Đó là trường hợp của ông Trọng (63 tuổi, tên đã thay đổi) được nhóm bác sĩ tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) chia sẻ tại Hội thảo hàng năm Phòng chống Ung thư TP.HCM lần thứ 22.
Theo hồ sơ, ông A. đến bệnh viện khám vì có khối u vú trái. Bệnh nhân đã thấy khối u vú 20 năm nay nhưng chỉ khám và điều trị khối u cứng chắc được 3 tháng trước khi nhập viện. Khối u không đau, vị trí nằm ở 1/4 dưới trong vú trái, đường kính 2cm, rất chắc và không dính da.
Qua thăm khám, các bác sĩ không thấy chảy dịch núm vú, không sờ thấy hạch nách. Kết quả chọc tế bào khiến ông A. bất ngờ khi phát hiện mình bị ung thư biểu mô tuyến vú. Ảnh chụp X-quang ngực không thấy di căn phổi, siêu âm ổ bụng không thấy di căn gan.
Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cắt toàn bộ vú và vét hạch nách.
Hậu phẫu, bệnh nhân chưa thấy tái phát lại.
Theo các bác sĩ, ung thư vú ở nam khá hiếm gặp, chỉ chiếm 1% trong bệnh ung thư vú nhưng tỉ lệ mắc đang tăng.
Nam giới tuổi hay gặp ung thư vú là 67-71 tuổi, muộn hơn 10 năm so với nữ.
Một nghiên cứu gần đây chỉ ra nguyên nhân gây ung thư vú ở nam là do hormone nội tiết, sự giảm androgen và tăng estrogen.
Những yếu tố nguy cơ gây bệnh gồm hội chứng Klinefelterm, tinh hoàn lạc chỗ, viêm và chấn thương tinh hoàn, đã cắt tinh hoàn, dậy thì muộn, vô sinh...
Khoảng 20-30% ung thư vú nam giới có yếu tố gia đình. Ngoài ra có thể do yếu tố dân tộc.
Biểu hiện triệu chứng trước khi được chẩn đoán có thể từ 1-8 tháng.
Khối u không đau có thể xảy ra ở 13-90% bệnh nhân. 1/3 bệnh nhân có triệu chứng tụt núm vú, loét đầu vú, phù nề núm vú.
Chảy dịch lẫn máu gặp trong khoảng 75% các trường hợp ác tính. 15% chảy dịch bất thường, 27% bệnh nhân có hiện tượng loét da.
Khám lâm sàng (siêu âm, X-quang) là cách đánh giá khối u dễ dàng ở nam.
Phương pháp điều trị chính là cắt toàn bộ vú và vét hạch nách. Với những bệnh nhân có thành ngực dày bị ảnh hưởng, một phần của cơ ngực nên được cắt bỏ.
Thông thường vì phát hiện muộn, nam giới được chẩn đoán bệnh ở giai đoạn tiến triển trễ nhiều hơn nữ.
Những vị trí có thể di căn bao gồm xương, phổi, gan, não... Thời gian sống trung bình khi phát hiện bệnh ở giai đoạn di căn là 26.5 tháng.
Vì tỉ lệ rất thấp trong cộng đồng, sàng lọc ung thư vú nam giới không được thực hiện. Cộng thêm việc thiếu hiểu biết, phát hiện muộn và trì hoãn điều trị, kích thước khối u lớn dẫn đến tỉ lệ mắc và tử vong tăng lên.