Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh tặng quà cho người khuyết tật và trẻ mồ côi xã Ngọc Chiến, huyện Mường La
UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động-TBXH phối hợp với các sở, ngành tham mưu trình tỉnh ban hành các Nghị quyết, Quyết định, Kế hoạch và văn bản chỉ đạo thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 trên địa bàn tỉnh Sơn La về các lĩnh vực bảo trợ xã hội, dạy nghề, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao… Các sở, ngành, địa phương thực hiện việc lồng ghép các chính sách an sinh xã hội với chính sách hỗ trợ người khuyết tật vào chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương, đồng thời vận động các tổ chức và cá nhân hỗ trợ, chăm sóc cho người khuyết tật, từ đó đã giúp người khuyết tật phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu bản thân, tạo điều kiện vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. UBND các xã, phường, thị trấn đã tuyền truyền, phổ biến các chính sách an sinh xã hội đến với người dân; tổ chức thực hiện các chính sách trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn đảm bảo đầy đủ, chính xác, kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy định.
Thực hiện công tác tuyên truyền, tỉnh Sơn La chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền, phổ biến các chính sách trợ giúp người khuyết tật, qua đó nâng cao nhận thức của toàn xã hội trong việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật và trách nhiệm của cộng đồng trong việc trợ giúp người khuyết tật. Kết quả, từ năm 2012 đến 2018, Báo Sơn La đã đăng tải 180 tin, bài, ảnh, phóng sự, gương người tốt, việc tốt; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã xây dựng và phát sóng trên 120 tin, bài, phóng sự, 48 chuyên mục có liên quan đến hoạt động trợ giúp người khuyết tật. Sở Lao động-TBXH phối hợp với các cơ quan báo chí xây dựng các chuyên mục, phóng sự; tăng số lượng tin, bài và thời lượng phát sóng tuyên truyền Luật Người khuyết tật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách trợ giúp người khuyết tật đã đi vào thực chất, đa số người dân đã hiểu biết, nắm được chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước để thực hiện.
Cùng với đó, tỉnh Sơn La cũng đẩy mạnh công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật thông qua các hoạt động phát hiện sớm, can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình và cung cấp dụng cụ trợ giúp. Sở Y tế đã chỉ đạo các Bệnh viện, Trung tâm y tế, Trạm y tế triển khai đồng bộ chương trình can thiệp sớm cho người khuyết tật; tổ chức 7 lớp tập huấn về phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, thu thập quản lý thông tin người khuyết tật, quản lý chăm sóc sức khỏe-phục hồi chức năng cho người khuyết tật tại cộng đồng với sự tham gia của hơn 1.100 cán bộ y tế cấp huyện, xã, phường, thị trấn và cộng tác viên; tổ chức khám sàng lọc, phát hiện và can thiệp sớm, phân loại khuyết tật, xác định nhu cầu phục hồi chức năng cho 8.785 người khuyết tật tại cộng đồng; khám sáng lọc, điều trị, phục hồi chức năng cho 23.440 lượt trẻ em sơ sinh đến 6 tuổi khuyết tật tại các cơ sở y tế cho; điều trị phục hồi chức năng cho 965 người khuyết tật. Cấp dụng cụ hỗ trợ tập phục hồi chức năng phù hợp với người khuyết tật tại cộng đồng như: Giày định hình cho trẻ khuyết tật bàn chân khoèo, xe lăn, xe đẩy, các dụng cụ nẹp cột sống, hỗ trợ làm chân, tay giả cho 703 người khuyết tật; hướng dẫn lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cho 379 người khuyết tật. Đến nay trên địa bàn tỉnh đã 12/12 huyện, thành phố; 204/204 xã, phường, thị trấn đã triển khai chương trình phát hiện sớm, can thiệp sớm.
Sở Lao động-TBXH phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị tài trợ tổ chức rà soát tình hình trẻ em khuyết tật trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2012 đến 2019 đã khám sang lọc, tư vấn cho trên 5.100 lượt trẻ em khuyết tật, đã phẫu thuật cho 960 trẻ em mắc các dạng khuyết tật, tai mũi họng, di chứng bỏng, dị tật tiết niệu…; khám sàng lọc, tư vấn cho 1.200 lượt trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh, đã phẫu thuật miễn phí cho 162 em tim bẩm sinh, mang lại niềm vui, sự tự tin hòa nhập cộng đồng nâng cao chất lượng sống cho trẻ khuyết tật. Ngoài ra cung cấp phương tiện trợ giúp như xe lăn, xe đẩy cho 453 trẻ; hỗ trợ làm chân, tay giả cho nhiều người khuyết tật, góp phần giảm bớt khó khăn cho gia đình và trẻ em trong cuộc sống để tái hòa nhập cộng đồng.
Trong công tác giáo dục đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các nhà trường thực hiện chính sách giáo dục đối với người khuyết tật tham gia giáo dục hòa nhập, đảm bảo đúng quy định hiện hành; luôn tạo điều kiện để người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ giáo dục thuận lợi. Kết quả cuối năm duy trì sỹ số học sinh khuyết tật đạt 96%; tỷ lệ lên lớp đạt 98%. Học sinh khuyết tật tham gia học tập tại các nhà trường được hưởng đầy đủ chế độ chính sách như: được miễn, giảm học phí, các khoản đóng góp khác theo quy định; được xét cấp học bổng, hỗ trợ phương tiện, đồ dung học tập…theo đúng quy định. Từ năm 2014 đến 2018, trên địa bàn tỉnh Sơn La có 4.913 lượt học sinh khuyết tật được hỗ trợ chính sách với số tiền 35,6 tỷ đồng.
Nhằm tạo điều kiện để người khuyết tật có cơ hội học nghề và tìm kiếm việc làm, tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều hoạt động như tư vấn, tuyên truyền vận động, khuyến khích người khuyết tật tham gia học nghề. Sở Lao động-TBXH phối hợp với Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi, Hội Người mù tỉnh, các huyện, thành phố tổ chức 10 lớp đào tạo nghề cho 263 người khuyết tật (trong đó 67 người về trồng nấm, 196 người về chăn nuôi gia súc, gia cầm), đã có 83 người có việc làm ổn định. Hội Người mù tỉnh đã phối hợp với Bệnh viện Yhọc cổ truyền tổ chức tập huấn, đào tạo nghề xoa bóp tẩm quất cho người mù, đã tạo việc làm cho 50 người mù hành nghề tại 11 cơ sở xoa bóp tẩm quất trên địa bàn tỉnh, thu nhập bình quân từ 2,5 triệu đồng đến 3,5 triệu đồng/người/tháng, góp phần giúp cho người lao động là người khuyết tật có thêm thu nhập giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.
Hoạt động trợ giúp người khuyết tật tham gia giao thông, sử dụng công trình công cộng... được chú trọng. Về cơ bản hiện nay, các công trình được đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Sơn La như: các cơ sở khám chữa bệnh, bến xe, bến phà, công trình văn hóa, thể thao... đáp ứng, đảm bảo điều kiện người khuyết tật tiếp cận; Các công trình giao thông công cộng đã và đang được các cấp, các ngành quan tâm thiết kế xây dựng đúng quy chuẩn kỹ thuật đảm bảo điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật. Sở Giao thông vận tải đã ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị tham gia vận tải hành khách thực hiện miễn giảm giá vé, giá dịch vụ giao thông công cộng cho người khuyết tật theo quy định.
Trên địa bàn tỉnh Sơn La hiện có 31 trang web của các cơ quan nhà nước, các cổng thông tin điện tử đảm bảo người khuyết tật có thể truy cập. Thống kê, có khoảng 25% người khuyết tật tiếp cận được với thông tin từ các nguồn khác nhau. Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh thực hiện công tác truyền thông, thông tin, trợ giúp pháp lý giúp nhân dân nắm bắt đầy đủ về các văn bản, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật. Từ năm 2013 đến 2018, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh đã tổ chức tuyên truyền trợ giúp pháp lý bằng nhiều hình thức với 1.142 đợt cho trên 79.000 lượt người tham dự (trong đó đã tư vấn cho 225 vụ việc với 225 đối tượng là người khuyết tật) tại các xã nghèo, bản đặc biệt khó khăn. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ của người khuyết tật được lồng ghép vào đời sống văn hóa cộng đồng, được tổ chức đa dạng về loại hình, phần nào đã đáp ứng nhu cầu thụ hưởng về văn hóa, văn nghệ của người khuyết tật.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Sơn La còn gặp một số khó khăn nhất định như: Hầu hết số người khuyết tật được trợ giúp xã hội còn nhiều khó khăn, mức trợ giúp xã hội còn thấp chưa đáp ứng với nhu cầu đời sống của đối tượng; việc tiếp cận các dịch vụ về y tế, giáo dục, dạy nghề, văn hóa thể thao… của người khuyết tật còn hạn chế và gặp rất nhiều khó khăn. Các hoạt động dịch vụ và công tác tư vấn cộng đồng về công tác trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn tỉnh chưa phát triển, công tác tư vấn tại các Trung tâm trợ giúp xã hội còn hạn chế. Kết quả dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật chưa nhiều, một số nghề đào tạo không phù hợp với điều kiện sức khỏe, khả năng của người khuyết tật; không có đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, mô hình phát triển kinh tế phù hợp với đặc thù của người khuyết tật; việc giải quyết việc làm sau học nghề cho người khuyết tật còn nhiều bất cập.
Thời gian tới, tỉnh Sơn La đề nghị Bộ Lao động-TBXH nghiên cứu trình Chính phủ tiếp tục duy trì các chính sách ưu tiên cho công tác trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật. Nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội cho người khuyết tật cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Đầu tư nguồn lực cho chính sách pháp luật trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật. Xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ về y tế, giáo dục, văn hóa thể thao…
Minh Nhật/GĐ&TE