Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Sơn La: Sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2015 về Việc làm - Dạy nghề

Tiếp nối những kết quả đạt được trong lĩnh vực Việc làm - Dạy nghề trong 2 năm gần đây (2013, 2014) của Sở LĐ - TB&XH tỉnh Sơn La, trong 6 tháng đầu năm 2015, công tác này tiếp tục được phát huy và đạt những thành tựu đáng ghi nhận, thể hiện qua các hoạt động sau:

 

Công tác chỉ đạo điều hành

Để thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn (LĐNT) trên địa bàn tỉnh năm 2015, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia Việc làm - Dạy nghề (gọi tắt là BCĐ) thuộc Sở LĐ - TB&XH tỉnh Sơn La đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành một số văn bản chỉ đạo như kế hoạch, nghị quyết, chương trình, đề án..., nhất là Đề án đào tạo nghề cho LĐNT theo Quyết định 1956/QĐ-TTg.

Kết quả hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn

Công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm đối với LĐNT: BCĐ đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng trong tỉnh tổ chức đưa tin, bài tuyên truyền đến tận cơ sở về các nội dung thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT” và vận động nhân dân tham gia học nghề. 

BCĐ các huyện, thành phố phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, các trung tâm dạy nghề tổ chức các buổi tư vấn đào tạo nghề và việc làm cho người lao động. Sau một thời gian triển khai, người dân đã thấy được lợi ích của việc học nghề là dễ tìm việc và có thu nhập ổn định, việc chuyển đổi nghề cũng giúp tăng thu nhập cho gia đình trong lúc nông nhàn.

Nông dân bản Hải Sơn II, xã Chiềng Khoang, huyện Sông Mã nuôi gà trên nền đệm lót sinh học

Hoạt động điều tra khảo sát và dự báo nhu cầu dạy nghề cho LĐNT: Qua kết quả đào tạo và đăng ký nhu cầu học nghề năm 2015 của các huyện, thành phố thì nhu cầu đào tạo nghề của người LĐNT chủ yếu tập trung vào các nghề mà người lao động đang làm theo hướng tham gia đào tạo nâng cao kiến thức và kỹ năng nghề để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, tại một số địa bàn, người lao động đã tham gia học nghề để chuyển dịch từ sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ và sản xuất hàng hóa. 

 Phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề: Trên địa bàn tỉnh hiện có 27 cơ sở dạy nghề với qui mô tuyển sinh đào tạo 10.500 học viên/năm. Toàn tỉnh còn 3 huyện chưa thành lập trung tâm dạy nghề là Bắc Yên, Quỳnh Nhai, Vân Hồ. 

Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề: Toàn tỉnh hiện có 591 giáo viên dạy nghề, gồm 356 giáo viên cơ hữu, 235 giáo viên hợp đồng. Đội ngũ cán bộ quản lý dạy nghề có 236 người. Hàng năm, BCĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp quan tâm đào tạo, bồi dưỡng tập huấn nâng cao năng lực và bổ sung đội ngũ cán bộ chuyên trách về công tác dạy nghề, ngoài ra, tại cấp huyện hàng năm đã mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã, trong đó có nội dung tập huấn nghiệp vụ công tác quản lý về dạy nghề. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ quản lý về công tác dạy nghề các cấp đã từng bước được nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về dạy nghề. Tuy nhiên, đến nay đội ngũ cán bộ quản lý dạy nghề còn nhiều hạn chế cả về số lượng và chất lượng, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá: Xác định công tác kiểm tra, giám sát là khâu quan trọng, Sở LĐ - TB&XH tỉnh đã tham mưu xây dựng Kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động của BCĐ các cấp năm 2015 và tổ chức thực hiện vào 6 tháng cuối năm, nhằm đánh giá tình hình và kết quả tổ chức, triển khai thực hiện việc Dạy nghề và tạo việc làm của các huyện, thành phố, các cơ sở dạy nghề. Qua đó, đưa ra những giải pháp và cơ chế chính sách phù hợp nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình trong thời gian tiếp theo.

Kết quả hỗ trợ đào tạo nghề: Năm 2015, kế hoạch dạy nghề cho LĐNT là: 10.530 lao động với 13 ngành, nghề, chủ yếu tập trung Đào tạo nghề nông nghiệp. Công tác tuyển sinh dạy nghề cho LĐNT trong 6 tháng gần đây là 856 học sinh, đạt 18,58% so với kế hoạch.

Nông dân tiểu khu 2, xã Mường Bún, huyện Mường La trồng táo giống mới cho năng suất cao

Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm, xuất khẩu lao động

Vốn vay giải quyết việc làm: Tính đến ngày 5/6/2015, tỉnh đã cho vay 10.682 triệu đồng với 106 dự án và tạo việc làm mới cho 814 người lao động.

Xuất khẩu lao động: Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh đã làm thủ tục cho 3 lao động xuất khẩu sang Đài Loan; 5 lao động đi học giáo dục định hướng làm việc có thời hạn tại Hàn Quốc; 23 người nộp hồ sở đăng ký dự tuyển đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản.

Tư vấn giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động và điều tra cung, cầu lao động: Đã tư vấn giới thiệu việc làm cho 3943 người đạt 49% so với kế hoạch, trong đó: 426 lao động đăng ký học nghề và làm việc tại Công ty TNHH may Đức Giang, cung ứng 105 lao động cho các đơn vị tuyển dụng lao động; Thông tin thị trường lao động cho 55.368 người, đạt 169,9% so với kế hoạch, cung cấp thông tin việc tìm người lên Website cho 68 doanh nghiệp và người tìm việc lên Website cho 779 người.

Đánh giá về ưu điểm của công tác Việc làm – Dạy nghề của tỉnh Sơn La trong 6 tháng qua, có thể đúc rút mấy điểm chính sau: Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức, đoàn thể và người lao động về vấn đề dạy nghề, tạo cơ hội cho người lao động được tiếp cận, tiếp thu khoa học, kỹ thuật thiết thực giải quyết việc làm, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh tạo thu nhập cho LĐNT được nâng lên; Các Sở, Ban, ngành, BCĐ các huyện, thành phố đã chủ động tổ chức triển khai các hoạt động (lồng ghép, ưu tiên bố trí nguồn kinh phí thực hiện các chương trình, dự án, huy động các nguồn lực để dạy nghề cho LĐNT); LĐNT lựa chọn nghề đào tạo trên cơ sở tiếp thu kiến thức mới nên sau khi học nghề, họ đã chủ động phát triển, mở rộng, chuyên canh sản xuất theo nghề được đào tạo theo hướng chủ động tự tạo việc làm với nâng suất, chất lượng, hiệu quả cao hơn...; quan trọng nhất là người lao động được học nghề và có việc làm, góp phần ổn định kinh tế gia đình, địa phương.

Bên cạnh những ưu điểm trên, vẫn còn những tồn tại, khó khăn, như: Một số cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể cơ sở chưa thực sự vào cuộc, chưa tập trung cao trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án, chưa có sự phối hợp đồng bộ, còn lúng túng trong tổ chức thực hiện; Công tác quản lý nhà nước về dạy nghề chưa đáp ứng được yêu cầu; chưa có sự thống nhất về cơ chế phối hợp giữa các ngành nhất là giữa Phòng LĐ - TB&XH với các cơ quan chuyên môn liên quan thuộc UBND huyện nên công tác quản lý, kiểm tra việc tổ chức lớp học của một số huyện chưa thực sự sát sao; một số xã và cơ quan tham mưu cho UBND huyện chưa chủ động trong việc khảo sát, xây dựng kế hoạch, và đào tạo nghề cho LĐNT nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế; Người lao động được giải quyết việc làm mang tính ổn định chưa cao, thu nhập thấp chưa đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống...

Để làm tốt công tác Việc làm – Dạy nghề trong 6 tháng cuối năm và thời gian tới, BCĐ tiếp tục phát huy những điểm mạnh, khắc phục tồn tại khó khăn đã chỉ ra, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đề ra về Việc làm – Dạy nghề theo từng giai đoạn.