Khi tình yêu nhuốm màu bạo lực
Với nhiều cô gái khác những ngày tháng ngồi trên ghế giảng đường đại học là quãng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời, nhưng với Quỳnh Dung đây lại là những ngày tháng đau buồn. Là cô gái Cao Bằng với nước da trắng ngần, dáng người mảnh mai, ngay từ năm đầu đại học tại Hà Nội, Quỳnh Dung đã được nhiều chàng trai săn đón. Cuối cùng với dáng vẻ phong trần, chững chạc của Tuấn Phong đã khiến Quỳnh Dung say đắm.
Sau thời gian tìm hiểu, hai người đã quyết định “góp gạo thổi cơm chung”.Từ ngày sống chung, Phong như một người hoàn toàn khác. Thay vì những cử chỉ chiều chuộng, lãng mạng trước đây, Phong khống chế Dung từ việc chi tiêu sinh hoạt của hai người cho đến thời gian biểu. Hôm nào Dung đi học về muộn, Phong mắng nhiếc, chửi bới thậm tệ. Một hôm Phong đi uống rượu với bạn bè về, Dung chưa kịp nấu cơm, Phong đã lôi hết bát đũa ra đập. Mỗi lần như vậy Dung đòi chia tay thì lại phải chịu những trận đòn của người yêu. Sau 4 năm đại học Dung từ một cô gái xinh đẹp, mặt mày rạng rỡ nay héo hon gầy mòn. Cũng may mắn sau khi ra trường cô đã may mắn tìm được công việc tại quê nhà, chấm dứt những tháng ngày đau khổ với mối tình sinh viên.
Còn với Ánh Phương (22 tuổi) thì không thể quên cảm giác bàng hoàng khi bị người yêu tát “nổ đom đóm” vì… tội dám cãi lại. Phương kể, vì trong người mệt mỏi nên cô từ chối đi "tăng hai" cùng người yêu sau bữa tiệc sinh nhật một người bạn trong nhóm của anh ta. Không hài lòng về điều này, anh chàng người yêu của cô, sau vài lời ngọt nhạt không được, đã thẳng tay cho cô một cái tát nảy lửa vì “dám cãi lại để anh ta bẽ mặt trước bạn bè”. Sự việc đáng ra không có gì nhưng cách cư xử thô bạo của người yêu khiến Phương cảm thấy chán nản và không còn mặn mà với mối quan hệ này.
Không chỉ có Ánh Phương và Quỳnh Dung từng là nạn nhân của người yêu, Tường Vi dường như không tin những gì đã trải qua với cô ở tuổi đôi mươi khi yêu kẻ máu lạnh. Vi kể, một hôm trên đường hai người đi dạo, cô đã vô tư khen một chàng trai đẹp như tài tử, vậy là bạn trai cô nổi xung lên và không tiếc lời sỉ vả cô là “trơ trẽn”, “mê trai”. Anh ta phóng xe như điên trên đường và không ngừng đe dọa sẽ cho cả hai cùng chết. Quá hoảng sợ, cô phải gọi điện cầu cứu bố người yêu thì anh ta mới dừng xe lại. Sau lần ấy, cô kiên quyết chia tay với anh ta. Thế nhưng một thời gian dài, Vi liên tục bị làm phiền bằng các cuộc điện thoại, nhắn tin, dọa giết, dọa tử tự… khiến cô phải chuyển chỗ ở nhiều lần. Cho đến khi có người yêu mới, gã kia mới tha cho Vi.
Bạo lực gia đình có dấu hiệu từ khi hẹn hò
Nhằm thúc đẩy quyền bình đẳng giới và chống bạo lực trong thanh niên Việt Nam, năm 2014 - 2015, một nhóm các bạn trẻ, với sự hỗ trợ của Cơ quan Phụ nữ Liên hợp quốc ( UN Women) đã tiến hành nghiên cứu về các quy định luật pháp và thực hiện một nghiên cứu qua mạng về bạo lực cặp đôi. Đối tượng tham gia là 569 bạn nữ ở lứa tuổi từ 18 - 30. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, gần 59% người được hỏi đã từng chịu bạo hành về mặt tinh thần, 23% từng bị quấy rối và bạo hành qua mạng, 24% từng là nạn nhân của quấy rối và đeo bám sau khi chia tay. Hậu quả là 21% trong số người được hỏi từng bị tổn thương về thân thể hoặc tinh thần. Hơn 6% trong số đó đã từng muốn tự tử.
Nghiên cứu này cũng đã chỉ ra 6 loại bạo lực hẹn hò gồm: bạo lực thể xác, bạo lực kinh tế, bạo lực tinh thần, bạo lực qua công nghệ thông tin, bạo lực tình dục, đeo bám sau khi chia tay. Trong bạo lực thể xác, những hành vi bạo lực gây thương tích nặng như: bóp cổ, dùng vũ khí... do nam giới gây ra nhiều hơn cho bạn tình. Với các dạng bạo lực gây thương tích nhẹ như cấu, tát, cắn, ném đồ, các bạn nữ gây ra cao gần gấp 2 lần… Đáng chú ý là nam và nữ đều bị bạo lực tinh thần ngang nhau, với các hành vi: kiểm soát, bắt báo cáo, ghen tuông; tỏ ra coi thường, xúc phạm người yêu, gia đình người yêu; cố tình làm người yêu xấu hổ vì bản thân… Mặc dù e ngại không muốn chia sẻ về hình thức bạo lực tình dục, nhưng đã 5 người cho biết đã bị quay phim, chụp ảnh trộm, 7 người bị cưỡng ép tham gia vào các loại hình tình dục không mong muốn.
Trưởng nhóm Nguyễn Thị Phương Thanh cho biết: Ở Việt Nam mọi người thường chỉ nói đến bạo lực gia đình, còn bạo lực hẹn hò chưa bao giờ được nhắc tới và chưa có một nghiên cứu chính thức về vấn đề này. Trước đây, cũng có nghiên cứu tập trung vào hình thức bạo lực thể xác và bạo lực tình dục, còn những bạo lực khác không liên quan đến thân thể vẫn chưa được ghi nhận và được nghiên cứu đầy đủ. Không ít phụ nữ sau nhiều năm chịu bạo hành từ chồng mới hiểu ra, bản tính bạo lực đã có dấu hiệu từ khi hẹn hò. Có những điều khiến chị em cảm thấy lấn cấn trong thời kỳ làm quen hoặc yêu nhau, nhưng tựu trung chỉ là những ứng xử vặt vãnh thường ngày nên thường cho qua. Nhưng đến khi trở thành vợ chồng, trải qua nhiều năm chung sống và phải chịu đựng sự bạo lực từ chồng thì người phụ nữ mới nhận ra rằng, đó là dấu hiệu của bạo lực.
“Các bạn trẻ cần phải trang bị những kỹ năng bình tĩnh xử lý tình huống, giải quyết khúc mắc và tôn trọng lẫn nhau trong tình yêu. Muốn chấm dứt bạo lực gia đình, chúng ta phải giải quyết từ gốc, nghĩa là phải chấm dứt được bạo lực hẹn hò. Mục tiêu của nghiên cứu là kêu gọi giới trẻ thay đổi nhận thức, hành vi xấu” – Phương Thanh chia sẻ.