Sống chậm, sống lành mạnh nhờ Covid
Trước đây, chị Huyền My thường cuống cuồng mỗi buổi sáng trước khi ra khỏi nhà. Cả nhà chị My cùng dậy từ 6h30, anh chồng 7h đã phải có mặt ở công trình nên một mình chị My xoay sở với lũ nhỏ. Nào giục giã các con đánh răng, rửa mặt, thay đồng phục, đi mua đồ ăn sáng cho cả nhà, đưa đứa lớn đến trường tiểu học, đứa nhỏ vào lớp mầm non, rồi tất tả phóng như bay tới công ty, mà hầu như lúc nào chị cũng là người đến cơ quan muộn nhất. Nhiều hôm chị còn chẳng kịp ăn sáng, ngồi họp với sếp mà bụng sôi ùng ục phát ngượng.
Buổi chiều, chưa hết giờ làm việc theo quy định chị đã nhấp nhổm về đón con, hôm nào nhiều việc công ty quá, chị mới nhờ chồng đón con. Đón con xong lại quay ra đi chợ. Về nhà, hai vợ chồng cùng “song kiếm hợp bích” nấu cơm để 7h kịp ăn bữa tối. Ăn xong nghỉ ngơi 10-15 phút, chồng chị chở đứa lớn đến trung tâm ngoại ngữ gần nhà học tiếng Anh. Ở nhà, chị rửa bát, quét nhà, giặt giũ quần áo, quay cuồng đến tầm 9h tối mới tạm được gọi là nghỉ ngơi.
Đó là lịch sinh hoạt một ngày bình thường của gia đình chị My. Còn bây giờ, mùa dịch, hai đứa nhỏ nghỉ học, cơ quan chị cũng vừa mới ra quyết định cho nhân viên ở nhà làm việc online. Buổi sáng không còn phải sấp ngửa đưa con đi học rồi đi làm, chiều tối không phải chạy đua với thời gian len lỏi trên các con phố đông nghịt người để kịp đón con, gia đình chị My có thêm nhiều khoảng thời gian để ở bên nhau.
Covid khiến cho nhiều chị em có thời gian trổ tài nội trợ, nấu nướng đảm đang. Ảnh minh họa
Sợ nhiễm bệnh, chị My không dám đưa các con đi ăn sáng, chị cũng hạn chế ra ngoài mua đồ ăn nên mua sẵn các nguyên liệu để nấu bữa sáng cho cả nhà. Hôm thì phở bò, hôm mì tôm sườn, hôm bánh mì ốp trứng pate, hôm xôi ruốc, cháo gà… Tuy không được phong phú như các hàng ăn sáng ngoài phố nhưng luôn đảm bảo sạch sẽ và đủ chất dinh dưỡng.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh, chị My nâng cao ý thức giữ gìn sức khỏe, nào súc miệng nước muối pha loãng ngày hai lần sáng và tối trước khi đi ngủ, sáng dậy uống mật ong chanh đào pha nước ấm, ăn sáng xong là uống cốc C sủi, ăn trưa xong mỗi người một hộp sữa chua, tối người lớn uống rượu tỏi, trẻ con uống mật ong pha nước ấm… Kết quả thật không ngờ, người thường xuyên mắc cúm như chị My từ Tết đến giờ không bị cúm “vật” lần nào. Đứa nhỏ 5 tuổi nhà chị chẳng mùa xuân nào không bị viêm họng, viêm amidan hay viêm da dị ứng thời tiết mà trộm vía hiện tại hoàn toàn khỏe mạnh. Anh chồng chị dân công trình trước đây hay nhậu nhẹt tiếp khách hàng, tuần hai lần đá bóng với đồng nghiệp là hai lần bia hơi đến khuya mới về, giờ tất cả “stop”. Chị hầu như ở nhà cả ngày với các con, chồng chị tuy vẫn đi làm nhưng chỉ là đi làm đơn thuần, không cà phê, nhậu nhẹt. Cuộc sống lành mạnh hơn hẳn từ ngày có sự xuất hiện của con virus gớm ghiếc Covid-19.
Tranh thủ mùa dịch, nhiều chị em tích cực trồng rau xanh vừa để có rau sạch ăn, vừa để hạn chế phải đến chợ (nơi tập trung đông người). Ảnh minh họa
Phụ nữ ai cũng đảm đang hơn nhờ Covid-19
Ngày trước, cứ mở Facebook, Instagram ra là tràn ngập ảnh chị em “sống ảo”. Mua một chiếc váy mới, cắt kiểu tóc mới, ăn ở một nhà hàng sang chảnh, đi du lịch đâu đó trong và ngoài nước, túm lại đi đâu, ăn gì, mua gì chị em đều có ảnh đăng Facebook, Instagram. Điều đó dường như trở thành thói quen và lẽ sống của nhiều người. Nay thì mở Facebook, Instagram ra ngập tràn ảnh các món ăn “chuẩn cơm mẹ nấu”, nhiều chị em rảnh rỗi hơn còn trồng rau, nuôi thú cưng, thậm chí đan lát, thêu thùa, nữ công gia chánh ai cũng khéo cả. Kỳ thực, có muốn tiếp tục đăng ảnh “sống ảo” cũng chẳng được vì các chuyến bay đa phần đã bị hoãn, các nhà hàng, quán cà phê, thậm chí phòng tập gym, hàng gội đầu cũng đã phải ngưng hoạt động. Làm gì còn chỗ để ta “sống ảo”, bệnh dịch thế này, lúc này không sống thật thì còn lúc nào thật hơn để thể hiện bản thân cơ chứ, nhất là khi cả nước đang dấy lên phong trào “Ở nhà là yêu nước”.
Có rất nhiều điều chưa từng có tiền lệ đã xảy ra với không ít chị em chúng ta. Cô bạn tôi, 38 tuổi, một bà mẹ đơn thân, một người phụ nữ thành đạt và bận rộn, người chưa từng một lần tự nấu ăn sáng ở nhà, nay, mỗi ngày cô nấu một món ăn sáng khác nhau, nóng hổi thơm phức cho hai mẹ con cùng thưởng thức. Bữa trưa, bữa tối cô cũng miệt mài dốc vào đó bao nhiệt huyết và tình yêu với bếp núc để làm ra những bữa ăn không chỉ ngon mà còn vô cùng đẹp mắt, điều mà trước đây cô nghĩ chỉ có các đầu bếp nhà hàng mới có thể làm được.
Covid-19 với chiếc khẩu trang thường trực cũng đã khiến cô cắt giảm đến 80% chi phí mua son và phấn như thường lệ. Tiền mua mỹ phẩm chuyển qua đầu tư vào ăn uống. Bé con 11 tuổi của cô kinh ngạc vì sự thay đổi ngoạn mục ở mẹ. Có những điều người bạn đời của bạn cho dù mất rất nhiều năm và công sức cũng chẳng thể thay đổi được bạn, nhưng chỉ một con virus nó khiến bạn phải chuyển mình để tồn tại, thích nghi và để sống tốt đẹp hơn.
Một cô bạn khác vốn làm trong lĩnh vực du lịch, vì dịch Covid-19, cô chính thức thất nghiệp toàn tập. Trong khi đó, chồng cô cũng đang làm việc cầm chừng vì doanh nghiệp ít việc. Hai vợ chồng cô vừa mới gom góp mua được căn chung cư trả góp vẫn còn đang nợ ngân hàng đầm đìa, nay thì dịch bệnh và thất nghiệp, “cái đói” hiện hữu treo lơ lửng khiến cô stress phát ốm. Có khi chưa chết vì dịch bệnh thì đã chết vì… đói, nhưng cái khó ló cái khôn, không thể ngồi yên chờ chết được, cô bạn tôi xoay sở sang bán thức ăn làm sẵn online. Cô mua các loại hải sản tươi sống từ dưới quê lên và chế biến thành các món ăn sẵn bán cho mọi người. Nào cá bống biển kho, cá thu cắt khúc sốt cà chua, chả mực, chả cá mối, tôm rảo rang thịt ba chỉ, mắm tép chưng thịt… Lúc đầu, chủ yếu bạn bè mua ủng hộ, sau thấy đồ ăn của cô vừa ngon lại rẻ hơn ở các siêu thị, cửa hàng, nhiều khách lạ bắt đầu vào đặt online. Thời buổi dịch bệnh, ai cũng ngại đi chợ, đi siêu thị, thành ra người bán thực phẩm, thức ăn online như cô lại có cơ hội làm ăn. Thất nghiệp không làm gia đình cô bạn tôi chết đói, thậm chí, thu nhập từ việc bán thức ăn online còn cao hơn nhiều so với việc đi tour triền miên trước đây của cô.
Covid-19 bên cạnh những hệ lụy khủng khiếp về sức khỏe, kinh tế, văn hóa, xã hội…, thì ở một khía cạnh nào đó, nó là thử thách lẫn cơ hội để nhiều chị em khẳng định bản lĩnh đảm đang, tháo vát và thông minh của mình.
Bình Yên/GĐTE