Câu cá bông lau – một vốn bốn lời
Sông Mekong chảy xuống hạ nguồn Việt Nam rẽ thành hai nhánh sông Tiền và sông Hậu, năm nào đến Tết cũng xuất hiện rất nhiều cá bông lau. Cá bông lau thuộc loài cá da trơn (giống cá tra) có giá trị dinh dưỡng cao nên giá trị kinh tế cũng rất cao. Loài cá này chỉ đánh lưới mới bắt được, ngay cả những ghe cào điện hay đánh lưới vây cũng không bắt được cá.
Do đó, cá bông lau vẫn sinh sôi nẩy nở tốt ở vùng hạ nguồn Đồng bằng sông Cửu Long. Một ngày đầu tháng, chúng tôi được anh Hai Lem (51 tuổi, ấp Thanh Nhung 1, xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang) dẫn đi câu cá bông lau ở vịnh Sâm Hưng (sông Cửa Tiểu). Đây là vịnh có chiều nước khá sâu so với các vịnh khác ở sông này.
Hai bên bờ sông có nhiều vạt bần xanh ngắt đang vào mùa, sai quả. Trái bần chín rụng xuống nước là thức ăn mà loài cá bông lau rất ưa thích. Lợi dụng đặc tính này, ngư dân đi lượm trái bần chín về làm mồi câu.
Anh Hai Lem có 8 người con thì có 7 đứa biết câu cá bông lau. Gia tài nhà anh Hai gồm 1 chiếc ghe máy 1,5 tấn, 7 chiếc xuồng cùng mấy ngàn lưỡi câu và giàn lưới để đóng đăng. Mùa cá bông lau năm nay, cả nhà anh đều đi câu với mong ước được nhiều mẻ cá trúng đậm.
Vịnh Sâm Hưng mùa này, mỗi đêm có hàng chục xuồng câu đến từ các nơi như: xã Bình Xuân, xã Phước Trung (huyện Gò Công Đông) hoặc ở xã Long Vĩnh, Vĩnh Hựu (huyện Gò Công Tây) và cả ngư dân tỉnh Long An... cũng tìm đến thả câu. Ngoài ra, trên một số nhánh, cửa sông ở sông cửa Đại (Tân Phú Đông) cũng có nhiều ngư dân đi câu loài cá này.
Đi câu cá bông lau, dân trong nghề đều tuân thủ một “luật bất thành văn” là mỗi người đều có khu vực để thả câu mà không hề tranh giành hay “thăm trộm” giàn câu của người khác. Thời điểm thả câu lý tưởng nhất là vào lúc nước vừa nhồi ròng hoặc nhồi lớn; đặc biệt là vào ban đêm lúc trời êm, tàu ghe đi lại ít, cá dễ ăn mồi.
Buổi trưa, bầu trời trong xanh, con nước trên sông cửa Tiểu đang giật ròng. Hai anh em Tính, Toán (con anh Hai Lem) đi lượm trái bần chín về làm mồi cho đợt thả câu kế tiếp. Bần vừa chín được xẻ làm nhiều miếng cỡ ngón chân cái rồi móc vào giàn câu (10 lưỡi).
Giàn câu là một sợi nhợ dài, bên dưới treo lưỡi câu (từ dây đến lưỡi dài khoảng 5 tấc) với khoảng cách 2 sải tay/lưỡi. Cách 4 lưỡi câu có buột cục đá (để giữ dây câu nằm xuống đáy sông); cách 4 cục đá lại có một lưỡi neo gồm 5 thanh sắt để giữ giàn câu và mồi không trôi đi. Anh Hai kinh nghiệm thả câu theo hình chữ Z từ giữa dòng nước trở vào mé bờ, ở hai đầu dây có gắn phao làm bằng tấm mốp có cắm cờ hiệu.
Thả câu trong ngày có 2 đợt: Đợt 1 từ chiều tối đến khuya thì gỡ; đợt 2 từ rạng sáng đến giữa trưa thì thăm câu. Khi thăm câu, Tính chịu trách nhiệm chèo xuồng còn Toán lo thu dây câu. Đến lưỡi câu có mắc cá, người thu dây rất dễ biết vì cá sẽ giật mạnh. Vừa kéo cá lên cặp mạn xuồng, Toán dùng vợt xúc con cá, lôi vào lòng xuồng sau đó mới gỡ.
Buổi trưa mà chúng tôi cùng đi thăm câu, 2 anh em Tính, Toán chỉ thả khoảng 200 lưỡi câu và bắt được 2 con cá bông lau gần 4kg. Cữ thăm câu vào khuya hôm đó, với giàn câu 400 lưỡi, hai anh em đã bắt được 5 con cá bông lau nặng gần 13kg. Với giá 50.000 đồng/kg, số cá bắt được khoảng 700.000 đồng. Đêm trước đó, xuồng câu của Tính, Toán trúng đậm nhưng không may vì có gần chục con cá bông lau bị cá nhám cắn đứt gần nửa thân mình nên chỉ bán với giá rẻ (từ 20.000 - 25.000 đồng/kg).
So với các loài cá da trơn như cá basa, cá tra, cá lăng, cá út,... thịt cá bông lau là ngon nhất. Thịt cá bông lau trắng hồng, ít mỡ, thơm ngọt và đặc biệt là không tanh nên được nhiều người thích, làm thức ăn rất đưa cơm mà làm mồi nhậu thì không gì ngon bằng.
Lộc trời mang lại no ấm cho nhiều gia đình |
No ấm nhờ vụ cá
Theo lời của nhiều vị cao niên sống ven sông cửa Đại, cửa Tiểu, hiện tượng cá bông lau về vùng nước này đã có từ lâu. Vào mùa mưa xuống, thường là sau Tết Nguyên đán, từng bầy cá bông lau từ sông Tiền, sông Hậu bơi về các cửa sông, vùng nước lợ (gần biển) để săn mồi. Đây là thời điểm dân chài lưới ven sông cửa Tiểu, cửa Đại hành nghề câu cá. Để bắt cá bông lau, ngư dân sông Hậu thường dùng lưới nhưng ở sông cửa Đại, cửa Tiểu (sông Tiền), người ta thường sử dụng giàn câu. Một giàn câu tốn vài trăm ngàn đồng nhưng sử dụng được nhiều năm.
Hiện nay, vịnh Sâm Hưng có hơn 10 xuồng câu. Tuy chỉ mới đầu vụ nhưng trung bình xuồng nào cũng bắt được từ 3-10 con cá bông lau mỗi ngày. Cá mắc lưới không con nào dưới 2kg, bán tại chỗ từ 45.000 - 50.000 đồng/kg.
Anh Hai Lem khoe: “Mùa cá bông lau năm nào cũng có cá! Một xuồng đi mỗi ngày bắt được từ 3-5 con, bỏ túi ít nhất từ vài trăm ngàn đồng trở lên”. Được biết, hai đứa con của anh Hai đi TP Hồ Chí Minh làm công nhân nhưng đến mùa cá bông lau là trở về, suốt ngày ở dưới xuồng để lượm bần, thả câu.
Không riêng gì xuồng câu của anh em Tính, Toán mà xuồng của chú Tư Liến, Tư Lắm (xã Long Vĩnh, Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây)... thả câu gần đó cũng trúng được từ 3-10 con cá bông lau mỗi ngày, cân nặng hàng chục kí lô.
Mới đây, xuồng của anh Ba Rê (Long An) câu dính được con cá bông lau cân nặng 12,5 kg, bán được gần 700.000 đồng... Riêng đứa con trai lớn của anh Hai Lem, vừa cưới vợ và được ra ở riêng với chiếc ghe và giàn câu 800 lưỡi, cả tháng nay đã kiếm được gần 10 triệu đồng từ nghề câu này.
Theo nhiều thương lái thu mua cá, cả mùa cá bông lau dài mấy tháng, ai giỏi thì trúng được 2-3 đêm, với giá cá bình quân từ 45.000 – 50.000 đồng/kg, chỉ cần xong mùa cá là dư sức kiếm được 6 - 7 triệu đồng. Như gia đình anh Hai Lem, 10 miệng ăn nhưng chỉ có 5 công ruộng, năng suất không cao nên anh Hai trông vào nghề câu cá bông lau, cá ngát, đóng đăng… mưu sinh. Trong đó, câu cá bông lau là mùa làm ăn chủ lực mang lại nguồn thu nhập chính. Nhờ sự cần cù, chịu khó và giỏi nghề, gia đình anh Hai đã tích lũy, xây nhà và có cuộc sống ổn định.
Mùa câu cá bông lau ở sông cửa Tiểu, cửa Đại chỉ mới bắt đầu. Nhưng chắc rằng, đây sẽ là mùa làm ăn đầy hứa hẹn đối với những người dân mưu sinh bằng nghề câu cá ở đây.