5 năm về làm dâu, Hà không hề mâu thuẫn với mẹ chồng, thế nhưng cô lại đang rất mệt mỏi, khổ sở vì bố chồng vô cùng khó tính và độc đoán. Nhớ lại ngày Thành đưa về ra mắt gia đình, Hà đã phát hoảng vì thái độ của bố anh. Ông lầm lì, lạnh lùng nhìn Hà từ đầu tới chân và đặt ra vô vàn câu hỏi, từ lý lịch gia đình, công việc, thu nhập, sở thích đến cảm nghĩ về hoàn cảnh gia đình bạn trai… Hà bảo, nếu hôm đó không có mẹ anh gần gũi, xởi lởi, chủ động xóa tan không khí căng thẳng thì có lẽ cô sẽ không dám về nhà Thành thêm một lần nào nữa.
Khi Thành bàn chuyện cưới xin, Hà cứ đắn đo. Cô yêu anh, nhưng nghĩ đến viễn cảnh phải sống chung cùng bố chồng, Hà lại lo. Thành động viên, rằng bố anh khó tính, lạnh lùng thế thôi chứ thực lòng rất yêu thương con cháu. Mẹ anh cũng chủ động gọi điện chấn an Hà rằng, sau này, nếu gặp vấn đề gì mâu thuẫn với bố chồng, bà sẽ luôn đứng về phía Hà.
Ảnh minh họa
Được người yêu và mẹ chồng tương lai động viên, Hà yên tâm làm đám cưới. Tuy nhiên, khi đã thực sự trở thành người một nhà, Hà mới thấm thía những khổ sở khi có bố chồng khó tính, gia trưởng. Về bản chất đúng là bố chồng Hà không phải người xấu, thế nhưng cả nhà sống khổ vì ông quá sạch sẽ, gia trưởng tới mức hà khắc. Ông tự đặt ra vô vàn nguyên tắc và bắt cả nhà phải tuân theo. Nếu ai vô tình trái ý sẽ hứng chịu cơn thịnh nộ của ông. Ông quy định, bình nóng lạnh chỉ được bật trước khi tắm 5 - 10 phút; phải dùng bếp than đun nước nóng, nấu ăn; hạn chế dùng bếp từ; tuyệt đối không được dùng ấm siêu tốc; chỉ được giặt máy giặt một tuần 2 lần vì giặt nhiều máy nhanh hỏng… Ngày nào cũng phải lau dọn nhà cửa sạch bóng. Các cháu trót bầy đồ chơi ra nhà, ông sẽ không nhắc nhở mà lặng lẽ thu dọn và bỏ hết ra thùng rác. Lúc nào ông cũng khó đăm đăm, chả khi nào nở nụ cười kể cả nhà có chuyện vui. Ông bắt phụ nữ trong nhà không được mặc váy, quần sooc, áo sát nách. Hà đấu tranh mãi, rằng mặc váy đi làm là lịch sự, hơn nữa công việc của cô nhiều khi cũng cần mặc váy đồng phục thì ông không cấm nữa. Thế nhưng, mỗi lần thấy Hà mặc váy đi làm, ông cũng lườm rồi tra hỏi, rằng đi đâu, gặp ai mà ăn diện thế? Thấy Hà mua sắm đôi giầy, cái túi, thảo nào ông cũng cằn nhằn bảo cô hoang phí, túi đã rách, giầy đã hỏng đâu mà mua mới…
Gặp phải bố chồng khó tính thì mẹ chồng chính là “đồng minh”, là cứu tinh của bạn. Hãy tâm sự với mẹ chồng hay những người thân cận nhất với bố chồng, dù chưa chắc những người đó giúp bạn giải quyết được vấn đề, nhưng tâm lý bạn sẽ thoải mái hơn rất nhiều, không nên để những “cục tức” dồn nén lại quá lâu, dễ biến vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn.
Trong nhà Hà, người “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành” không phải mẹ mà là bố chồng cô. Ông tính toán và quy định rõ ràng chai nước rửa bát, chai nước giặt, can dầu rán, chai nước mắm, cân mì chính, gói bột canh… phải dùng được trong thời gian bao lâu. Nếu tháng đó nước giặt hay dầu ăn, nước mắm hết sớm hơn quy định thì người chịu mắng nhiếc sẽ là Hà. Cái bếp từ, lò vi sóng đến cái ghế nhựa, ổ điện, bơm xe đạp, thậm chí cả cốc uống nước ông cũng ghi ngày tháng mua để tiện theo dõi “tuổi thọ” của sản phẩm.
Bố chồng là người lên thực đơn ăn uống và bắt Hà ngày nào cũng phải dậy sớm đi chợ để mua đồ cho tươi ngon. Ông căn dặn từng li từng tí từ việc nhặt rau, rửa rau như thế nào để rau vẫn còn chất mà không bị nát đến nghiệm chọn thịt sao cho thật tươi ngon... Mỗi lần Hà nấu ăn là “cảnh sát bố chồng” luôn kè kè bên cạnh nhìn ngó kiểm tra. Làm chưa đúng ý ông là y như rằng Hà sẽ bị “lên lớp” cả tiếng.
Ảnh minh họa
Nhà có con nhỏ, hơn nữa, với quan điểm đồ đạc mua sắm về là để phục vụ cuộc sống nên nhiều lúc Hà vẫn bật bình nóng lạnh để sẵn có nước nóng rửa ráy cho con, hay thỉnh thoảng cô cũng sử dụng bình siêu tốc, bếp từ nấu ăn cho nhanh… Và khi bố chồng phát hiện thì cả tuần, cứ hễ ngồi vào mâm cơm, ông sẽ “tra tấn” cả nhà bằng “bài ca”: Đã bảo nhà chật, tiền ít thì phải tiết kiệm, thế mà có người cậy làm ra tiền nên hoang phí… Ông sẽ đay nghiến, rằng Hà con nhà lính tính nhà quan. Suốt ngày, ông đi săm soi khắp nhà xem ai vi phạm quy tắc để phạt. Mà kiểu phạt của ông cũng quái gở. Có lần, cả nhà hết hồn khi ông lặng lẽ tới trường đón cháu rồi cho đi chơi. Hà về đón con, tìm mãi không thấy, ở nhà cũng không có nên phải huy động mọi người đi tìm. Trong lúc cả nhà hoảng loạn định lên phường báo công an thì bố chồng cô đủng đỉnh dẫn cháu về. Ông bảo, làm vậy để dạy Hà một bài học vì cô dám đón con muộn 10 phút.
Đi làm thì thôi, về nhà lúc nào cũng nơm nớp lo nhỡ vô tình làm sai quy định, trót để cái này sai vị trí, làm cái kia không đúng ý bố chồng, Hà rất mệt mỏi, ức chế. Biết con dâu ấm ức, mẹ chồng Hà chỉ biết động viên, khuyên Hà nên bỏ qua, không nên tức giận trong lòng. Thành cũng thấu hiểu những ấm ức của vợ nên anh luôn động viên, tìm mọi cách bù đắp cho vợ. Vẫn biết là phải luôn cố gắng, bỏ qua mọi chuyện, nhưng những lúc mệt mỏi quá, Hà đã nghĩ tới chuyện từ bỏ tất cả.
Nếu bố chồng không tự ý thức được việc thay đổi thì tại sao bạn không thử làm thay đổi suy nghĩ, thái độ của bố chồng? Hàng ngày, thay vì xa lánh, tránh mặt, hãy dành thời gian để hiểu tâm tư, tình cảm bố chồng hơn nữa, hãy khám phá những ưu điểm trong con người ông. Sự yêu thương và chân thành luôn là “liều thuốc” hiệu quả giúp bạn giải quyết mọi mâu thuẫn trong gia đình.
Hồng Trần/GĐTE