Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Đời sống

Sơn La lần đầu dán tem đào vườn dân trồng, phân biệt với đào rừng

Để rõ ràng nguồn gốc, UBND huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La) sẽ dán tem nhận biết nguồn gốc cho 500 ha đào nhà do người dân trồng trên nương, để được phép buôn bán, vận chuyển trong dịp Tết.

Văn bản số 3864 do Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ Vũ Thanh Hải ký, trình UBND tỉnh,  cho biết, huyện có 500ha trồng cây đào bán dịp Tết.

Tại xã Lóng Luông có 300ha; xã Vân Hồ trồng 200ha, tất cả đều trồng tập trung trên nương, đồi của người dân sở tại.

UBND huyện Vân Hồ cho biết, qua các phương tiện thông tin đại chúng, người dân rất lo ngại về việc không bán được đào (trồng) trong dịp Tết nguyên đán nếu không được xác thực về nguồn gốc, xuất xứ của loại cây này.

Sơn La lần đầu dán tem đào vườn dân trồng, phân biệt với đào rừng - Ảnh 1.

Đào nhà trồng trên nương tại xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ

Nhiều năm qua, người dân huyện Vân Hồ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chủ yếu là các loại cây ăn quả thay thế cho cây ngô, dong, sắn. Tại hai xã Lóng Luông, Vân Hồ, bà con trồng giống đào Pháp để lấy quả và đào bản địa để bán gốc, bán cành… cho người dân chơi Tết Nguyên đán.

Cây đào mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho người dân nơi đây, phù hợp với địa hình đất dốc, tập quán canh tác của người dân bản địa.

Qua khảo sát cho thấy, các xã Lóng Luông, Vân Hồ không có cây đào rừng.

UBND huyện Vân Hồ kiến nghị UBND tỉnh báo cáo, đề xuất với Chính phủ, Bộ NN-PTNT cho phép người dân được khai thác, buôn bán, vận chuyển cành đào, gốc đào trồng, tránh nhầm lẫn giữa đào bản địa trồng tại vườn, nương của gia đình và đào rừng; cho phép huyện tổ chức Lễ hội hoa đào năm 2021, làm tem dán nhãn cho đào trồng của Vân Hồ.

Sơn La lần đầu dán tem đào vườn dân trồng, phân biệt với đào rừng - Ảnh 2.

Mẫu tem do UBND huyện Vân Hồ in cho người trồng đào dán lên cây để chứng minh nguồn gốc, thương hiệu

Một cán bộ Phòng Văn hóa Thông tin huyện Vân Hồ cho biết, việc dán tem xác thực nguồn gốc đối với đào trồng sẽ được giao xuống các xã. Căn cứ trên số liệu thống kê diện tích, số lượng gốc đào trồng của các hộ dân, huyện phát ra số tem tương ứng.

Tem xác thực nguồn gốc sẽ được dán trên cây đào/cành đào trước khi khai thác, là “giấy thông hành” trong quá trình vận chuyển về xuôi.

Chủ tịch xã cam đoan “không có đào rừng”

Chủ tịch xã Lóng Luông Tếnh A Chìa khẳng định, đào là cây ăn quả của đồng bào dân tộc Mông. Từ thời ông cha, người dân trồng xung quanh nhà, trên nương… để thu hoạch quả, không phải là cây mọc dại.

Sơn La lần đầu dán tem đào vườn dân trồng, phân biệt với đào rừng - Ảnh 3.

Những cây đào được trồng trên nương, rẫy tại các tỉnh vùng cao Tây Bắc. Ảnh: Cao Anh Tuấn

Bản chất của cây đào bản địa Tây Bắc là cây tán thấp, khi trưởng thành cao bình quần 3 – 4 mét, ưa sáng, thời gian sinh trưởng không dài, chỉ trên dưới 10 năm.

Diện tích trồng đào của xã Lóng Luông là 300ha, chiếm 40,5% các loại cây ăn quả của toàn xã.

“Thực tế, trên địa bàn xã Lóng Luông hiện nay không có cây đào rừng mọc tự nhiên. Toàn bộ diện tích đào hiện nay là do người dân trồng và chăm sóc trên đất nông nghiệp, là cây phát triển kinh tế của địa phương.

Đào được trồng theo 3 hướng kinh tế chính: bán quả (chủ yếu là giống đào Pháp, đào Mỹ và một số ít giống đào quả to của địa phương); bán gốc (là giống đào quả nhỏ, thời gian sinh trưởng nhanh, chịu hạn tốt, được người dân trồng dày, mật độ khoảng 2.000 gốc/1ha). Loại đào bán gốc, trong vòng 3 – 4 năm được khai thác, giá trị kinh tế thu được khoảng 1,6 tỷ đồng/1ha.

Loại thứ ba là đào trồng để bán cành, diện tích trồng nhỏ hơn, giá trị kinh tế thấp hơn 2 loại trên.

UBND xã Lóng Luông kiến nghị, nên xem cây đào bản địa như một loại cây kinh tế giống như một loại cây ăn quả, cây hoa, cây cảnh… là cây trồng chứ không phải cây mọc tự nhiên.

Hiện tại, UBND huyện Vân Hồ đã thiết kế 2 mẫu tem, kích thước dài 15cm và 20cm, số lượng 11.000 tem. Nguồn kinh phí để thực hiện in tem này được xã hội hóa.