Các giáo viên điểm trường mầm non Hoa Đào, xã Suối Bâu, huyện Phù Yên dắt xe máy qua điểm sạt lở. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN).
Gian nan đường đến trường của giáo viên vùng cao Sơn La
Sự khó khăn, vất vả lại càng nhân lên khi đường giao thông đến nhiều điểm trường vùng cao đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi những đợt mưa lũ vừa qua.
Quãng đường từ Trường Mầm non Hoa Đào, xã Suối Bau, huyện Phù Yên đến các điểm lẻ dài chưa tới 10 km nhưng có tới hàng chục điểm sạt lở, lầy lội. Để có thể đi qua đoạn đường này, các thầy, cô giáo phải mất gần 2 giờ đồng hồ.
Đặc biệt, trên đoạn đường này có những điểm sạt lở nguy hiểm khi lòng đường đã bị đất đá từ trên núi vùi lấp hết. Các thầy, cô giáo phải theo con đường nhỏ cheo leo nằm sát sườn núi, bên dưới là vực sâu hun hút để đi qua.
Cũng như người dân trong xã, hiện nay, việc đi lại của giáo viên duy nhất chỉ có đường thủy. Ngoài ra, chi phí cho mỗi chuyến đi thuyền như thế phải mất ít nhất 300.000 đồng.
Thầy Nguyễn Văn Thanh, Trường Tiểu học, Trung học cơ sở Bắc Phong cho biết, tất cả giáo viên trong trường phải thuê thuyền từ bến phà Vạn Yên để đến lớp. Còn đối với học sinh, nếu gia đình có điều kiện thì phụ huynh đưa đi. Nếu không, các em phải tự khắc phục bằng cách đi bộ hàng chục km từ điểm lẻ đến khu trung tâm để tham gia hoạt động tập trung của nhà trường.
Những khó khăn trong việc đến trường đã ảnh hưởng không nhỏ đến công việc hàng ngày của giáo viên vùng cao. Tuy nhiên những khó khăn không thể ngăn được bước chân của các giáo viên đến trường. Các giáo viên, học sinh ở đây vẫn đang nỗ lực khắc phục mọi khó khăn để bắt đầu năm học mới.
Cô Đinh Thị Diện, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học,Trung học cơ sở Bắc Phong cho biết, nhà trường bám sát kế hoạch chung của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phù Yên tổ chức cho học sinh và giáo viên đến trường để khắc phục hậu quả sạt lở, dọn dẹp vệ sinh, chuẩn bị năm học mới. Đến nay, công tác chuẩn bị đã tạm ổn để bước vào năm học 2018-2019.
“Chạy đua” trước thềm năm học mới
Tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nà Ớt (xã Nà Ớt, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La), nơi mà cách đây chỉ vài ngày, thầy và trò phải chạy lũ trong hốt hoảng, cô giáo Từ Thị Thu Hà đứng dựa mình vào tường phòng học mếu máo nhớ lại: “Sau trận lũ hôm 28/8 nhà trường được người dân và lực lượng công an, bộ đội giúp đỡ, hỗ trợ dọn dẹp. Sau 2 ngày dọn xong được khu nhà ở của học sinh, lớp học và khu để thiết bị thư viện nhà trường thì ngày 30/8 lũ lại bất ngờ đổ về và mọi công sức đều trở về nguyên như cũ. Lượng bùn đất phủ sân trường càng nhiều và dày hơn”.
Thầy Nguyễn Trung Huấn, hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nà Ớt (Sơn La) chia sẻ, cao điểm có lúc mực nước ngập cao gần 3m. Thầy buồn bã khi cho biết toàn bộ trang thiết bị dạy học, máy tính, sách vở tại thư viện và phòng thực hành của nhà trường đều bị lũ cuốn trôi hoặc làm hư hại và tổng thiệt hại ước tính khoảng hơn 2 tỉ đồng.
Sân trường ngập đầy bùn lũ.
Để chuẩn bị năm học mới đang đến rất gần, theo thầy Huấn, trước mắt nhà trường phải khắc phục hậu quả để học sinh có thể yên tâm đến trường và học tập.
Đặc biệt mong muốn lớn nhất của tất cả thầy cô là khai giảng cho các cháu được đúng 5/9.
“Từ hôm 28/8 đến nay, chưa thầy cô giáo nào được nghỉ ngơi mà phải dầm bùn 5 ngày nay. Ngày 2/9 là tết Độc lập nhưng các thầy cô giáo vẫn ở lại trường để khắc phục và chúng tôi quyết tâm cố gắng để ngày 5/9 tổ chức được khai giảng cho các cháu”, thầy Huấn nói.
Những ngày qua, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nà Ớt cũng nhận được sự hỗ trợ của các lực lượng quân đội, công an, thanh niên tình nguyện và ngành GD&ĐT toàn huyện chung tay dọn dẹp bùn đất, khắc phục hậu quả của cơn lũ.
Ngày 1/9, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã tới từng phòng học bị hư hại để động viên, chia sẻ với thầy trò nhà trường.
Bộ trưởng bày tỏ mong muốn chính quyền địa phương bằng mọi cách hỗ trợ thầy kịp dọn dẹp vệ sinh, bổ sung đủ thiết bị, sách vở thiết yếu để kịp bước vào năm học mới 2018 - 2019 từ ngày 5/9.