Ảnh minh họa
Cơ hội để sửa sai sau vấp ngã
Có cô hoa hậu từng phải đi tù vì tội môi giới mại dâm, một thời gian dài mãn hạn tù, cô sống trong yên lặng, nhủ lòng mình như sám hối. Rồi cô được mời tham gia một chương trình ca nhạc nhỏ, trong vai trò MC. Ngay lập tức, cô bị một cơn bão đá từ giới truyền thông… Cuộc sống đầy bất trắc thời hiện đại làm phụ nữ đã đầy gian nan, lại vướng vào rủi ro, khó trăm bề, tưởng như không thể sống lại cuộc đời bình thường.
Không ít người nhủ lòng với cô: Chỉ có người vô tâm mới thỏa mãn bới móc những vấp ngã của người khác. Vấn đề là khi họ đã vấp ngã và muốn quay lại, ngần ngại gì mà đắn đo, hơn thiệt gì mà không mở rộng vòng tay. Là con người không tránh được những vấp ngã, thương cho cả những phận đời đen bạc, biết đâu rồi chính mình cũng run rủi vấp ngã.
Tôi có một thời gian hay phải đi xe khách từ nhà vào nội đô. Những chuyến xe bao giờ cũng như một đời sống xã hội thu nhỏ: Có cảnh chen lấn và nhường nhịn, có những câu chuyện buồn nhưng cũng có không ít chuyện xúc động, có người già, người trẻ, người sang, kẻ nghèo… Tôi là khách quen nên có hôm vắng khách, anh phụ xe có kể lại một câu chuyện mà tôi nhớ mãi. Chuyến xe từ nội đô ra ngoại ô bữa ấy đông khách, lẫn trong tốp khách mới lên xe ở bến phụ có một thanh niên mà người phụ xe nhang nhác nhớ, anh ta lên xe với bộ dạng khả nghi. Quan sát và ổn định chỗ ngồi cho hành khách xong, người phụ xe vẫn kín đáo quan sát anh thanh niên nọ. Đến bến đỗ mới, có một chị lên xe. Ngay lập tức, người thanh niên tiếp cận tạo tình huống chen lấn để hành động. Chớp nhoáng, chiếc ví trong túi xách của chị mới lên xe bị móc mất. Tất cả hành động đó không ngoài tầm mắt của người phụ xe. Đợi cho xe đi được một đoạn, anh phụ xe tiến lên đứng sát vào gã thanh niên, nói nhỏ đủ nghe: Anh là phụ xe, cũng có thêm trách nhiệm gìn giữ an toàn cho khách, nghe anh nhé, em vừa lấy ví của chị kia, anh biết hết. Chuyện này chỉ anh và em biết thôi nhé, như một lần trót dại, em đưa anh chiếc ví để trả chị đó.
Người thanh niên có ý định cự cãi, nhưng anh phụ xe vẫn ôn tồn: Mau đưa anh, chỉ anh em mình biết việc này thôi. Đuối lý và bị thuyết phục bởi thái độ nhỏ nhẹ của anh phụ xe, người thanh niên đưa lại chiếc ví. Cầm chiếc ví, anh phụ xe xuống bên người phụ nữ nói: Chị đánh rơi chiếc ví xuống sàn xe rồi đây này. Sau phút bất thần, chị mừng rỡ cảm ơn nhiều lần anh phụ xe tốt bụng.
Tôi hỏi anh: Sao không chọn giải pháp khác, ví như quây la lên để mọi người cùng vây bắt, hay bảo lái xe đưa thẳng xe tới đồn công an? Anh phụ xe nói: Hãy cho họ cơ hội để phục thiện. Hô hoán, quây đánh cảnh cáo hay đưa đến đồn cảnh sát sẽ cho tình huống ngày càng đen tối bởi sự lạnh lùng không chịu bỏ qua, không chịu tha thứ cho người khác.
Trong cuộc đời này, không có đường rẽ nào là không thể quay đầu lại, không có sai lầm nào là không thể cải chính. Đối diện với sai lầm của người khác, có khi khoan dung lại có sức mạnh cải biến hơn cả trừng phạt. Nếu như người phụ xe đó bảo tài xế đưa xe đến sở cảnh sát thì “người nhanh tay” móc ví kia chắc chắn sẽ phải nhận sự trừng phạt của pháp luật. Tuy hành động là giương cao chính nghĩa, trừng trị tội phạm nhưng nó lại khiến một người mãi mất đi cơ hội sửa sai, chuộc lại lỗi lầm, làm lại từ đầu. Người phụ xe nọ không chỉ đã bảo vệ được tài sản của nữ hành khách, mà còn cho kẻ trộm ví một cơ hội hoàn lương.
Ảnh minh họa
Tha thứ, khoan dung có sức mạnh hơn trừng phạt
Nói về lòng khoan dung, thứ tha, thời Chiến Quốc (476 - 221 TCN) có câu chuyện: Sở Trang Vương một hôm cho bày yến tiệc linh đình, thết đãi các đại thần. Trong tiệc, gió lớn nổi lên bỗng thổi tắt hết đèn nến. Khi ấy, một quan viên lợi dụng đêm tối, kéo áo chọc ghẹo cung nữ của nhà vua. Người cung nữ ấy nhanh tay giật đứt dải mũ của ông này rồi tâu lên Sở Trang Vương, sau đó muốn thắp đèn nến lên, tìm xem ai là người đã chọc ghẹo mình và xử tội. Đùa giỡn ái cơ của vua có nghĩa là làm nhục đến nhà vua. Đó là hành vi đại nghịch và coi thường đạo lý vua tôi. Nhưng, Sở Trang Vương nghĩ một lát rồi cao giọng nói to lên: Khoan hãy châm nến! Hôm nay, trẫm muốn cho các khanh được vui vẻ sảng khoái. Không cần phải mũ áo thật chỉnh tề, mọi người hãy giật đứt hết các dải mũ thì mới vui! Văn võ bá quan ngơ ngác, nhưng lệnh vua nào ai dám trái, thế là các đại thần văn võ đều giật đứt dải mũ của mình! Nhân thế, người trêu ghẹo cung nữ kia không bị lộ mặt nữa. Hai năm sau, nước Sở đánh nhau to với nước Tấn. Qua năm trận kịch chiến, quân Sở có một võ tướng liều mình, tả xung hữu đột, không màng sống chết, luôn đi tiên phong. Quân Sở nhờ vậy thường thắng luôn. Sau này, Sở Trang Vương lấy làm lạ, bèn cho gọi đến hỏi ngọn ngành. Người ấy bèn thưa: Thần chịu nghĩa xưa, đội ơn dày của bệ hạ đã tha cho tội khi quân. Vốn mong muốn liều chết để báo đền ân đức bệ hạ, đến nay thần mới có dịp. Thần là Tưởng Hùng, là người năm xưa trêu ghẹo cung nữ của bệ hạ trong tiệc rượu.
Sở Trang Vương quả thực có lòng hào hiệp, bụng dạ cũng không chút hẹp hòi, nhỏ nhen. Nếu không tha thứ cho Tưởng Hùng lỗi lầm trên bàn rượu đêm hôm ấy, thử hỏi lấy ai là kẻ tiên phong, xông vào mũi tên hòn đạn mà chiến đấu hết mình cho ông đây? Sở Trang Vương nhẫn chịu được cái nhục ái thiếp bị trêu ghẹo, khoan dung với người, mà có được một dũng sĩ chịu xả thân cứu chủ.
Hãy học cách khoan dung, bởi tình yêu bao giờ cũng vĩ đại hơn thù hận, khoan dung bao giờ cũng có sức mạnh hơn trừng phạt.
Chỉ có người vô tâm mới thỏa mãn bới móc những vấp ngã của người khác. Vấn đề là khi họ đã vấp ngã và muốn quay lại, ngần ngại gì mà đắn đo, hơn thiệt gì mà không mở rộng vòng tay.
Thành Sơn/TC GĐTE