong công tác khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh. Vậy ngoài nguồn kinh phí, các tổ chức quốc tế đã hỗ trợ cho chúng ta những gì thưa ông?
- Mở rộng hợp tác quốc tế vận động tài trợ để tăng cường nguồn lực cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh là một trong những nhiệm vụ của VNMAC. Thời gian qua với sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ đã hỗ trợ đầu tư trang thiết bị, cử các chuyên gia hỗ trợ Việt Nam rà phá, khắc phục hậu quả bom, mìn mà trong đó phải kể đến như: Chính phủ Hà Quốc, Nhận Bản và một số tổ chức khác như UNDP…Họ đã hỗ trợ Việt Nam về mặt tài chính và giúp chúng ta nâng cao năng lực trong công tác rà phá bom, mìn bằng những quá trình đào tạo, tập huấn và trang bị những kiến thức cần thiết đối với hoạt động khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh.
*Với những nạn nhân bị tai nạn bom, mìn đối với họ ngoài hỗ trợ chữa trị vết thương, phục hồi chức năng thì hỗ trợ sinh kế là điều rất quan trọng với họ. Vậy VNMAC đã có những hỗ trợ như thế nào với nạn nhân bom, mìn?
- Số lượng nạn nhân bom, mìn khá là lớn vậy để hỗ trợ họ, ngoài chương trình lồng ghép của các bộ, ngành, địa phương, Bạn chỉ đạo 504 cũng như Trung tâm hành động bom, mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) và Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh, Quỹ hỗ trợ khắc phục hậu quả bom, mìn Việt Nam…là những cơ quan đơn vị trược tiếp triển khai các hoạt động hỗ trợ này. Ngoài ra các tổ chức phi chính phủ cũng tham gia các dự án hỗ trợ nạn nhân bom mìn. Các hình thức hỗ trợ rất đa dạng như đào tạo dạy nghề giúp họ có nghề để tham gia lao động sản xuất tại địa phương, hoặc là hỗ trợ con giống, cây trồng để họ tự chăn nuôi, trồng trọt nuôi bản thân và họ có được cuộc sống bình thường như những người khác trong xã hội.
*Để sớm đưa Việt Nam thoát khỏi ô nhiễm bom, mìn thời gian tới VNMAC sẽ triển khai các hoạt động cụ thể như thế nào thưa ông?
-VNMAC do Chính phủ thành lập với nhiệm vụ chính đề xuất chủ trương chính sách mới, đồng thời là đầu mối vận động các tổ chức quốc tế hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả, bom, mìn sau chiến tranh ở Việt Nam. Vì vậy, việc cụ thể trước mắt hiện nay VNMAC đang tham gia biên soạn và xây dựng trình chính phủ ban hành Nghị định về khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh. Nghị đinh sẽ nêu lên nhiều vấn đề về cơ sở pháp lý, điều kiện hoạt động, tổ chức trách nhiệm các bộ, ngành liên quan.
Bên cạnh đó VNMAC sẽ nâng cao năng lực về quản lý dữ liệu khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh tại Việt Nam đây là hoạt động cần thiết sẽ giúp chúng ta tiết kiệm những chi phí rò tìm xử lý bom, mìn quản lý số lượng nạn nhân cần hỗ trợ đem hiệu quả thiết thực cho người dân hơn. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về những hiểm họa từ bom, mìn vật nổ, những hoạt đồng của Chương trình 504. Hiện đã có nhiều hãng truyền thông lớn đặc biệt là những hãng truyền thông quốc tế họ đã đặt vấn đề với VNMAC để hợp tác truyền thông về rà phá bom, mìn, hiểm họa bom mìn... Đó là những nội dung cơ bản của trong kế hoạch tới của VNMAC góp phần làm giảm nguy cơ ô nhiễm, làm sạch đất khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh ở Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!