Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Sơn Mỹ-50 năm hành trình hồi sinh

Có một câu hỏi luôn được đặt ra là sau 50 năm diễn ra cuộc thảm sát ở Sơn Mỹ, rằng người dân Tịnh Khê đã nguôi ngoai lòng căm thù hay chưa. Rất khó để có câu trả lời chính xác cho điều này, nhưng có một điều chắc chắn rằng, có rất nhiều những con người đã từng ở cả “hai bên chiến tuyến” đang từng ngày hồi sinh cho vùng đất này.

Đỗ Ba và con trai bênh di ảnh 2 phi công Mỹ đã cứu sống mình 50 năm về trước.

Đỗ Ba và con trai bênh di ảnh 2 phi công Mỹ đã cứu sống mình 50 năm về trước.

 

 

1. Đỗ Ba là một trong những cậu bé sống sót trong vụ thảm sát năm nào. Sau này, khi đã lớn khôn và tha phương ở đất Sài Gòn, dù có bận đến mấy, cứ đến tháng 3 hàng năm Đỗ Ba lại khăn gói về quê dự ngày giỗ chung cho 504 đồng bào vô tội. Đỗ Ba sống sót qua vụ thảm sát là do 3 phi công Mỹ ( Hugh Thompson, Larry Colburn, Glenn Andreotta) cứu sống trong vụ thảm sát Mỹ Lai năm 1968. Họ đã hội ngộ cùng Đỗ Ba vài lần ở Mỹ Lai từ năm 2001. Tuy nhiên, các ân nhân của Đỗ Ba đã lần lượt qua đời. Tháng 3 năm ngoái(2017), Đỗ Ba đã gửi thư sang Mỹ để chia buồn với gia đình cựu phi công Mỹ đã cứu sống mình, nội dung của lá thư có đoạn: “Chào bà Cô Bơn. Tôi là Đỗ Ba, là đứa bé Mỹ Lai mà chồng bà và 2 người phi công nữa đã cứu sống tôi trong vụ thảm sát. Cả nhà tôi, cha mẹ, 2 em tôi bị giết sạch. Xác của mẹ, em tôi đã đè lên tôi dưới con mương nên tôi sống sót. Tôi đã gặp chồng bà mấy lần ở Sài Gòn và ở Mỹ Lai; chồng bà và ông phi công Thôm Sơn đã nhận tôi làm con nuôi. Chắc chồng bà có kể chuyện này cho bà nghe. Tháng 3 rồi, tôi về làm giỗ cho gia đình tôi và dự lễ tưởng niệm ở  quê mới hay tin cha nuôi của tôi, tức chồng bà đã qua đời. Tôi ngỡ ngàng và đau lòng, vì tôi nghe một số người quen của tôi nói rằng ông vẫn khỏe mạnh và hứa sẽ quay về Mỹ Lai vào dịp tưởng niệm 50 năm. Tôi đã mong gặp lại cha nuôi từng ngày. Tôi coi ông như người thân ruột thịt, người sinh ra mình. Tôi viết thư này để gửi lời chia buồn đến bà và gia đình. Tôi mong một ngày sẽ được gặp bà và gia đình bà vào năm sau ở Mỹ Lai. Xin thắp nén nhang cho cha tôi! Cảm ơn bà. Mong bà khỏe mạnh. Tái bút: Tôi đã lập bàn thờ cho ông Cô Bơn và Thôm Sơn ở quê." 

Bây giờ thì Đỗ Ba đã về ngụ hẳn ở quê sau gần 35 năm lăn lộn ở Sài Gòn, Đỗ Ba nói: “Tui cũng già rồi, về quê làm ăn lo cho con cái và lo việc thờ phụng những người thân trong gia đình”. Đỗ Ba cũng như rất nhiều người dân khác ở Sơn Mỹ đã và đang hàn gắn những vết thương lòng năm nào qua những câu chuyện cảm động như vậy. Và cũng Chính Đỗ Ba đã làm cầu nối để hòa giải cho những lỗi lầm năm cũ. 

 Roy Mike Boehm đã đồng hành với rất nhiều chương thiện nguyện tại Quảng NGãi.

Roy Mike Boehm đã đồng hành với rất nhiều chương thiện nguyện tại Quảng NGãi.

 

 

2. 50 năm qua, đã có rất nhiều người Mỹ quay trở lại Sơn Mỹ để hàn gắn những vết thương do chính đồng đội của họ gây ra. Có một người bạn đến từ nước Mỹ luôn có mặt tại lễ tưởng niệm 504 đồng bào Sơn Mỹ bị sát hại hàng năm - đó là ông Roy Mike Boehm, một cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam.  Vào ngày 16/3 hàng năm, ông Mike lại kính cẩn nghiêng mình trước nỗi đau Sơn Mỹ và trước tượng đài Sơn Mỹ, bằng cây đàn violon cũ kỹ, năm nào ông cũng cất lên tiếng đàn để cầu mong sự siêu thoát cho các linh hồn vô tội.

Tháng 3 năm 2018 vừa qua, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã trao kỷ niệm chương ghi nhận cống hiến "Vì sự phát triển của phụ nữ Việt Nam" cho cựu binh Mỹ Roy Mike Boehm. Đây là sự tri ân những năm tháng ông Mike Boehm gắn bó với phong trào phát triển kinh tế của phụ nữ nghèo ở vùng nông thôn Quảng Ngãi.

Người cựu binh này không quản ngại khó khăn đi về các miền quê Quảng Ngãi thăm hỏi, hỗ trợ vốn giúp phụ nữ xóa đói, giảm nghèo. Từ số tiền ban đầu vỏn vẹn 3.000USD, ông Mike Boehm đã lặng lẽ quyên góp vốn hỗ trợ cho hàng trăm phụ nữ nghèo ở Quảng Ngãi với hơn 1,6 tỉ đồng. Ông còn xây nhà tình thương cho các chị em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Mike Boehm còn kêu gọi các tổ chức, cá nhân nước ngoài ủng hộ hàng tỉ đồng giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, trao học bổng cho học sinh nghèo, hỗ trợ công trình nước sạch cho các trường học Quảng Ngãi. Đến Sơn Mỹ và bắt đầu những hành động đẹp của mình từ năm 1993, ông đã khiến phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi vô cùng xúc động. Họ thường gọi ông là "ông Mai phụ nữ", thậm chí kết nạp ông làm hội viên danh dự của Hội phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi.

Suốt 25 năm qua, tiếng vĩ cầm của Mike Boehm luôn vang lên trong lễ tưởng niệm không chỉ cầu nguyện cho 504 linh hồn vô tội được siêu thoát mà quan trọng hơn, nó còn truyền đi thông điệp hòa bình từ Sơn Mỹ đến với bạn bè khắp nơi trên thế giới.

 Ronald Habelerl(áo trắng) tác giả của bộ ảnh hơn 60 tấm về cuộc thảm sát Mỹ Lai.

Ronald Habelerl(áo trắng) tác giả của bộ ảnh hơn 60 tấm về cuộc thảm sát Mỹ Lai.

 

 

Trong số hàng triệu người Mỹ đã đến Mỹ Lai sau chiến tranh và hàng ngàn cựu binh Mỹ đã đặt chân đến vùng đất mà đồng đội của họ, hoặc chính họ đã gây ra tội ác năm xưa có một con người đặc biệt, đó là phóng viên chiến trường Ronald Habelerl, tác giả của bộ ảnh hơn 60 tấm về cuộc thảm sát Mỹ Lai. Ông từng tâm sự : Nhiều năm sau chiến tranh, tôi rất muốn trở lại Việt Nam, nhưng nỗi ám ảnh về buổi sáng kinh hoàng tại Mỹ Lai sáng 16/3 cứ níu mãi chân tôi, mặc dù mục đích trở lại Sơn Mỹ của tôi không phải với tư cách là tác giả bộ ảnh, cũng không là phóng viên chiến trường năm xưa, tôi đến để tạ lỗi thay những quân nhân của nước tôi. 

Thăm lại khu làng trước đây mình đã chụp những bức ảnh tang thương, Ron Haeberle xúc động nói: Lúc xảy ra sự việc, tôi chỉ cố gắng ghi lại những hình ảnh chân thật nhất để tái hiện sự việc. Tôi biết những hình ảnh đó rất rùng rợn nhưng đó là sự thật nên phải chụp lại. Tôi xin lỗi tất cả mọi người về những gì đã xảy ra. Hàng loạt bức ảnh đang được trưng bày tại phòng trưng bày hình ảnh của Khu chứng tích Sơn Mỹ tái hiện về những cái chết tang thương của 504 người dân cùng sự dã man của quân đội Mỹ đều do Ron Haeberle - với tư cách là phóng viên quân đội chính thức của Mỹ khi ấy, ghi lại.

3. Bây giờ thì Sơn Mỹ đã đồi thay rất nhiều và theo đề án nâng cấp “Từ xã lên phường” thì đến năm 2020 xã Tịnh Khê sẽ chính thức trở thành phường của TP Quảng Ngãi. Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê, Trương Thanh Thảo cho biết: Đến cuối năm 2017, toàn xã còn 118 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 3,4%; 96 hộ cận nghèo, tỷ lệ 2,8%. Đây là một trong những khó khăn cho địa phương chúng tôi vì theo đế án “từ xã lên phường” thì tỷ lệ hộ nghèo phải dưới 2%. Mà số hộ nghèo ở Tịnh Khê đa phần lại rơi vào các gia đình có người già neo đơn, không nơi nương tựa. Trong những năm qua chúng tôi đã  phối hợp với mặt trận và các hội đoàn thể kịp thời giải quyết, hỗ trợ cho những gia đình hộ nghèo gặp khó khăn, thiên tai hoạn nạn.

Ngoài ra, tại Tịnh Khê hiện có nhiều công trình kết nối hạ tầng, tạo ra động lực cho xã phát triển như khu du lịch Mỹ Khê, cầu Cửa Đại và đặc biệt là trong Lễ tưởng niệm 50 năm thảm sát Sơn Mỹ, tỉnh Quảng Ngãi đã chính thức ra mắt Quĩ Hòa bình Mỹ lai và qui hoạch xây dựng công viên Hòa Bình Mỹ Lai tại địa bàn xã. Với những công trình này sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng không chỉ tạo ra công ăn việc làm cho người dân địa phương mà còn tạo ra quần thể du lịch, văn hóa tâm linh, là địa chỉ không thể thiếu khi đến Quảng Ngãi. Ông Trương Thanh Thảo cho biết thêm.

Từ này đến năm 2020, Tịnh Khê sẽ cón rất nhiều phải làm để hoàn thành chỉ tiêu “từ xã lên phường” nhưng ngay từ bây giờ, mỗi người dân Sơn Mỹ đang góp từng “viên gạch” để hồi sinh cho vùng đất này.