Sống thử, hậu quả thật
Xuất thân trong một gia đình khá giả ở Quảng Bình, lại là một cô gái biết ăn diện, nên mặc dù ở tỉnh lẻ nhưng Thuỷ có gu thời trang không kém gì các bạn ở Hà Nội. Ngay từ năm đầu là sinh viên của trường Đại học Thương Mại, Thuỷ đã được nhiều chàng trai theo đuổi. Cuối cùng Thuỷ đã nhận lời yêu anh chàng học trên một khoá tên Hùng quê ở Bắc Giang bởi phong cách ga lăng, lịch lãm. Sau một thời gian yêu nhau, Thuỷ và Hùng đã dọn về chung sống với nhau tại căn hộ thuê ở Cầu Diễn.
Từ khi sống chung thì Thuỷ mới dần nhận rõ được bản chất người “chồng hờ” là một tên chuyên “đào mỏ”. Về sống chung nhưng Hùng không hề “đếm xỉa” đến chuyện tiền ăn ở sinh hoạt. Vì quá yêu Hùng nên hàng tháng Thuỷ đều phải vẽ ra nhiều khoản chi tiêu trong học tập để xin thêm tiền gia đình lo sinh hoạt cho Hùng. Số tiền mà Thuỷ phải xin ngày một nhiều trong khi người yêu thì viện ra đủ khoản để “mượn” rồi… trả sau. Cuối cùng Thuỷ biết số tiền đó Hùng dùng để chơi lô đề, cờ bạc, cô ra sức khuyên người yêu thì nhận lại là những lời xỉ vả cay nghiệt của một kẻ đã đạt được thứ quý giá nhất của người con gái.
Ảnh minh họa.
Ê chề bởi những trận cãi vã không lối thoát, rồi lớn hơn là xô xát. Nhưng tất cả từng ấy vẫn chưa đủ, mà đau đớn hơn khi Thuỷ biết mình có thai, cô thông báo với Hùng nhưng đã nhận được câu trả lời gọn lỏn: “Chắc gì đã là con của tôi. Cô tự đi mà giải quyết”. Sau nhiều ngày đêm dằn vặt Thuỷ đành phải quyết định bỏ cái thai trong bụng vì cô không thể vừa đi học vừa kiếm tiền nuôi con được.
Cũng là một cô sinh viên năng động của một trường đại học ở Hà Nội, Trần Minh Loan có rất nhiều anh theo đuổi. Trong số các anh chàng ấy Loan đã chọn yêu Tuấn và hai người quyết định sống chung với nhau. Thời gian đầu họ cũng vui vẻ "hạnh phúc", nhưng càng về sau thì họ thường xuyên cãi vã, xô xát, và đoạn kết là đường ai nấy đi. Thế là chấm hết những ngày "góp gạo thổi cơm chung" giữa hai người. Từ đó Loan lao vào những cuộc tình mới, cô như con thiêu thân chung sống hết với người này sang người khác, bất chấp người đó xuất thân thế nào, mới quen hay là quen lâu, miễn bạn trai muốn sống chung là cô chấp nhận. Loan trượt dài qua những mối tình như để trả thù Tuấn.
Còn M - cô sinh viên đến từ Tuyên Quang, câu chuyện sống thử và đứa con đầu lòng sẽ mãi mãi là nỗi đau của cô trong suốt cuộc sống sau này. Là sinh viên năm thứ nhất, cô “yêu” một người đàn ông tên N. Nghe lời dụ dỗ ngon ngọt của người tình lớn tuổi cô đã rời ký túc xá của trường ra ở với N. Thời gian đầu mặn nồng, N chu cấp mọi chi phí sinh hoạt cho M để có cuộc sống sung túc, nhưng sau đó thời gian N đến ở với M thưa dần. Đến khi hay tin M có thai, N tìm cách tránh né. Vòng bụng ngày một lớn hơn, M đành cuốn hành lý, giấu gia đình, tìm đến một ngôi chùa ở ngoại thành Hà Nội, nhờ các ni sư cưu mang, giúp đỡ. Qua 5 tháng sống nương tựa tại chùa, M sinh được mẹ tròn con vuông. Sau khi sinh nở, M liền bỏ con đi mất biệt.
Báo động tình trạng nạo, phá thai trong giới trẻ
Ông Đào Văn Dũng, Vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, hiện nay tỉ lệ nạo phá thai ở độ tuổi vị thành niên của Việt Nam khá cao, chiếm khoảng 20% trong tổng số ca nạo phá thai hằng năm (khoảng 300.000 ca). Tỷ lệ nạo phá thai ở độ tuổi vị thành niên vẫn cao nhất so với các nước Đông Nam Á. Ngoài ra, Việt Nam cũng là 1 trong 5 quốc gia có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới.
Thống kê trong những năm gần đây của Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho thấy, tỷ lệ nạo phá thai vị thành niên tại Việt Nam không ngừng gia tăng. Mỗi năm cả nước có khoảng 1,2 triệu đến 1,6 triệu ca nạo phá thai; trong đó 20% là ở lứa tuổi vị thành niên và khoảng 15% đến 20% số ca nạo phá thai là của thanh niên chưa lập gia đình, số thanh niên có quan hệ tình dục trước hôn nhân tăng.
Tiến sỹ Trịnh Hòa Bình, Viện nghiên cứu xã hội học cho rằng: “Sống thử” là một cuộc sống không lâu bền, vì hầu hết sau một thời gian sống chung tạm bợ, những va chạm trong cuộc sống hằng ngày dễ làm cho người ta chán nhau, nhất là những cặp sinh viên “sống thử” còn phải mang theo nỗi lo học hành, nỗi lo “cơm áo gạo tiền” thì càng bức bối. “Sống thử” là chỉ có hai người coi nhau là vợ chồng, còn xã hội và gia đình thì không, nên chẳng có ai giúp đỡ cho “vợ chồng” này khi gặp những khó khăn, trục trặc nhỏ trong tình cảm để nó không bùng phát thành mâu thuẫn lớn; chẳng có ai bảo vệ “gia đình” này khi có kẻ thứ ba dòm ngó. Và nỗi lo chẳng may có thai trước khi kết thúc giai đoạn “sống thử” sẽ khiến cho cuộc sống tình dục “vợ chồng thử” của các bạn trẻ không bao giờ có được niềm hạnh phúc tự nhiên như trong một cuộc hôn nhân hợp pháp. Rồi nhiều chuyện không mong muốn xảy ra như nạo phá thai và đặc biệt nó có thể kéo theo nhiều căn bệnh nguy hiểm và gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống hôn nhân thực sự sau này.