|
Chọn thực phẩm sạch, có nguồn gốc và không hết hạn sử dụng là một trong những nguyên tắc vàng đảm bảo ATVSTP
|
Miếng ăn mang mầm bệnh
Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) vừa phối hợp điều trị một ca ngộ độc thực phẩm nặng xảy ra tại tỉnh Ninh Bình. 9 người trong một gia đình tại đây đã phải đi cấp cứu sau bữa ăn tại nhà với cùng chung một triệu chứng là đau đầu, khô cổ, tê chân tay, hoa mắt, chóng mặt; 7 người phải nằm viện điều trị tích cực, trong đó 3 người thở máy. Nguyên nhân được xác định là do đĩa thịt vịt quay trên mâm cơm gia đình bị nhiễm khuẩn C.botulinum. Vi khuẩn này, theo các bác sỹ, khả năng sống sót rất cao nên chỉ cần một quy trình chế biến không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì dù đã quay chín, vi khuẩn C.botulinum vẫn có thể ký sinh trên thịt vịt và gây ngộ độc cho người ăn phải nó.
Đáng chú ý, ngoài thịt động vật, gia cầm chưa chế biến sạch, vi khuẩn này còn có thể tồn tại trong cả trong thức ăn đã qua chế biến như đồ hộp đã mở, thịt, cá hun khói… một thời gian dài.
Những bệnh nhân ngộ độc thực phẩm phải nhập viện sau bữa cơm nhà như vậy không còn là hiếm gặp. Tại Trung tâm Chống độc, có đợt cao điểm, bệnh nhân liên tục nhập viện trong ngày. Tính chung cả nước, trong những tháng qua, có hơn ½ số vụ ngộ độc được ghi nhận có nguồn gốc từ bếp ăn gia đình. Thực tế này đã cho thấy, bữa cơm nhà hiện nay đã không còn là “thành trì” an toàn nhất về vệ sinh an toàn thực phẩm như khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng.
Nhận định về sự gia tăng đến mức báo động các vụ ngộ độc thực phẩm trong gia đình, TS Lâm Quốc Hùng - Trưởng phòng Giám sát Ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn Thực phẩm cho biết, người dân hiện nay đã có ý thức phòng tránh thức ăn đường phố nhưng lại chủ quan với căn bếp nhà mình. Vệ sinh không sạch sẽ, chế biến và bảo quản không đúng hướng dẫn tức là chúng ta đang “nuôi dưỡng” rất nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm. Chưa kể, nhiều thói quen ăn uống xấu khác có thể tấn công sức khỏe của các thành viên trong gia đình bất cứ lúc nào.
Chẳng hạn nướng sơ, chao qua nước, tái chanh, tái giấm đang là cách thức chế biến thịt động vật và hải sản được nhiều người ưa chuộng nhưng lại rất nguy hiểm. Với hy vọng có thể giữ được nhiều chất dinh dưỡng, thưởng thức trọn vẹn hương vị ngon ngọt đặc trưng của món ăn, anh Trần Quang Minh, ngõ Văn Chương, Đống Đa chỉ nướng sơ hàu sữa và sò huyết. Tuy nhiên, sau bữa tối “đã miệng”, anh Minh đã phải nhập viện vì đau bụng và đi ngoài liên tục do bị nhiễm sán ký sinh còn sót lại trong hải sản chưa được chế biến chín. Tương tự như vậy, thói quen ăn nhậu với các món khoái khẩu và dân dã một thời của nhiều người Việt như ve sầu, nhộng, châu chấu cũng có thể gây ra nhiều trường hợp ngộ độc thực phẩm rất đáng tiếc.
Hãy tuân thủ các nguyên tắc vàng trong chế biến
GS. BS dinh dưỡng Bùi Minh Đức – Hội Khoa học kỹ thuật An toàn vệ sinh thực phẩm Việt Nam cho biết, một bữa cơm sạch là phải đảm bảo an toàn cho thực phẩm từ khâu nguyên liệu, chế biến đến bảo quản. Chỉ cần một khâu trong quy trình trên không đảm bảo, vi khuẩn gây hại xâm nhập và phát triển, bữa cơm nhà có thể mất an toàn vệ sinh thực phẩm như “cơm đường cháo chợ”. Lấy đơn cử việc rửa rau, mùa đông sắp đến, xà lách, bắp cải nếu không rửa kỹ các lá cuốn lõi bên trong dưới nước sạch để loại bỏ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn đọng thì chỉ cần đĩa rau nhiễm khuẩn cũng gây ra ngộ độc thực phẩm.
Cùng với việc sử dụng thực phẩm có nguồn gốc, thực phẩm sạch, chế biến vệ sinh, ăn chín thì BS Bùi Minh Đức đặc biệt khuyến cáo các bà nội trợ cần lưu tâm giữ sạch tủ lạnh gia đình. “Tủ lạnh có thể trở thành ổ vi khuẩn gây nên tình trạng lây nhiễm chéo khiến thực phẩm sạch biến thành thực phẩm bẩn nếu để thức ăn chín cùng thực phẩm tươi sống không bao gói; để thực phẩm lưu cữu lâu ngày. Nhiệt độ lạnh không có tác dụng khử khuẩn hay tiêu diệt hết ở các loại vi sinh vật có hại; nhờ khả năng chịu lạnh, một số loài vi sinh vật vẫn có thể sống tốt và sống khỏe trong tủ lạnh; kể cả ở chế độ đông, nhiệt độ xuống rất thấp, ở mức âm cũng chỉ là cách ức chế tạm thời vi sinh vật mà thôi. Vì vậy, một tuần nên “xả” tủ lạnh một lần bằng cách tắt nguồn điện, vệ sinh tủ sạch sẽ”.
Bên cạnh đó, từ bỏ thói quen ăn gỏi (ăn sống) với thịt động vật, hải sản sống. “Thói quen ăn uống này tồn tại ở nhiều địa phương trong một thời gian dài. Nhiều người cho rằng, thực phẩm mua về nhà, rửa sạch, sát trùng là có thể yên tâm ăn, không có gì phải lo lắng cả. Song, môi trường sống của động vật, nguồn nước nuôi trồng của thủy hải sản hiện nay đã khác trước rất nhiều, mức độ ô nhiễm cũng cao hơn, nhất là tại các cửa sông, cửa biển, kéo theo đó là các loại vi trùng, vi khuẩn ký sinh. Vì vậy, việc chế biến thực phẩm cần cẩn thận hơn, lọc bỏ hết những phần ruột đen, bẩn không ăn được. Vắt chanh, trộn giấm, trần/nướng sơ qua nhiệt chỉ làm se bề mặt thực phẩm, không phải là cách được khuyến cáo để đồ ăn đảm bảo an toàn nên càng cần phải tránh”.
Theo Việt Bách/baophunuthudo