Cuốn sách này tập hợp những bài phỏng vấn và phê bình, chủ yếu là về văn học và giáo dục. Các bài phê bình văn học (đã được chọn in trong tập "Viết – cô đơn & sức mạnh", NXB Hội Nhà văn, 2014), và tất cả những bài còn lại đều đã được công bố chính thức trên các báo từ 2009 đến nửa đầu của năm 2014.
Đó là khoảng thời gian giữa hai luận án tiến sĩ mà tác giả Nguyễn Thị Từ Huy thực hiện ở Pháp: Luận án về văn chương kết thúc vào tháng 11 năm 2008 và luận án về triết học chính trị bắt đầu vào tháng 7 năm 2014. Có một bài phỏng vấn đăng năm 2019 nhưng cùng về chủ đề giáo dục nên tác giả chọn đưa vào.
Bà Nguyễn Thị Từ Huy là tiến sĩ Văn học Pháp và Tiến sĩ triết học chính trị tại Đại học Paris Diderot. Nghiên cứu gần đây của bà trong lĩnh vực triết học chính trị dựa trên nền tảng suy tưởng của các triết gia đương đại: Arendt, Deleuze-Guattari, Lefort, Havel, để từ đó phát triển suy nghĩ về các vấn đề chính trị ngày nay. Bà là tác giả của các cuốn sách: "Alain Robbe-Grillet: Sự thật và diễn giải", "Viết: Cô đơn và sức mạnh", "Các khái niệm chính trị của Hannah Arendt". Bà cũng là người chuyển ngữ các cuốn sách của Deleuze và Guattari sang tiếng Việt: "Nietzsche và triết học", "Kafka - vì một nền văn học thiểu số".
Ông Lê Thiết Cương tốt nghiệp trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, là nghệ sĩ tự do tại Hà Nội. Là người giám tuyển, ông thường xuyên tổ chức triển lãm phi lợi nhuận tại Gallery 39, Laca Café, Hàng Da Gallery, Trung tâm văn hóa cafe Trung Nguyên và Chuỗi nghệ thuật Davines tại Trung tâm nghệ thuật đương đại VCCA. Ông đã triển lãm tranh ở nhiều nước khác nhau, một số bức tranh của ông nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Quốc gia Singapore. Ông còn là một nghệ sĩ đa tài khi tham gia vào những lĩnh vực khác như nhiếp ảnh, làm gốm và viết văn. Ông chuyên viết về văn hóa, nghệ thuật và minh họa cho các báo và tạp chí như Tuổi trẻ, Lao động, Nhân dân,… Ông cũng đã thiết kế sách cho nhiều nhà văn nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam, trong đó có Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Quang Thiều, Hoàng Ngọc Hiến,… Lê Thiết Cương đã nhận được giải thưởng Good Design Award của Nhật Bản trong hai năm 2003-2004 và 2005-2006.
Ông Nguyễn Quang Thiều là nhà thơ Việt Nam nổi tiếng với hàng loạt tác phẩm như "Ngôi nhà tuổi 17" (1990), "Sự mất ngủ của lửa" (1992), "Những người lính của làng" (1994), "Những người đàn bà gánh nước sông" (1995), "Cỏ hoang" (1990), "Mùa hoa cải bên sông" (1989), "Vòng nguyệt quế cô đơn" (1991), "Tiếng gọi tình yêu" (1992), "Cây ánh sáng" (2009)…
Ngoài lĩnh vực chính thơ ca tạo nên tên tuổi, ông còn là một nhà văn với các thể loại tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký và tham gia vào lĩnh vực báo chí. Nguyễn Quang Thiều đã nhận được hơn 20 giải thưởng văn học trong và ngoài nước, trong đó có giải thưởng Hội Nhà Văn Việt Nam năm 1993. Hiện ông đang giữ cương vị Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và Giám đốc Nhà xuất bản Hội nhà văn.