Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Đời sống

Sơn La: Kinh hoàng nỗi lo rắn độc cắn khi mùa mưa đến

Bác sĩ Đặng Thị Thúy – Trưởng Khoa cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La, cho biết: Thời gian gần đây mưa nhiều, hầu như ngày nào cũng có bệnh nhân nhập viện cấp cứu vì bị rắn độc cắn. Người nào bị rắn độc cắn mà không được chữa trị kịp thời, thì rất dễ nguy hiểm đến tính mạng.

 

Có mặt tại buồng bệnh, khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La những ngày đầu tháng 8, chúng tôi bắt gặp một số bệnh nhân bị rắn độc cắn, đang điều trị ở nơi đây. Nỗi lo lắng, sợ hãi và đau đớn thể hiện rõ trên nét mặt mỗi người. Dường  như họ vẫn chưa hết ám ảnh bởi những cơn đau nhức từ vết thương do rắn độc gây ra.
Nằm trên giường bệnh, anh Lò Văn Mẳn, dân bản Lót (xã Bó Mười, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) rùng mình kể lại với chúng tôi việc anh bị rắn cắn.
Anh Mẳn đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa Sơn La vì bị rắn xanh cắn vào mu bàn tay phải. Ảnh Văn Chiến
Giọng anh Mẳn run run: “Sáng sớm ngày 1.8, tôi vào rừng hái măng. Dọc đường đi tôi nghĩ, hôm nay sẽ hái được nhiều măng, vì mấy hôm rồi trời mưa liên tiếp. Khi vào tới rừng, nhìn thấy khóm măng tươi tốt, tôi tiến lại gần để hái. Vừa mới chạm vào cây măng, tay tôi đột nhiên nhói lên. Theo phản xạ tự nhiên, tôi rụt tay lại. Nhìn thấy con rắn xanh đang bò gần đó, tôi mới biết là mình vừa bị nó cắn. Chỉ ít phút sau, bàn tay tôi sưng vù rồi lan lên cả cánh tay. Tôi vội vã quay về nhà, bảo vợ đưa lên Bệnh viện đa khoa tỉnh cấp cứu”.
Đúng như lời anh Mẳn nói, từ vết rắn cắn trên mu bàn tay phải cho đến tận bả vai phải của anh sưng rất to. Anh Mẳn đang được các Bác sĩ truyền huyết tương tươi đông lạnh.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Sơn La kiểm tra tình hình sức khỏe của bệnh nhân bị rắn độc cắn. Ảnh Văn Chiến
Chị Cà Thị Hương, bản Giáng (xã Chiềng Đen, T.P Sơn La, tỉnh Sơn La) là một trong những nạn nhân bị rắn độc cắn, đang điều trị tại khoa cấp cứu, Bệnh viên Đa khoa Sơn La, chưa hết bàng hoàng, kể: “Khoảng 17h chiều ngày 31.7, khi tôi đang cắt cỏ voi về cho bò ăn, thì bị con rắn xanh to như chuôi dao, cắn vào mu bàn tay trái.
Biết con rắn đó là rắn độc, tôi định đến bệnh viên luôn để được các bác sĩ cứu chữa kịp thời nhưng vì nhà anh trai có việc nên tôi nán lại. Đến khoảng 22h tối cùng ngày, thấy tôi có biểu hiện bị co giật, khó thở nên người nhà vội vàng đưa ra Bệnh viện tỉnh cấp cứu. Được các bác sĩ bệnh viện tiêm, truyền và cho uống thuốc nên tôi đã đỡ nhiều...”.
Bác sĩ Thúy cho biết: Thời điểm hiện tại (ngày 3.8) có 6 bệnh nhân bị rắn độc cắn, đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Anh Mẳn và chị Hương là 2 trong số đó. 3 bệnh nhân nằm ở khoa cấp cứu, 3 người còn lại thì điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực và chống độc của bệnh viện tỉnh.
Với 3 bệnh nhân đang điều trị tại khoa cấp cứu, chủ yếu bị rắn độc cắn vào bàn tay và cẳng tay nhưng lúc nhập viện đều có biểu hiện sưng nề từ vết cắn cho đến tận bả vai. Tại vết rắn cắn trên tay các bệnh nhân còn có biểu hiện xuất huyết dưới da, bầm tím, đau nhức. Anh Mẳn và chị Hương đều bị tức ngực, khó thở, đau nhức khi mới vào viện.
Chị Cà Thị Hương, bản Giáng, xã Chiềng Đen, TP. Sơn La bị sưng nề từ bàn tay đến tận bả vai do bị rắn độc cắn
“Khi người dân bị rắn độc cắn vào viện cấp cứu, chúng tôi tiến hành điều trị triệu chứng giảm đau, chống phù nề. Nhiều bệnh nhân bị rối loạn quá trình đông cầm máu, tức là chỉ số đông máu không định lượng được như trường hợp của anh Mẳn và chị Hương, các bác sĩ phải truyền huyết tương tươi đông lạnh. Hiện các bệnh nhân đã tương đối ổn định” – Bác sĩ Thúy cho biết thêm.
Cũng theo Bác sĩ Thúy, mùa này là mùa mưa nên rắn xuất hiện rất nhiều, nhất là ở khu vực rừng núi, nơi có nhiều bờ bụi, cỏ mọc um tùm. Người nào bị rắn độc cắn mà không chữa trị kịp thời thì không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn rất nguy hiểm đến tính mạng.
“Khi đi nương, bà con nên có đồ bảo hộ như đội nón, đeo bao tay, đi ủng. Đây được xem là một trong những biện pháp hữu hiệu đề phòng rắn cắn. Bà con cũng nên phát quang  bụi rậm xung quanh nhà.
Chẳng may bị rắn cắn, người dân trước tiên phải rửa sạch vết cắn, sau đó băng ép và nên đến bệnh viện ngay. Nếu để đến khi quá nặng mới đến bệnh viện thì rất khó chữa trị"  (Bác sĩ Thúy)